Khó vay ngân hàng, nông dân phải vay tín dụng đen để có vốn sản xuất
Tại Diễn đàn về Chính sách tín dụng nông nghiệp và nông thôn vừa diễn ra tại Hà Nội, nhiều ý kiến cho rằng nông dân, các tổ hợp tác, hợp tác xã còn rất khó vay được vốn ngân hàng để đầu tư sản xuất. Do đó, nhiều nông dân thậm chí phải vay nặng lãi, tín dụng đen để có vốn đầu tư sản xuất.
Nông dân vẫn rất 'đói' vốn đầu tư sản xuất nông nghiệp (Ảnh minh họa: KT) |
Nông dân vẫn “mơ xa” vốn ngân hàng thương mại
TS. Lê Đức Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác (Bộ NN-PTNT) cho hay, tín dụng cho nông nghiệp nông thôn còn rất nhiều rào cản. Trong đó, cơ cấu vốn cho vay của các Ngân hàng thương mại chưa phù hợp. Tính đến cuối tháng 6/2016, tổng dư nợ tín dụng nông nghiệp nông thôn chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 18% tổng dư nợ nền kinh tế; hơn 63% hộ nông dân có vay vốn thì vẫn phải vay từ các nguồn phi chính thức (như họ hàng, bạn bè và thậm chí là tín dụng đen…).
Thực tế cũng chưa hình thành hệ thống tín dụng quy mô nhỏ chuyên nghiệp cung ứng cho nông nghiệp nông thôn. Trong khi đó, hệ thống ngân hàng thương mại không bao quát hết khu vực nông thôn rộng lớn, hệ thống tín dụng phi chính thức (tín dụng ủy thác) chưa phát triển. Có tình trạng nguồn nhân lực thiếu về số lượng và thấp về chất lượng ở hệ thống các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng thương mại nên kế hoạch tín dụng cho nông nghiệp không phù hợp; sản phẩm tín dụng còn đơn điệu (chủ yếu cho vay theo món, cho vay hạn mức và cho vay tài trợ dự án); hình thức cho vay qua tổ nhóm đôi khi còn mang tính hình thức, NHTM cũng ngại cho vay nông nghiệp…
Hơn nữa, Chương trình tín dụng cho vay theo chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ
cao theo Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 5/3/2014 của Chính phủ được triển khai nhưng chưa hiệu quả, dù đây là phương thức cho vay mới và rất có ý nghĩa đối với sản xuất nông nghiệp. Chương trình mới chỉ áp dụng cho vay thí điểm tại 4 tỉnh Nam Định, Đồng Tháp, Cần Thơ và An Giang, nhưng hạn chế là cho vay mới chỉ tập trung vào một đối tượng chính đó là các doanh nghiệp vô hình chung đã tạo thế độc quyền giữa các tác nhân trong chuỗi, các tác nhân khác trong chuỗi bị hạn chế tiếp cận nguồn tín dụng chính thức.
Đã thế, nhu cầu vay vốn của nông dân rất lớn nhưng không phải ai cũng đáp ứng được điều kiện của ngân hàng về tài sản thế chấp. Thậm chí, họ không đủ trình độ để xây dựng phương án kinh doanh theo yêu cầu của ngân hàng.
Vay cả nặng lãi để làm nông nghiệp
TS. Lê Đức Thịnh còn cho hay, kinh nghiệm các nước cho thấy, cả hai hệ thống tổ chức tín dụng chính thức và phi chính thức luôn cùng tồn tại song hành, tạo ra hai phân khúc rõ rệt (về lãi suất, đối tượng khách hàng) nhưng lại có sự bổ sung, kết nối nhau để cùng pháp triển. Tuy nhiên, chính sách tín dụng nông nghiệp nông thôn ở Việt Nam thời gian qua hầu hết ưu ái cho khu vực chính thức và hướng vào các ngân hàng thương mại lớn.
Đặc biệt, để tạo điều kiện cho khu vực tín dụng chính thức phát triển, quy định nhà nước thậm chí còn quy định mức trần lãi suất tín dụng cho vay đối với khu vực phí chính thức. “Đây có lẽ là một trong những nguyên nhân “kìm hãm” sự phát triển của khu vực phi chính thức thời gian qua”- ông Thịnh nhấn mạnh.
Trong khi hệ thống tín dụng phi chính thức (tín dụng ủy thác) chưa phát triển, ở nông thôn hiện nay chủ yếu tồn tại hai hệ thống tín dụng chính thức và tín dụng giản đơn, trong đó không ít là loại hình tín dụng đen. Khó vay tín dụng chính thức khiến người dân nhiều nơi phải tìm đến tín dụng đen với các khoản vay nặng lãi để đầu tư cho sản xuất nông nghiệp.
TS. Hoàng Cầm, Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE), dẫn thực tế đáng báo động hiện nay đó là phần lớn các hộ nông dân dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên đang phải gánh các khoản nợ khác nhau với mức độ nợ từ 50 - 240 triệu. Tuy nhiên, đó chủ yếu là các khoản vay nặng lãi từ tín dụng đen với lãi suất lên tới 50-60%/năm để đầu tư cho sản xuất nông nghiệp thay vì có thể vay ở các ngân hàng với lãi suất thấp như chính sách quy định.
Lý do người dân vay nặng lãi từ tư nhân, theo TS. Hoàng Câm, là rất đa dạng, do không có tài sản thế chấp để vay ngân hàng, do thủ tục vay ngân hàng quá phức tạp và giải ngân chậm, phải chờ đợi từng đợt vay với lượng tiền quy định, nhiều khi không đáp ứng được nhu cầu đầu tư sản xuất. Trong khi đó vay từ tư nhân thủ tục rất đơn giản, không yêu cầu thế chấp, đáp ứng ngay khi có nhu cầu với lượng tiền cho vay cao hơn.
Tín dụng vi mô khá hiệu quả
Trước thực trạng nông dân khó tiếp cận nguồn vốn vay từ NHTM, nhiều chuyên gia cho rằng, Nhà nước cần đa dạng hóa các nguồn vốn tín dụng cho nông nghiệp nông thôn, trong đó cần tạo độ mở cho tài chính vi mô phát triển. Cho rằng việc phát triển mô hình tài chính vi mô đã được chứng minh thành công và hiệu quả tại nhiều quốc gia, trong đó có Nhật Bản, TS. Yoshihara Kiyotsugu (Đại học Kyoto, Nhật Bản) khuyến nghị với tỷ lệ dân số hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm đa số, Việt Nam rất phù hợp để các hoạt động tài chính vi mô phát huy hiệu quả. Bởi mô hình tín dụng này hiệu quả trong cung cấp các khoản vay nhỏ và các dịch vụ, sản phẩm tài chính cho các hộ gia đình có vốn sản xuất - kinh doanh thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
TS. Lê Đức Thịnh cũng cho rằng, thời gian qua, tài chính vi mô đang phát huy khá hiệu quả việc cung ứng vốn cho nông dân. Các hợp tác xã đã tự xoay vốn bằng cách huy động tín dụng nội bộ. Có những HTX huy động được hàng chục tỉ đồng, còn lại chủ yếu vài trăm triệu. Hiện cả nước có khoảng 80.000 tổ tín dụng tiết kiệm và cho vay ở nông thôn, nhưng khoảng 73.000 tổ chức thuộc Hội phụ nữ và cho vay theo cơ chế của Ngân hàng Chính sách xã hội.
“Mặc dù các tổ chức tín dụng vi mô này không phát triển nhiều, số vốn tăng không đáng kể. Nhưng hình thức cho vay này lại khá hiệu quả, rất tốt với người nghèo. Bản thân người dân đánh giá tổ chức tín dụng vi mô này cho vay ít nhưng đi kèm là đào tạo nghề, giúp đa dạng hóa nguồn thu nhập, hỗ trợ giảm nghèo tốt, tỷ lệ nợ xấu gần như không có, thu hoàn vốn đạt trên 99,9%”- ông Thịnh nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Hiền Phương, Phó Giám đốc Quỹ Cơ hội cho phụ nữ làm kinh tế tỉnh Đắk Nông, cho biết Đắk Nông có một số tổ chức tài chính vi mô cho hộ nghèo, người nghèo vay ưu đãi đã góp phần hạn chế tín dụng đen. Tuy nhiên, các tổ chức hiện có chưa đáp ứng đủ nhu cầu vốn của các hộ dân.
Còn ông Nguyễn Thanh Tùng, đại diện Quỹ Phát triển nông nghiệp Quốc tế (IFAD) cho rằng, sự linh hoạt trong việc cung ứng dịch vụ tài chính vi mô sẽ giúp nông dân dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ này, nhất là tài chính vi mô có ưu điểm nữa là gắn cho vay vốn với cung cấp kiến thức, kỹ năng cho người dân trước khi cho vay vốn để họ biết dùng nguồn vốn hiệu quả.
Vì vậy, các chuyên gia khuyến nghị Nhà nước cần có các chính sách ưu đãi khuyến khích cho khu vực tài chính phi chính thức, tài chính vi mô phát triển./.