Khắc phục học luân phiên qua tìm hiểu mô hình ở các nước
Cơ sở vật chất ở nhiều trường tiểu học tại một số khu vực trên địa bàn Hà Nội còn thiếu thốn, chất lượng giảng dạy của đội ngũ giáo viên hạn chế đã khiến nhiều phụ huynh (kể cả có hộ khẩu trái tuyến) tìm đến những trường đạt chuẩn quốc gia, có đầy đủ điều kiện hạ tầng và chất lượng giảng dạy để con học ở đó. Điều này là một trong những nguyên nhân khiến sĩ số trường, lớp học vượt quá chỉ tiêu cho phép nên nhiều trường không có đủ phòng học và buộc phải cho học sinh học tập, nghỉ học luân phiên.
Cơ sở vật chất trường học quyết định rất lớn đến việc các trường tiểu học đảm bảo cho học sinh học 2 buổi/ngày và không phải học tập luân phiên. Vì vậy, bài toán đặt ra ở đây là các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội phải nâng cấp, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học và đội ngũ giáo viên đạt chất lượng tốt hoặc phải có những biện pháp hữu hiệu khi mà quỹ đất xây dựng trường học tại địa phương không còn.
Trước hết, chúng ta hãy tìm hiểu mô hình xây dựng trường tiểu học ở một số nước trong khu vực và trên thế giới.
Ở nhiều nước trên thế giới, mỗi lớp ở trường tiểu học chỉ có khoảng 20-25 học sinh, không đông như các trường ở Việt Nam (ảnh minh họa) |
Diện tích phòng học rộng, ưu tiên xã hội hóa xây dựng trường lớp
Là một nước thuộc khu vực châu Á, hầu hết các trường tiểu học ở Singapore đều bố trí để học sinh được học 2 buổi/ngày. Mỗi lớp có diện tích khoảng 100m2 nên rất thuận tiện cho di chuyển bàn ghế, quây thành từng góc riêng khi học tập theo nhóm.
Từng công tác, làm việc ở Singapore, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập cho biết: Ngoài các lớp học, mỗi trường tiểu học đều bố trí phòng ăn, nghỉ trưa, tập thể dục và có cả bể bơi cũng như dành riêng một khu đất để học sinh chơi như trong công viên.
Sang một đất nước khác thuộc khu vực Đông Bắc Á như Nhật Bản, chúng ta sẽ thấy quốc gia này rất chú trọng đến việc dành quỹ đất, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất ở cấp tiểu học. Không chỉ có trường tiểu học công lập mà các địa phương của đất nước mặt trời mọc luôn quan tâm đến việc tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân xây dựng trường tiểu học ngoài công lập như: cơ quan quản lý Nhà nước có thể bố trí quỹ đất còn các tổ chức, cá nhân có thể góp kinh phí ra để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị trường học.
Nếu trường học do cơ quan quản lý Nhà nước bố trí quỹ đất và đầu tư kinh phí để xây dựng cơ sở vật chất thì phụ huynh học sinh được đóng học phí thấp hơn trường học do tổ chức, cá như bỏ kinh phí ra xây dựng.
Nhật Bản cũng quy định rõ ràng, dù là trường tiểu học công lập hay ngoài công lập thì vẫn phải thực hiện các tiêu chuẩn về cơ sở hạ tầng trường học, khung cảnh sư phạm để bảo chất lượng giảng dạy và học tập.
Từng giảng dạy, nghiên cứu tại Malaysia, TS Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học - ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, nước này chú trọng đến việc xây dựng trường lớp nên diện tích trường tiểu học rất rộng đến nỗi phụ huynh muốn quan sát trường phải dùng ống nhòm để xem.
Mỗi trường học ở đất nước có đông dân cư theo đạo Hồi này đều có khu thể thao, mỗi lớp có diện tích lên đến 100m2. Điều thú vị ở Malaysia là có 2 loại trường dành riêng cho nam giới và nữ giới nhưng rất sạch sẽ và thoáng mát.
Châu Âu ưu tiên dành ngân sách và quỹ đất để xây trường học
Mỗi nước có những chính sách, sự đầu tư khác nhau cho cơ sở hạ tầng trường học. Tuy nhiên, với các nước có nền kinh tế phát triển ở châu Âu thì ngân sách và quỹ đất xây dựng trường lớp khá hoàn chỉnh.
Tại thành phố Berlin, CHLB Đức, mỗi lớp học ở nước này chỉ có khoảng 25 học sinh nhưng diện tích của trường có khi đến 4.000m2. Xung quanh trường là những con phố. Diện tích các lớp học chiếm khoảng 1/8 đến 1/10 của diện tích trường, còn lại là sân chơi, bãi cỏ, bể bơi... Tùy điều kiện cơ sở vật chất ở trường mà học sinh tập thể dục thể thao ở sân trường hay có thể tập tại sân vận động quốc gia.
TS Vũ Thu Hương tiết lộ, không chỉ chú trọng đến điều kiện học tập, vui chơi của học sinh, mỗi trường học của CHLB Đức đều rất quan tâm đến xây dựng khu nhà vệ sinh sạch sẽ. Theo đó, cứ 2 lớp học có riêng 1 khu vệ sinh với khoảng 7 bồn cầu và 5 bồn rửa tay.
Ở CHLB Đức, tùy từng điều kiện, chính quyền địa phương xây dựng trường tiểu học ở gần khu dân cư hay không. Nếu như ở thành phố Berlin, trường tiểu học cách nhà của học sinh khoảng hơn 1.000 mét. Còn trường nào ở xa hơn đều bố trí ô tô theo tuyến đưa đón học sinh.
Hiện thành phố Berlin có khoảng 10 tòa nhà chung cư nhưng điều đặc biệt là có một cánh rừng, khoảng 2 đến 3 khu nhà đều có 1 sân cát với diện tích khoảng 100m2 cho học sinh chơi.
Khi xây dựng khu chung cư, chính quyền thành phố đều ưu tiên dành quỹ đất xây dựng trường tiểu học để đáp ứng nhu cầu học tập của người dân có con đến độ tuổi đi học.
Còn ở một số trường tiểu học ở thủ đô London, Anh cũng có diện tích rộng rãi, đẹp nhưng mỗi lớp bố trí 2 giáo viên giảng dạy cho khoảng 20 đến 25 học sinh. Trong đó có 1 giáo viên giảng dạy chính và 1 người là trợ giảng (phụ trách kèm cặp những học sinh yếu kém).
Học sinh trong mỗi lớp không ngồi theo từng dãy bàn như ở Việt Nam mà là được phân theo nhóm, ngồi xung quanh các chiếc bàn tròn. Cô giáo chỉ hướng dẫn kiến thức chung và mỗi nhóm tự thảo luận, làm bài theo một chủ đề, bài học được giảng dạy. Sau đó, giáo viên giảng dạy chính sẽ kiểm tra, sửa chữa bài học sinh đã làm và giao lại cho cô trợ giảng để theo dõi quá trình học tập của từng em.
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khẳng định, vì các trường học đều rộng rãi, mỗi lớp đều có 2 giáo viên giảng dạy và sĩ số lớp không đông như ở Việt Nam nên học sinh được dạy dỗ, chăm sóc khá tốt. Cũng do lớp học tương đối rộng nên mỗi học sinh đều có 1 giá sách riêng. Chính vì thế, học sinh không phải mang sách vở về nhà mà có thể để ngay tại lớp.
Cơ quan quản lý giáo dục ở Anh chỉ có trách nhiệm hướng dẫn chuyên môn còn việc tuyển dụng, trả và tăng lương cho giáo viên là do hiệu trưởng của trường tiểu học quyết định.
Ở nước Anh, chính quyền từng bang rất chú trọng và phải có trách nhiệm đảm bảo cơ sở vật chất trường, lớp phục vụ nhu cầu của phụ huynh khi con đến độ tuổi đi học nên không có tình trạng học sinh phải học tập, nghỉ học luân phiên như ở Việt Nam.
Có thể nói, mô hình đầu tư, ưu tiên xây dựng cơ sở vật chất trường tiểu học của một số nước trong khu vực và trên thế giới khá hoàn chỉnh. Vẫn biết rằng, mỗi nước trên thế giới có nền kinh tế, văn hóa và giáo dục khác nhau nên không thể bê nguyên mô hình xây dựng trường học và của nước này để áp dụng vào nước ta.
Tuy nhiên, việc ưu tiên xây dựng trường lớp, cơ sở hạ tầng sẽ góp phần rất lớn đến chất lượng giảng dạy và học tập ở các trường tiểu học là điều mà Việt Nam nên học hỏi kinh nghiệm của các nước. Với nền kinh tế, đặc thù ở các đô thị và từng vùng miền như ở Việt Nam thì cần phải làm gì để có thêm trường, lớp học nhằm khắc phục trình trạng học luân phiên. Vấn đề này sẽ được báo điện tử VOV đề cập trong bài viết tiếp theo./.