IPM không thể thiếu trong phát triển chè bền vững
Cần khôi phục lại đầy đủ mô hình IPM trên cây chè |
Việc ngành chè Việt Nam liên tiếp gặp phải những vấn đề cố hữu liên quan tới an toàn vệ sinh thực phẩm đã chỉ ra điểm yếu lớn trong kỹ thuật canh tác chè. Các nhà khoa học cho rằng cần phải khôi phục lại nghiêm túc các mô hình IPM trên cây chè để phát triển bền vững.
Quản lý dịch hại tổng hợp (Integrated Pests Management, viết tắt theo tiếng Anh là IPM) được hiểu là: Một hệ thống quản lý dịch hại trong đó căn cứ vào môi trường và các điều kiện sinh thái cụ thể và sự biến động quần thể các loài sinh vật gây hại mà sử dụng tất cả các kỹ thuật và biện pháp thích hợp có thể được nhằm duy trì mật độ của các loài gây hại luôn ở dưới mức gây ra các thiệt hại kinh tế.
Và để khống chế sâu bệnh hại luôn ở mức dưới ngưỡng kinh tế, IPM dựa trên 4 nguyên tắc cơ bản, đó là: Trồng cây khỏe; Bảo vệ và sử dụng thiên địch tự nhiên; Thường xuyên thăm đồng; Nông dân trở thành chuyên gia.
Như vậy, IPM với nguyên tắc ưu tiên ban đầu là cây trồng phải được trồng giống tốt, thâm canh khoa học để quần thể trở nên khỏe mạnh, có sức chống đỡ tốt với điều kiện ngoại cảnh bất thuận. Tiếp theo, với các biện pháp canh tác phù hợp để bảo vệ môi trường, đặc biệt là bảo vệ được tập đoàn thiên địch tự nhiên (ăn các loài sâu hại cây trồng), do vậy nó khống chế sâu hại không phát triển lên mật độ cao để có thể gây thành dịch.
IPM cũng đòi hỏi người nông dân cần phải thường xuyên thăm đồng để kịp thời phát hiện những những diễn biến bất thường, từ đó có biện pháp khắc phục kịp thời. Cuối cùng, để có thể thực hiện được những yêu cầu trên, IPM đòi hỏi người nông dân cần trở thành chuyên gia đối với cây trồng mà mình sản xuất. Như vậy người nông dân cần phải được đào tạo một cách công phu.
Ở Việt Nam, IPM bắt đầu ứng dụng trên cây chè từ năm 1995 - 1996 trên 2 tỉnh trồng chè lớn là Thái Nguyên và Phú Thọ dưới sự tài trợ của tổ chức CIDSE. Sau đó là được lan ra các tỉnh trồng chè khác. Việc triển khai IPM trên chè về sau này, thường được các nhà khoa học khuyến cáo bằng cách đưa vào các tài liệu hướng dẫn, qui trình trồng trọt, các tiêu chuẩn kỹ thuật trong sản xuất chè.
PGS.TS Nguyễn Văn Toàn, Viện trưởng Viện KHKT Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc (NOMAFSI) cho biết, qua nhiều mô hình trong các chương trình nghiên cứu và chỉ đạo kỹ thuật về IPM cho chè từ những năm 2000 đến nay của NOMAFSI, cho thấy vườn chè áp dụng IPM với những biện pháp chính sau: Trồng giống sinh trưởng khỏe, trồng cây che bóng, thâm canh cao và bón phân cân đối, kiểm tra đồng ruộng thường xuyên, phát hiện sâu bệnh kịp thời, sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng (đúng đối tượng sâu - bệnh, đúng thuốc, đúng cách và đúng lúc).
Sau khi thực mô hình trên, các đối tượng sâu hại chính trên chè như rầy xanh, nhện đỏ, bọ cánh tơ không gây ra thành dịch hại lớn trên đồng ruộng, năng suất chè tăng lên đáng kể, giảm số lần phun và lương thuốc BVTV. Tồn dư hóa chất BVTV trong sản phẩm đáp ứng được yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, thực tế trong sản xuất chè, việc nhận thức, đánh giá vai trò quan trọng mang tính căn cơ của phương pháp IPM đối với sản xuất chè an toàn, bền vững ở khâu tổ chức thực hiện và người trồng chè còn hạn chế. Vì thế, IPM triển khai yếu ớt, không thường xuyên, liên tục. Cũng cần nói thêm rằng, EurepGAP (ngày nay là GlobaGAP) thành công, nó đã phải trải qua đòi hỏi rất nghiêm ngặt của thị trường châu Âu.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Văn Toàn, chè Việt Nam hiện nay, chúng ta đang có 2 thị trường, nội tiêu chủ yếu là chè xanh (khoảng trên 20%), còn lại là xuất khẩu. Trong đó, về tồn dư hóa chất độc hại trên sản phẩm nội tiêu, hầu như chúng ta chưa kiểm soát được, còn thị trường xuất khẩu, nếu như lô hàng nào bị thị trường khó tính trả lại do còn tồn dư hóa chất độc hại quá ngưỡng cho phép theo yêu cầu của họ, chúng ta lại có thể bán lại được cho các thị trường dễ tính với giá rẻ hơn. Cho nên, thị trường chè chưa thực sự gây sức ép mạnh mẽ, nghiêm ngặt “tối hậu thư” để người nông dân tự thấy mình cần phải thực hiện IPM, nếu muốn tiếp tục sản xuất chè.
Tuy nhiên, về lâu dài cũng như muốn mang lại gia trị lớn hơn cho ngành chè bằng việc xâm nhập vào các trị trường khó tính như: EU, Mỹ, Nhật Bản… đòi hỏi từ nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà quản lí và người nông dân phải từng bước khôi phục lại môt cách nghiệm túc các mô hình quản lí dịch hại tổng hợp IPM trên các vùng trồng chè.
“Hơn bao giờ hết, chúng ta phải hiểu IPM là một phương pháp không thể thiếu trong sản xuất chè an toàn bền vững. Đồng thời, chúng ta cũng cần nhận thức IPM không thể ăn sổi, nó yêu cầu sự công phu về mặt kỹ thuật, thời gian, đầu tư nguồn lực và được thực hiện từ từ bởi sự tự giác của chính người nông dân”, PGS.TS Nguyễn Văn Toàn, Viện trưởng NOMAFSI. |