Khó khăn tiêu thụ lúa gạo
Giá giảm, khó bán
Tranh thủ thu hoạch gần 2 ha lúa để bán lấy tiền đóng học phí cho con trai đang học đại học tại thành phố Cần Thơ, những ngày này chị Nguyễn Thị Nguyệt (ở huyện Tam Nông, Đồng Tháp) đang đứng ngồi không yên vì lúa chất đầy nhà mà giá lúa liên tục giảm. Thương lái trả giá thấp đến nỗi dù cần tiền nhưng chị Nguyệt vẫn không bán mà phải cố đợi giá cao hơn. “Thương lái tìm đủ mọi cách hạ giá mua. Nếu bán ở mức giá này thì sẽ lỗ công, lỗ vốn”, chị Nguyệt nói.
Nhiều nhà nông cho biết từ đầu vụ đến nay, giá lúa tại các tỉnh ĐBSCL giảm mạnh, với mức giảm từ 500- 800 đồng/kg. Cụ thể tại An Giang, lúa tươi giảm từ 4.500 đồng/kg xuống còn 4.300 đồng/kg; lúa chất lượng cao giảm từ 4.750 đồng/kg xuống còn 4.600 đồng/kg. Tại Bạc Liêu, lúa thu đông sớm giảm 100 - 700 đồng/kg so với thời gian trước đó 3 tháng, giá thu mua lúa mới của các công ty lương thực cũng giảm khoảng 200 đồng/kg. Thậm chí tại nhiều khu vực trồng lúa thường, nhà nông bán tại ruộng chỉ khoảng 4.000 đồng/ kg.
Việt Nam không cần thiết phải chạy theo sản lượng mà nên đầu tư sản xuất gạo chất lượng cao. |
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn vùng ĐBSCL đã gieo sạ hơn 700.000 ha lúa thu đông và hiện nhiều nơi vẫn đang tiếp tục xuống giống. Riêng diện tích xuống giống sớm, bà con đang thu hoạch hơn 110.000 ha và sẽ tiếp tục thu hoạch rộ trong thời gian tới.
"Giá lúa tiếp tục giảm là do lượng hàng tồn kho lớn, trong khi đó, tình hình xuất khẩu khó khăn nên đã tác động không nhỏ đến tiến độ thu mua của doanh nghiệp. Mặc dù chúng ta trúng thầu cung cấp 150.000 tấn gạo 25% tấm cho Philippines nhưng xuất khẩu sang các thị trường khác như Trung Quốc, Philippines, Malaysia… đều giảm mạnh", bà Dương Phương Thảo, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) giải thích.
Trung Quốc chiếm tới 50% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam nhưng từ đầu năm đến nay, thị trường này có xu hướng giảm nhập khẩu từ Việt Nam. |
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên nhân chính dẫn tới việc xuất khẩu gạo giảm mạnh là do phía Trung Quốc tiếp tục siết chặt quản lý xuất nhập khẩu gạo qua biên giới. Trung Quốc chiếm tới 50% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam nhưng theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), từ đầu năm đến nay, thị trường này có xu hướng giảm nhập từ Việt Nam. Theo đó, xuất khẩu chính ngạch qua thị trường này giảm 13% và tiểu ngạch giảm đến 30%.
Phản ánh của các doanh nghiệp Việt Nam cho biết, Trung Quốc đã đưa ra thêm các điều kiện đối với gạo nhập từ Việt Nam. Chẳng hạn: Đối với loại gạo kích thước nhỏ, trước đây chỉ có quy định dài dưới 6 mm, nay thêm quy định chiều ngang không quá 2 mm...
Đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở Tiền Giang cho biết, Việt Nam thường bán loại gạo Hàm Châu hoặc Sóc Miên nhưng bề ngang loại gạo này phổ biến từ 2,3 - 3 mm. Phía Trung Quốc thích loại gạo này do tỉ lệ thu hồi bột cao, giá mua hiện khoảng 400 USD/tấn. Tuy nhiên, với quy định mới, loại gạo này sẽ không đạt tiêu chuẩn.
"Thương nhân Trung Quốc nếu muốn nhập khẩu tiếp loại gạo này phải mua quota ở phía họ với chi phí khá cao, đồng nghĩa với việc họ phải giảm giá mua gạo. Một hệ lụy khác có thể xảy ra, đó là các thương nhân Trung Quốc sẽ chuyển sang mua gạo thơm, hạt dài. Điều này khiến gạo kích thước nhỏ của Việt Nam bị tắc đầu ra", ông Huỳnh Thế Năng, Tổng giám đốc Công ty Lương thực miền Nam, cho biết.
Thay đổi tư duy sản xuất và xuất khẩu
Theo số liệu của VFA, 9 tháng đầu năm nay xuất khẩu gạo giảm hơn 16% về khối lượng và giảm gần 13% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam sang các thị trường truyền thống như Philippines, Malaysia, Singapore... giảm từ 35- 67%. Các thị trường truyền thống ẩn chứa rất nhiều yếu tố bất ổn như: Indonesia, Philippines liên tục thay đổi kế hoạch nhập khẩu; Trung Quốc chỉ mua gạo với giá thấp và sẵn sàng chuyển nguồn mua nếu họ tìm thấy nguồn cung có giá rẻ hơn…
Tuy nhiên, không phải mới đây mà từ năm 2015 gạo Việt Nam đã chật vật trong tìm kiếm đơn hàng, chỉ bán được ở mức giá thấp do khó khăn trong xây dựng thương hiệu và chất lượng gạo kém cạnh tranh…
Ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng Thư ký VFA, cho rằng đã đến lúc ngành lúa gạo Việt Nam phải nhanh chóng thay đổi tư duy về sản xuất, xuất khẩu. Theo đó thay vì chạy theo số lượng và chủ yếu sử dụng các giống canh tác ngắn ngày (3 tháng/vụ) và trồng 2- 3 vụ/năm đạt chất lượng thấp, ngành chức năng nên hướng nhà nông giảm mùa vụ, chuyển hướng canh tác các loại gạo thơm ngon và an toàn.
"Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Nhiều doanh nghiệp nội địa đã xây dựng thương hiệu gạo cao cấp như Công ty Gentraco với thương hiệu gạo Ngọc Đồng, Tập đoàn Lộc Trời với thương hiệu gạo Hạt Ngọc Trời, Công ty Gạo Hoa Lúa với thương hiệu gạo sạch Hoa Lúa… Tuy nhiên, để chuyển biến nhanh và thay đổi được cục diện sản xuất và xuất khẩu lúa gạo vẫn rất cần sự nhập cuộc quyết liệt của ngành chức năng, cũng như các nhà làm chính sách", ông Huệ nói thêm.
Hiện mặc dù Trung Quốc vẫn đứng đầu về nhập khẩu gạo Việt Nam nhưng điều đáng lo ngại là đang có dấu hiệu giảm mạnh. Cụ thể, chỉ tính 8 tháng đầu năm, lượng gạo xuất khẩu sang thị trường này đã giảm hơn 21% về khối lượng và khoảng 12% về giá trị tương đương với khối lượng khoảng 1,2 triệu tấn. Theo các doanh nghiệp, hiện những quy định mới từ phía Trung Quốc chưa ảnh hưởng nhiều đến xuất khẩu gạo của Việt Nam bởi phân khúc gạo kích thước nhỏ xuất sang Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 10%. Tuy nhiên, vẫn phải lưu ý chặt chẽ những động thái từ phía họ bởi sắp tới họ có thể đưa ra thêm nhiều quy định khác.
Các chuyên gia nông nghiệp cho hay thời gian tới, cơ quan quản lý Trung Quốc ngày càng muốn nâng chất lượng gạo nhập khẩu nên sẽ tiếp tục đưa ra những quy định về quy cách, kiểu dáng hạt gạo như vừa qua. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam lại khó đáp ứng do sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ. Do vậy, về lâu dài, việc đầu tư cho công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch là rất quan trọng. Mặt khác cũng không cần thiết phải chạy theo sản lượng mà nên đầu tư sản xuất gạo chất lượng cao.
Ông Hà Công Tuấn, thứ trưởng Bộ Nông nghiệp- Phát triển nông thôn Xuất khẩu nông sản bao gồm cả xuất khẩu gạo đang nằm trong quá trình tái cơ cấu ngành, trong đó chúng tôi đã xác định nhiệm vụ đầu tiên và có tính chất quyết định là phải quan tâm đến vấn đề đầu ra, giúp nhà nông tiêu thụ được sản phẩm. Hiện chúng tôi đang tích cực phối hợp với ngành chức năng nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp theo cả đường chính ngạch lẫn tiểu ngạch, cũng như đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng các thị trường mới. Trước mắt, theo tôi các doanh nghiệp xuất khẩu nên giảm thua mua lúa từ thương lái, mà nên hình thành các vùng nguyên liệu bằng việc liên kết với người trồng lúa. Từ các vùng nguyên liệu tập trung này, chúng ta mới dễ dàng trong việc áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật, đáp ứng các tiêu chí ngày càng khắt khe của đối tác, từng bước xây dựng thành công thương hiệu gạo Việt . Ông Trần Xuân Long, Trưởng phòng Quản lý xuất khẩu gạo, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương): Cần nâng cao chất lượng sản phẩm gạo gắn với chiến lược kinh doanh phù hợp của các doanh nghiệp để thâm nhập tốt vào những "phân khúc" của thị trường. Về phía doanh nghiệp cũng cần thay đổi cách làm ăn, có chiến lược kinh doanh dài hạn, cũng như xây dựng được mặt hàng trọng điểm để phát triển thị trường bền vững. Mặt khác, để xây dựng mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ lúa gạo thành công, cần có sự quan tâm của chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị ở địa phương nhằm nâng cao nhận thức của cả đội ngũ cán bộ, người nông dân và doanh nghiệp cùng tập trung nguồn lực đầu tư, hỗ trợ kịp thời, tháo gỡ khó khăn... Bà Phạm Chi Lan-chuyên gia kinh tế: Đã đến lúc ngành chức năng phải khẩn trương cơ cấu lại thị trường xuất khẩu. Chúng ta không nên để một mặt hàng quan trọng như gạo phụ thuộc vào một hoặc vài thị trường nào đó. Nhiều thị trường tiềm năng như: EU, Mỹ... đang chiếm tỉ lệ rất nhỏ trong cơ cấu xuất khẩu gạo nên vẫn còn nhiều cơ hội để gạo Việt Nam tăng số lượng xuất khẩu gạo sang những thị trường này. Thực tế, nhiều doanh nghiệp đã xuất khẩu gạo qua Mỹ nhưng số lượng chưa nhiều và chúng ta không nên để doanh nghiệp tự bơi mà phải có những giải pháp cụ thể về chính sách để hỗ trợ họ. |