Không để Ban đại diện cha mẹ học sinh làm “bình phong” cho lạm thu
Câu chuyện lạm thu đầu năm học mới vẫn tiếp tục là chủ đề “nóng” trên các phương tiện thông tin đại chúng và phụ huynh học sinh trong những ngày gần đây. Các trường bị phụ huynh “tố” lạm thu đều chỉ đích danh đối tượng gây ra lạm thu là Ban đại diện cha mẹ học sinh. Trong khi đó, nhiều phụ huynh học sinh lại cho rằng, Ban đại diện cha mẹ học sinh chính là cánh tay nối dài của Ban Giám hiệu trong việc đề ra các khoản thu trái quy định và đề xuất nên xóa bỏ tổ chức này.
Thế nhưng, nhiều chuyên gia cho rằng, không thể xóa bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh, mà nên tìm giải pháp để tổ chức này hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ, không trở thành “bình phong” cho Ban Giám hiệu các trường trong việc lạm thu.
(Ảnh minh họa) |
Buổi họp phụ huynh đầu năm học 2017-2018 của chị Phạm Bảo Anh, ở phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội có con gái đang học lớp 6 ở một trường thuộc quận Cầu Giấy diễn ra trong vòng gần 2 giờ. Nội dung buổi họp chủ yếu xoay quanh vấn đề học tập của con, những việc cha mẹ cần làm để phối hợp với nhà trường trong giáo dục con. Việc đóng tiền đầu năm học cũng chỉ giới hạn ở những khoản bắt buộc như học phí, bảo hiểm y tế, còn những khoản tự nguyện như: quỹ cha mẹ học sinh, bảo hiểm thân thể, học tiếng Anh, tổ chức các hoạt động giáo dục ... đều được bàn bạc kỹ lưỡng trên tinh thần tôn trọng ý kiến của tất cả phụ huynh.
Chị Phạm Bảo Anh nói: “Cuộc họp phụ huynh của lớp con tôi rất dân chủ. Phụ huynh được bàn bạc các hoạt động của nhà trường và khi thảo luận về các vấn đề đóng góp thì đòi hỏi phải có ý kiến đồng ý của tất cả phụ huynh. Lớp con tôi không được lắp điều hòa vì không nhận được 100% ý kiến đồng ý của cha mẹ học sinh, do đó nhà trường quyết định không lắp điều hòa để đảm bảo ý kiến của cha mẹ học sinh được tôn trọng. Đó cũng là một thiệt thòi, nhưng tôi thấy Ban phụ huynh của lớp con tôi và nhà trường đã có một chỉ đạo đúng về việc làm này”.
Tuy nhiên, không phải tất cả các trường, Ban đại diện cha mẹ học sinh đều có cách làm dân chủ, tôn trọng ý kiến của cha mẹ học sinh như trường của con gái chị Phạm Bảo Anh, mà nhiều trường đã áp đặt, đưa ra các khoản thu vô lý chia đều theo đầu học sinh, không dựa trên sự bàn bạc, đồng thuận của tất cả phụ huynh. Nhiều phụ huynh phản đối, nhưng trường đã quyết nên phụ huynh buộc phải nộp tiền, dẫn đến bức xúc. Một phụ huynh đã có 3 năm liên tiếp làm trong Ban đại diện cha mẹ học sinh tại một trường mầm non ở tỉnh Thái Nguyên cho biết, cứ đầu năm, Ban Giám hiệu nhà trường lại phổ biến các khoản thu, từ khoản bắt buộc đến các khoản thỏa thuận. Ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ có nhiệm vụ phổ biến đến các phụ huynh khác để đóng góp đầy đủ. Nhiều người đã xì xào sau lưng chị là Ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ là cánh tay nối dài của Ban Giám hiệu. Dù không khỏi chạnh lòng, nhưng chị cho biết điều này là đúng thực tế đang diễn ra ở nhiều trường.
“Nếu nói cánh tay nối dài xét về mặt nào đó là đúng. Bởi vì các phụ huynh gần như không muốn phản đối lại những khoản mà nhà trường đã đưa ra. Những ý kiến của phụ huynh đưa ra, muốn phản ánh lên nhà trường, lại không được lắng nghe”.
Chính vì thực tế này, có ý kiến cho rằng nên xóa bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh ở các trường để tránh tình trạng lạm thu đầu năm học. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khẳng định, việc xác định Ban đại diện cha mẹ học sinh là đối tượng phải chịu trách nhiệm, hoặc “tiếp tay” cho tình trạng lạm thu, chỉ đúng ở hiện tượng. Về bản chất, các hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường, của lớp đều tuân theo chỉ đạo của Ban Giám hiệu. Tiền của Hội cha mẹ học sinh, nhưng nếu muốn tổ chức các hoạt động, hoặc mua sắm thêm cơ sở vật chất cho lớp học... cũng phải được sự cho phép của Hiệu trưởng mới được chi.
Nhiều khoản thu mang danh nghĩa là thỏa thuận, Ban đại diện cha mẹ học sinh đứng ra thu, nhưng việc quản lý, chi tiêu lại do Ban Giám hiệu quyết định, không công khai minh bạch với phụ huynh.
Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, không phải Ban đại diện cha mẹ học sinh cố tình làm sai mà đang bị các trường lợi dụng để lạm thu. Vì vậy, yêu cầu xóa bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh trong nhà trường là xuất phát từ bức xúc của phụ huynh. Thế nhưng việc làm này nếu được thực hiện sẽ không giải quyết được tận gốc vấn đề. Chỉ có giải pháp quy định rõ các khoản thu và xử lý nặng trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra lạm thu mới có thể giải quyết căn cơ tình trạng lạm thu.
Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ chia sẻ thêm: “Theo tôi, phải quy định rõ những cái gì nhà trường được thu và mức độ thu như thế nào, ở từng vùng miền thu ra sao? Nhà trường, lãnh đạo nhà trường phải có trách nhiệm làm việc đó. Còn hội phụ huynh có trách nhiệm vận động mọi người tự giác thực hiện và đồng thời giám sát việc thu chi, không phải là nhà trường giao cho phụ huynh thu và chi các khoản đó và cuối cùng đổ trách nhiệm xem như nhà trường không chịu trách nhiệm, điều đó hoàn toàn sai”.
Nếu chính quyền địa phương và ngành chức năng xử lý nghiêm lãnh đạo các cơ sở giáo dục để xảy ra lạm thu, phụ huynh kiên quyết đấu tranh, chỉ ra những sai phạm trong thu, chi của nhà trường thì lạm thu sẽ không còn tiếp diễn và Ban đại diện cha mẹ học sinh sẽ hoạt động đúng với ý nghĩa vốn có là cầu nối giữa nhà trường và gia đình trong quá trình giáo dục học sinh.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa cũng khẳng định, Ban đại diện cha mẹ học sinh rất cần thiết vì có chức năng phối hợp, kết nối giữa nhà trường và gia đình trong quá trình giáo dục học sinh. Để đảm bảo hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh phát huy đúng vai trò, chức năng của mình, Bộ sẽ nghiên cứu bỏ quy định Ban đại diện cha mẹ học sinh thu tiền để không xảy ra tình trạng các trường lách luật, sử dụng Ban đại diện cha mẹ học sinh như tấm “bình phong” để lạm thu như thực tế đang diễn ra ở một số trường hiện nay./.