Không cứ con “quan” hay dân thường, mà lên chức có đúng đắn không?
VOV.VN phỏng vấn ông Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh Thiếu niên nhi đồng của Quốc hội.
PV: Trong thời gia qua, nhiều sai phạm trong công tác cán bộ đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương công bố, xử lý và đề nghị xử lý. Thưa ông, ông có cho rằng công tác cán bộ thời gian qua còn nhiều vấn đề cần phải nhìn nhận lại?
Ông Nguyễn Viết Chức: Thời nào cũng thế, chuyện con người, chuyện cán bộ là rất quan trọng. Ngay từ những ngày đầu cách mạng, Bác Hồ cũng đã rất quan tâm đến chuyện này. Các kỳ Đại hội Đảng, công tác này cũng được đặt ra là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Hội nghị Trung ương 4 khóa XII cũng đã xác định “công cán bộ là then chốt của mọi then chốt”.
Theo dõi kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương trong thời gian vừa qua, Đảng viên chúng tôi rất mừng là Đảng, Nhà nước đã nhìn thấy và đặt trúng “bệnh” và kiên quyết trị bệnh. Nhưng cũng buồn là sai phạm trong công tác cán bộ xảy ra nhiều quá, ở cấp nào, ngành nào, địa phương nào cũng có.
Ông Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh Thiếu niên nhi đồng của Quốc hội. |
Có thể nói trong công tác cán bộ, chúng ta đã làm được nhiều nhưng hiệu quả chưa được bao nhiêu. Chỗ nào cũng đúng quy trình nhưng sao lại để xảy ra nhiều sai phạm như thế? Vậy lỗ hổng trong công tác cán bộ là gì, nếu không tìm ra và xử lý được thì mọi vấn đề khác cũng chỉ là nói trên lý thuyết, bởi công tác cán bộ là then chốt của mọi then chốt, mà trong bối cảnh hiện nay lại càng có ý nghĩa quan trọng.
PV: Qua nhiều vụ sai phạm của cán bộ được phát hiện trong thời gian qua, có nhiều người sai phạm là con em, hoặc thân quen, hoặc được bổ nhiệm một cách “thần tốc”… Ông nghĩ thế nào về việc này?
Ông Nguyễn Viết Chức: Theo tôi, không nên phân biệt con em hay không con em, thần tốc hay không thần tốc. Lên nhanh cũng được, thần tốc cũng được, chậm cũng được, nhưng cuối cùng hiệu quả phải là gì?.
Trước đây, chúng ta đã sai lầm phân biệt con địa chủ, con phú nông và thực tế là đã rất nhiều người tài không được trọng dụng, vậy nếu bây giờ cũng phân biệt con cán bộ thì lại lặp lại những sai lầm trước đây.
Không nên phân biệt lý lịch mà nên quan tâm đến quá trình phấn đấu. Không nên quan tâm đến lên nhanh hay lên chậm. Những người có tài đức thực sự thì phải bổ nhiệm sớm để khuyến khích và tận dụng tài năng của họ. Nếu mà lúc nào cũng cứ đúng quy trình, 3 năm từ tổ trưởng, phó phòng… rồi lên dần theo từng bậc thì ít nhất khi bổ nhiệm được cán bộ cao cấp, họ cũng đã ở lứa tuổi 50-60. Trong khi các nước lại không căn cứ vào độ tuổi, nhiều nước 40 tuổi đã có người lên làm Tổng thống.
Theo tôi, không phải lên nhanh hay chậm, con ông cháu cha hay dân thường, mà vấn đề ở đây là anh bổ nhiệm một cách có đúng đắn, chính xác không?. Vậy ở đây, khi quy kết trách nhiệm phải là của những người sai phạm và những người giới thiệu và bổ nhiệm.
Từ thời phong kiến, người đề cử và người được đề cử phải có “cùng chung”, nếu có công được thưởng là thưởng chung, còn nếu có tội thì phải cùng chịu trách nhiệm. Vậy trong sai phạm của Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, tự ông này có thể lên được đến chức vụ đó không, mà phải có người giới thiệu, đề cử?
PV: Như ông vừa nói thì cần có quy trình để bổ nhiệm người thực sự có tài đức như thế nào để không gây những bức xúc trong dư luận rằng “con ông cháu cha” thì được ưu tiên hơn “dân thường”?
Ông Nguyễn Viết Chức: Dư luận bức xúc không phải không có lý. Nhanh là vì khi sức ông nhảy được 1m, lại được giao nhiệm vụ nhảy 1,5m. Như thế là nhanh, là làm bậy. Còn khi ông nhảy được 1,5m, nhưng lại giao ông nhảy 1,3m chỉ vì ông chưa đủ tuổi, thế cũng không phát triển được người tài. Khi đó lại phải có cơ chế để bồi dưỡng cán bộ lên nhanh, càng nhanh càng tốt.
Cùng sống dưới chế độ XHCN thì ai cũng như ai, cùng được hưởng chương trình giáo dục như nhau, cùng có một môi trường rèn luyện như nhau, ai đủ tiêu chuẩn thì phải cất nhắc. Nhưng tôi nhấn mạnh là cất nhắc theo tiêu chuẩn.
Không thể bình quân được, chúng ta đã bình quân chủ nghĩa mãi rồi, đã đói kém vì cái bình quân chủ nghĩa rồi. Chúng ta không thể kìm hãm những người có tài đặc biệt, mà phải tạo điều kiện để họ phát huy khả năng của mình.
Nhưng cái tài đặc biệt và lên nhanh đặc biệt thì lại phải có quy trình xem xét đặc biệt. Chẳng hạn lên đúng quy trình thì phải có mấy cấp, nhưng lên đặc biệt phải thêm cấp nào thì phải quy định rõ, chẳng hạn thêm 2-3 cấp xét duyệt.
Bây giờ thế kỷ 21 rồi phải trọng dụng nhân tài bằng những cách cách như thế. Có như thế chúng ta mới có cán bộ trẻ. Chứ nếu cứ đúng quy trình thì phải đến 55 tuổi mới lên được và lên được 5 năm đã hết nhiệm kỳ. Chính việc làm 1 khóa đôi khi cũng tạo ra tâm lý nhiệm kỳ.
Vì thế công tác cán bộ cần phải nhiều đổi mới, đổi mới quyết liệt, đổi mới đích thực, chứ không vì những tư duy cũ, tâm lý đám đông, cộng đồng. Cũng có những thực tế để người ta có tâm lý này, như chưa một ngày làm quản lý đã lên vụ phó, vụ trưởng, vậy thì quản lý thế nào. Tiêu chuẩn người tài căn cứ vào đâu? Phải căn cứ vào thực tế chứ không phải bằng cấp.
PV: Như ông vừa nói, với những người tài đặc biệt thì có những cơ chế, quy trình đặc biệt để khuyến khích họ. Vậy thì với những người vi phạm, dù ở cấp nào cũng phải xử lý nghiêm minh, coi như là một việc bình thường trong công tác cán bộ để tránh tâm lý đã ăn sâu “khi đã lên thì khó xuống” như hiện nay?
Ông Nguyễn Viết Chức: Trong công tác bổ nhiệm cán bộ, là phải đúng quy trình, mà quy trình thật, đúng tiêu chí là phải tiêu chí thật. Đặc biệt là giờ đây Bộ Chính trị đã ra quy định về tiêu chí về cán bộ, vậy phải căn cứ vào tiêu chí đó để bổ nhiệm, đề bạt cán bộ, chứ không căn cứ vào xuất thân.
Và dĩ nhiên, đề bạt cất nhắc rồi thì người được đề bạt phải tiếp tục phấn đấu, rèn luyện. Còn đến một thời điểm nào đó, anh không phấn đấu, không đủ tiêu chuẩn thì phải xuống, chứ không phải đã lên rồi thì không xuống được.
Kể cả “con ông nọ cháu ông kia” khi có những sai phạm như bằng rởm, vi phạm trong bổ nhiệm cán bộ, hứa một đằng làm một nẻo… thì cũng phải phê phán, xử lý.
Tôi rất quan tâm đến ý kiến của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, là nên có một cuộc tổng rà soát toàn bộ. Năm nay là năm đại hội cơ sở, tổng rà soát trên phạm vi toàn quốc, toàn Đảng và nên có một văn bản nhắc nhở từ Trung ương, nếu chi bộ nào, đảng bộ nào để sai sót thì không chỉ kỷ luật cán bộ sai sót đó mà có hình thức kỷ luật tương xứng đối với tập thể cấp ủy đảng chỗ đó. Phải gắn chặt những hình thức đó với nhau thì mới nghiêm được.
PV: Xin cảm ơn ông./.