Khơi dậy sức sáng tạo và phẩm chất, năng lực của học sinh
Dạy học sáng tạo là người dạy phải tạo mọi điều kiện, hướng dẫn, hỗ trợ học sinh phát huy tiềm năng, sở trường của mình. (Ảnh minh họa/internet) |
Dạy học sáng tạo
GS.TS Nguyễn Đức Chính - Đại học Quốc gia Hà Nội - cho rằng, chương trình định hướng năng lực, các nguyên tắc cần tuân thủ trong phát triển và thực thi chương trình của cả bậc học cũng như chương trình một môn học, cần xác định khái niệm dạy học phát huy sáng tạo của học sinh.
Theo đó, dạy học thực chất là dạy cách học. Trong chương trình định hướng năng lực thì dạy học tức là tạo mọi điều kiện để mỗi học sinh tìm được cách tự rèn luyện những phẩm chất, năng lực cho chính bản thân bằng những cách học sinh đó mong muốn và có thể. Nói cách khác, dạy học là tạo động lực và điều kiện để mỗi học sinh phát huy hết tiềm năng vốn có của mình.
“Chúng ta đều biết những học sinh khác nhau tùy thuộc vào đặc điểm tâm sinh lý, trình độ học vấn, bối cảnh sống… có những tiềm năng khác nhau, có hứng thú, sở trường, sở đoản… riêng, nhưng tất cả phải được rèn luyện những phẩm chất, năng lực chung theo quy định của chương trình”- GS.TS Nguyễn Đức Chính trao đổi, đồng thời nêu quan điểm:
Tiếp cận theo hướng phát triển năng lực người học thực chất là tiếp cận định hướng đầu ra, có điều đầu ra là các năng lực chung, tiếp cận về mặt kiến thức hay về mặt năng lực. - PGS.TS Đỗ Thị Thúy Hằng
Dạy học sáng tạo là người dạy phải tạo mọi điều kiện, hướng dẫn, hỗ trợ… để mỗi học sinh với tiềm năng riêng, hứng thú, sở trường riêng… có thể tiến tới mục tiêu chung của chương trình bằng cách của mình một cách hứng thú nhất, phù hợp nhất với bản thân.
Trong quá trình đó học sinh có điều kiện thể hiện sự sáng tạo của bản thân, phát huy hết tiềm năng vốn có để tiến tới mục tiêu chung. Và cũng trong quá trình này người thầy cũng có cơ hội thể hiện sự sáng tạo của bản thân, không phải dạy học cho tất cả học sinh bằng một kiểu của mình, mà phải tìm tòi các cách dạy khác nhau cho các học sinh khác nhau nhằm giúp các học sinh khác nhau tiến tới mục tiêu chung.
Mỗi học sinh có trình độ và tiềm năng khác nhau. Vì thế giáo viên cần biết khơi dậy,đánh thức tiềm năng ấy. (Ảnh minh họa/internet) |
Học xong học sinh biết làm gì?
Liên quan đến nội dung này, PGS.TS Đỗ Thị Thúy Hằng - Học viện Quản lý Giáo dục – nhấn mạnh: Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết Trung ương 8 về đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT là “Đổi mới hình thức, phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả GD-ĐT; Phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý…”. Trong đó, việc đổi mới dạy và học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học được chú trọng để nâng chất lượng nguồn nhân lực.
“Không chỉ là xu hướng phát triển của giáo dục, các vấn đề cụ thể như: Chương trình, sách giáo khoa, đào tạo giáo viên, kiểm tra, đánh giá, phương pháp dạy học cũng được quan tâm. Bộ GD&ĐT tạo xác định tiếp cận theo hướng năng lực làm sao phát triển cho học sinh có được những năng lực cơ bản, những năng lực chuyên biệt để có thể vào cuộc sống”-PGS.TS Đỗ Thị Thúy Hằng chia sẻ.
Cũng theo PGS.TS Đỗ Thị Thúy Hằng, phát triển năng lực người học không có nghĩa là mâu thuẫn với việc trang bị cho học sinh những kiến thức và kỹ năng để học sinh có được năng lực hành động biết vận dụng những kiến thức đã học vào thực tế cuộc sống.
Xu hướng tiếp cận theo hướng phát triển năng lực học sinh phổ thông gắn với cuộc sống bên ngoài, bên cạnh năng lực chung như: làm Toán, viết Văn mà ai cũng phải có, cần có những năng lực chuyên: Âm nhạc, Mĩ thuật, Ngôn ngữ, đặc biệt là năng lực sáng tạo, tư duy phê phán.
“Tiếp cận theo hướng phát triển năng lực học sinh xuất phát từ quan điểm giáo dục là quá trình truyền thụ kiến thức mà người dạy và người học cần có và có thể biết. Mục tiêu giáo dục chính là nội dung kiến thức từng môn học mà giáo viên phải dạy và học sinh phải lĩnh hội, theo đó chuẩn đầu ra của chương trình tập trung chủ yếu gồm các tiêu chí nội dung kiến thức.
Nếu xây dựng chương trình theo tiếp cận năng lực - xu hướng mới trong đổi mới toàn diện nội dung giáo dục Việt Nam theo Nghị quyết 29 thì cần phải trả lời câu hỏi, học xong nội dung này học sinh biết và làm được gì để ứng dụng các kiến thức vào đời sống phát triển năng lực cá nhân?” - PGS.TS Đỗ Thị Thúy Hằng đặt vấn đề.