Khoa học và công nghệ góp phần giải quyết vấn đề cấp bách trong thực tiễn
Tháng 5/2020, nhiệm vụ khoa học và công nghệ “Nghiên cứu và phát triển bộ sinh phẩm phát hiện SARS-CoV-2 virus bằng kỹ thuật Realtime PCR” ra đời mang tính cấp bách |
Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, số ca mắc, số người tử vong vẫn tiếp tục lan rộng và tăng nhanh trên thế giới. Việt Nam xác định nguy cơ dịch bệnh vẫn có thể bùng phát bất cứ lúc nào, với sự chủ động khẩn trương và quyết liệt, Tháng 5/2020, Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt nhiệm vụ khoa học và công nghệ “Nghiên cứu và phát triển bộ sinh phẩm phát hiện SARS-CoV-2 virus bằng kỹ thuật Realtime PCR”, giao cho Đại học Thái Nguyên là cơ quan chủ trì thực hiện. Yêu cầu được đặt ra lúc đó là tinh thần quyết tâm cao, phát huy trách nhiệm cộng đồng, tâm huyết, trí tuệ của các nhà khoa học đối với một Nhiệm vụ KH&CN mang tính chất cấp bách của tỉnh.
Ông Dương Hồng Thái, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên: “Ngay cả Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên là một bệnh viện lớn mà chúng tôi chỉ dự trữ được ba ngày bộ kit là đã hết. Trong tình trạng chúng ta cần rất nhiều bộ kit để xét nghiệm mà ngoài thị trường không cung cấp đủ. Trong tình trạng này thì đề tài nghiên cứu chế tạo ra bộ tiếp ngay tại cơ sở nó mang tính thực tiễn cao độ”.
Ông Phạm Quốc Chính, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên chia sẻ: “Sở khoa học và công nghệ chúng tôi đã rất tích cực, rất quyết liệt trong việc chỉ đạo cũng như là theo dõi quản lý đối với nhiệm vụ khoa học công nghệ. Từng tuần, từng ngày chúng tôi đều phối hợp rất chặt chẽ với các đơn vị tổ chức chủ trì đề tài là Đại học Khoa học và Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên để tự để tiến hành rất nhiều xét nghiệm”.
Khi nhận nhiệm vụ, Đại học Thái Nguyên xác định thực hiện với một quyết tâm cao nhất, thể hiện vài trò của các nhà khoa học trong Đại học trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Nhóm nghiên cứu gồm các thành viên của các trường Đại học Khoa học và Đại học Y dược, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cùng phối hợp thực hiện. Tiến sỹ Nguyễn Phú Hùng - Trưởng khoa Công nghệ Sinh học, Trường Đại học Khoa học (ĐHTN) là chủ nhiệm đề tài.
PGS.TS Nguyễn Văn Đăng, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học, ĐH Thái Nguyên cho biết: “Để đảm bảo cái thực hiện nghiên cứu này thì thứ nhất cần có trình độ cao. Thứ hai là về cơ sở vật chất máy móc trang thiết bị hiện đại. Và thứ ba là phải có độ an toàn tuyệt đối”.
Nhóm nghiên cứu đã chạy đua với thời gian để hoàn thành sớm sản phẩm có những đặc tính vượt trội. |
Tại thời điểm Nhóm nghiên cứu triển khai thực hiện nhiệm vụ, Việt Nam đã sản xuất thành công bộ sinh phẩm phát hiện SARS-CoV-2 đầu tiên do Học viện Quân Y nghiên cứu; tiếp sau đó là Bộ sinh phẩm của Công ty Sao Thái Dương. Tuy nhiên, giá thành của các bộ sinh phẩm này vẫn còn khác cao, có những thời điểm số lượng khó đáp ứng đủ nhu cầu trong trường hợp dịch bệnh bùng phát. Đó cũng là lý do để Nhóm nghiên cứu đặt ra mục tiêu, chạy đua với thời gian để hoàn thành sớm sản phẩm có những đặc tính vượt trội. Tiến sỹ Nguyễn Phú Hùng, Trưởng khoa Công nghệ Sinh học, Trường Đại học Khoa học, ĐHTN cho biết về mục tiêu đặt ra của nhiệm vụ: “Mục tiêu của chúng tôi đặt ra là phải đảm bảo chất lượng giống như các bộ kit đang lưu hành. Gía thành thấp hơn các bộ kit đó từ 15-30%”
Nội dung của Nhiệm vụ được cụ thể hóa bằng nhiều nghiên cứu và thử nghiệm tại phòng xét nghiệm của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên. Nghiên cứu đã cho ra kết quả về độ nhạy, độ đặc hiệu lâm sàng và đặc hiệu phân tích đều đạt 100%. Đáng chú ý, thời gian thực hiện phản ứng nhanh hơn từ 25 -30 phút, giá thành dự kiến giảm khoảng 15 - 30% so với hầu hết các bộ Kit Realtime PCR đang lưu hành. Nhiệm vụ KH&CN này đã được Hội đồng khoa học và công nghệ tỉnh Thái Nguyên nghiệm thu đạt loại giỏi bởi các chuyên gia, nhà khoa học đến từ Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Viện Kiểm định Quốc gia Vaccine và sinh phẩm y tế - Bộ Y tế, Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam... Hiện nay đã có 20 bộ sinh phẩm, mỗi bộ gồm 50 test (tương ứng với tổng 1000 test) là sản phẩm của đề tài đã được bàn giao cho Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Thái Nguyên.
Tiến sỹ Phạm Văn Hùng, Viện Kiểm dịch Vacxin và sinh phẩm Quốc gia đánh giá: “Cái mẫu để sử dụng cho đánh giá chất lượng của cái bộ sản phẩm này đều là có nguồn gốc rõ ràng và đều được lấy từ nguồn bệnh nhân của Bệnh Viện tuyến Trung ương cũng như là của Viện kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế của Bộ Y tế. Về đánh giá chất lượng của cái bộ sản phẩm này về cơ bản là đạt yêu cầu, chất lượng, tương đương với các hộ sinh phẩm khác trong và ngoài nước nói chung hiện nay đang lưu hành sau khi hoàn thiện tối ưu hóa các phần”.
Bộ sinh phẩm sử dụng công nghệ Realtime PCR được các nhà khoa học Thái Nguyên nghiên cứu thành công. |
Đây là bộ sinh phẩm thứ tư sử dụng công nghệ Realtime PCR được nghiên cứu thành công trên phạm vi cả nước. Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Đại học Thái Nguyên sẽ tạo cơ sở quan trọng cho việc sản xuất sinh phẩm phát hiện SARS-CoV-2 với số lượng lớn, đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, tiến tới cung cấp cho các địa phương khác. Kết quả nghiên cứu được đánh giá cao bởi ý nghĩa khoa học và ứng dụng thực tiễn, nhất là trong bối cảnh hiện nay, nhiều cơ sở xét nghiệm virus SARC-CoV-2 trong cả nước đang thiếu sinh phẩm để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
PGS.TS Nguyễn Thị Lan Anh, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khẳng định: “Nhu cầu xét nghiệm SARS- CoV2 không những là ở việt Việt Nam mà cả trên thế giới là rất lớn. Hơn nữa, thông thường trong giai đoạn do ảnh hưởng của dịch bệnh nên vấn đề về nhập khẩu các sản phẩm vật tư y tế hết sức khó khăn. Như vậy việc chủ động nghiên cứu, sản xuất này rất đáng khích lệ và thật sự hữu ích trong công tác phòng, chống dịch bệnh”.
Với kết quả nghiên cứu này, tỉnh Thái Nguyên sẽ tiến hành đăng ký sở hữu trí tuệ, đồng thời tiếp tục chỉ đạo lựa chọn các doanh nghiệp, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ và năng lực sản xuất phù hợp để tiến hành đăng ký, cấp phép theo quy định, tiến hành ngay các phương án sản xuất Bộ sinh phẩm kịp thời phục vụ công tác xét nghiệm phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh Thái Nguyên. Có thể nói, thành công của nghiên cứu không chỉ có ý nghĩa trong công tác phòng, chống dịch của tỉnh Thái Nguyên mà còn góp phần nâng cao năng lực xét nghiệm của Việt Nam trong cuộc chiến chống Covid-19. Kết quả này có được tiếp tục khẳng định hiệu quả của sự phối hợp chặt chẽ theo cơ chế: Nhà nước đặt hàng - Nhà khoa học nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ mà tỉnh Thái Nguyên đã xác định, triển khai thực hiện trong nhiều năm qua./.