Kiến nghị giảm tải chương trình chính khóa của trường chuyên
Học sinh chuyên không phải "gà công nghiệp"
Để thành đạt trong cuộc sống, các kĩ năng mềm chiếm tới 75%, kĩ năng cứng chỉ chiếm 25%. Ý thức được điều đó, trong thời gian qua, các trường THPT chuyên đã chủ động soạn giáo án dạy tích hợp với giáo dục kĩ năng, kết hợp với kiểm tra khả năng phát triển kĩ năng của các em.
Theo thầy Nguyễn Phước Bửu Tuấn, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Quốc học (Huế), những năm gần đây, nhà trường đã huy động nguồn lực của các tổ chức để đầu tư xây dựng nhiều sân chơi như: Sân bóng rổ, tennis, bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông, bể bơi… Do đó, dù chương trình của trường chuyên vất vả nhưng học sinh ở đây vẫn năng động
Nhà trường cũng phối hợp với các trung tâm giáo dục kĩ năng sống, tổ chức nói chuyện, hình thành kĩ năng cho các em. Theo thầy Tuấn, hoạt động ngoại khóa cần được thường xuyên đổi mới, nhà trường cần tăng cường dạy kỹ năng sống cho học sinh để các em phát triển toàn diện.
Ví dụ về việc dạy bơi ở chuyên Quốc học Huế, 100% học sinh khi ra trường phải có chứng chỉ bơi do nhà trường cấp. Ngoài ra, các trường phải mở rộng hợp tác quốc tế để cả giáo viên và học sinh được tiếp cận với những mô hình giáo dục lớn trên thế giới.
Học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội- Amsterdam (ảnh nhà trường) |
Tại Trường chuyên THPT Phan Bội Châu (Nghệ An), việc giáo dục kĩ năng sống cho học sinh trường chuyên được triển khai bằng nhiều hình thức như sinh hoạt ngoại khóa, sinh hoạt câu lạc bộ, giáo dục ngoài giờ lên lớp... Nhiều đề tài dự án, khoa học của học sinh nhà trường được các hội đồng khoa học đánh giá cao như: Máy cào lúa và hút dẹp; máy quét rác đa năng; sản xuất gỗ ép từ bã mía…
Hiện, ở trường chuyên này cũng có nhiều CLB để học sinh tham gia: CLB tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga, CLB văn học dân gian, CLB nhảy hiện đại, CLB âm nhạc Acoustic, LCB truyền thông…
Tại Trường THPT chuyên Thăng Long (Lâm Đồng), các hoạt động trải nghiệm sáng tạo được thông qua nhiều hoạt động: Các CLB học tập; sân khấu hóa, diễn kịch; thông qua các hội thi, cuộc thi; trải nghiệm thông qua các hoạt động tham quan, dã ngoại, các nghiên cứu khoa học của học sinh…
Kiến nghị giảm tải chương trình chính khóa
Theo lãnh đạo Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, thực tế đúng là học sinh trường chuyên học giỏi nhưng chưa toàn diện. Sự đầu tư cao cho việc học môn chuyên phục vụ các kì thi, ít nhiều dẫn tới sự thiếu hụt thời gian dành cho các hoạt động của giáo dục khác, khiến cho một bộ phận học sinh chuyên phát triển chưa toàn diện, trong đó có kĩ năng sống.
"Do đó nhiều người nhận xét, học sinh trường chyên nhiều em là gà công nghiệp. Sự hạn chế về kĩ năng sống là lực cản cho học sinh chuyên khi ra trường công tác khiến nhiều em không phát huy hết khả năng chuyên môn. Do vậy, tăng cường kĩ năng sống là nhiệm vụ cấp bách.
Học sinh THPT chuyên Quốc Học Huế chụp ảnh cùng một học sinh của trường vừa đoạt quán quân Olympia 2016 (ảnh Đại Dương) |
Tuy nhiên, lãnh đạo Trường THPT chuyên Thăng Long cho biết, sau thời gian thực hiện các hoạt động trải nghiệm, nhà trường nhận thấy muốn hoạt động hiệu quả, cả giáo viên và lãnh đạo trường đều phải tham gia, đẩy mạnh kết nối bên ngoài với phụ huynh học sinh, các doanh nghiệp và cơ quan khoa học... Môi trường giáo dục hiện nay không còn đóng kín sau cánh cổng trường mà là môi trường mở bên ngoài với rất nhiều hoạt động giáo dục để học sinh phát triển toàn diện hơn.
Còn theo thầy Bửu Tuấn, để giáo dục học sinh toàn diện, đặc biệt với đối tượng học sinh chuyên, một trong những kiến nghị mà thầy đưa ra với Bộ GD&ĐT là đối với chương trình chính khóa cần giảm tải, hạn chế áp lực thi cử cho học sinh, tăng cường thời lượng các tiết thực hành. Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT nên đưa nội dung giáo dục kĩ năng sống thành nội dung chính khóa của chương trình giảng dạy trong nhà trường để giáo viên có định hướng phù hợp.
Về điều này, đại diện Trường THPT chuyên Phan Bội Châu cũng cho hay, Bộ GD&ĐT cần có tài liệu hướng dẫn, chuẩn hóa hoạt động giáo dục kĩ năng sống cho từng cấp học. Trên cơ sở đó, mỗi cơ sở giáo dục ở địa phương có sự vận dụng linh hoạt cho từng vùng miền, tránh sự rập khuôn máy móc.
Ông Vũ Đình Thuận, Hiệu trưởng THPT chuyên Tuyên Quang đề nghị, Bộ GD&ĐT cần bố trí lồng ghép các chương trình, dự án của Bộ, bồi dưỡng năng lực phát triển chương trình cho cán bộ quản lý, giáo viên nhà trường. Ưu tiên bố trí kinh phí từ các chương trình, dự án để hỗ trợ tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục hỗ trợ nhằm thực hiện kế hoạch giáo dục.