Huyện đảo Phú Quốc phát triển kinh tế gắn với đảm bảo quốc phòng
Các biệt thự nghỉ dưỡng được xây trên các đảo nhỏ thuộc huyện đảo Phú Quốc. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)
Phú Quốc là huyện đảo của tỉnh Kiên Giang có vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh.
Huyện đảo này nằm trên vùng biển Tây Nam của Tổ quốc, tiếp giáp với Campuchia, Thái Lan và Malaysia, có diện tích tự nhiên 593km², với 36 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó đảo Phú Quốc lớn nhất, diện tích 567km².
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phú Quốc Mai Văn Huỳnh nhấn mạnh, Phú Quốc có vị trí chiến lược quan trọng, vừa có tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế-xã hội, vừa có vai trò đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh của cả nước, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và tỉnh Kiên Giang.
Đồng hành cùng cả nước và tỉnh 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phú Quốc tập trung phát triển kinh tế-xã hội gắn với giữ vững quốc phòng, an ninh, không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân.
Đảng bộ và nhân dân huyện đảo Phú Quốc với truyền thống cách mạng kiên cường, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, tăng cường sự đoàn kết nhất trí, nêu cao ý chí tự lực tự cường, phấn đấu vượt qua khó khăn, quyết tâm thực hiện di huấn trong Di chúc của Người và đã đạt được những kết quả tích cực hiện nay, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển trong thời gian tới.
Theo Ủy ban Nhân dân huyện Phú Quốc, những năm gần đây, kinh tế luôn giữ mức tăng trưởng cao và ổn định, tổng giá trị sản xuất bình quân tăng trên 12%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; quốc phòng, an ninh đảm bảo vững chắc.
Huyện kết hợp phát triển kinh tế với tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh, tập trung đầu tư, khơi dậy tiềm năng, lợi thế của huyện đảo, đặc biệt là lĩnh vực du lịch.
Ngành “công nghiệp không khói” này ở Phú Quốc phát triển với tốc độ khá cao, là một trong những điểm du lịch bậc nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thu hút nhiều du khách trong nước, quốc tế đến tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí…
Trong gần 9 tháng đầu năm nay, đảo ngọc Phú Quốc đón hơn 3,9 triệu lượt du khách, tăng trên 33% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó, khách quốc tế hơn 541.600 lượt người, tăng 28% so với cùng kỳ; doanh thu đạt hơn 5.754 tỷ đồng.
Tàu thuyền neo đậu tại cảng An Thới, huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang). (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng cho biết: “Huyện đã tập trung xây dựng quy hoạch, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, xây dựng các cơ sở lưu trú, tăng cường phát triển các phương tiện vận tải. Dự án dịch vụ du lịch được đầu tư xây dựng đưa vào khai thác, sử dụng nhiều khu vui chơi giải trí hiện đại phục vụ du khách như Khu Vinpearl, Safari, cáp treo An Thới-Hòn Thơm. Hệ thống nhà hàng, khách sạn từ bình dân đến sang trọng cao cấp, đáp ứng tốt nhu cầu nghỉ ngơi và ẩm thực của khách du lịch đến đảo Ngọc.”
Mặt khác, giao thông đường biển hiện có các tuyến Rạch Giá-Phú Quốc, Hà Tiên-Phú Quốc, trung bình mỗi ngày 12 chuyến tàu cao tốc, 10 chuyến tàu phà vận chuyển hành khách, hàng hóa, xe ôtô, xe hai bánh đến Phú Quốc và ngược lại an toàn, tiện lợi, nhanh chóng.
Đường hàng không với sân bay quốc tế Phú Quốc hiện nay kết nối với nhiều tỉnh, thành trong và ngoài nước, hơn 60 chuyến bay/ngày với các đường bay quốc tế, quốc nội.
Lĩnh vực bưu chính, viễn thông đầu tư phát triển mạnh mẽ, trong đó có đề án “Xây dựng thành phố thông minh Phú Quốc giai đoạn 2016-2020," đưa vào hoạt động giai đoạn 1 các hạng mục hệ thống gồm Chính quyền điện tử, wifi công cộng, camera giám sát, quản lý lưu trú trực tuyến, giám sát môi trường, du lịch thông minh và trung tâm điều hành tích hợp tập trung, kết hợp mạng thông tin quân sự đáp ứng phát triển kinh tế-xã hội, phục vụ dân sinh và đảm bảo hoạt động cho công tác quốc phòng, an ninh.
Điểm đặc biệt quan trọng của Phú Quốc trong phát triển kinh tế-xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh là hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng khá đồng bộ.
Nhiều công trình trọng điểm như đường điện cáp ngầm xuyên biển 220 KV Hà Tiên-Phú Quốc, trục giao thông chính Nam-Bắc đảo và hệ thống đường quanh đảo, nâng cấp hồ nước Dương Đông, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, Cảng biển hành khách quốc tế… đã tạo động lực thúc đẩy đầu tư phát triển bền vững của huyện đảo.
“Phú Quốc có khoảng 300 dự án, với tổng vốn đăng ký, cam kết đầu tư hơn 370.000 tỷ đồng, trong đó có một số tập đoàn kinh tế lớn đầu tư, tạo điểm nhấn và động lực phát triển cho khu vực Nam, Bắc đảo Phú Quốc như Vingroup, Sun Group, BIM Group, CEO Group…
Các khu vực trọng điểm kinh tế, quốc phòng phát triển tạo nên thế trận phòng thủ liên hoàn, vững chắc, đáp ứng yêu cầu cơ động lực lượng, phương tiện và tác chiến khu vực phòng thủ khi có tình huống xấu xảy ra,” Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phú Quốc thông tin.
Cùng với đó, điều kiện sinh sống của nhân dân không ngừng cải thiện, nâng cao, tạo nên “thế trận lòng dân” củng cố vững chắc, quốc phòng-an ninh được tăng cường giữ vững ổn định, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.
Thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân luôn được củng cố, tăng cường.
Phú Quốc kết hợp xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội gắn với củng cố quốc phòng, an ninh và xây dựng khu vực phòng thủ.
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phú Quốc Mai Văn Huỳnh chia sẻ: “Các lực lượng vũ trang nhân dân đóng quân trên địa bàn huyện đảo luôn đoàn kết, thực hiện tốt quy chế phối hợp. Công tác tuyển quân, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên thực hiện tốt.
Công tác phòng chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông được tăng cường. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được đẩy mạnh, giữ vững ổn định tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện đảo.”
Trong công tác đối ngoại, huyện đảo Phú Quốc thường xuyên xây dựng, củng cố mối quan hệ hữu nghị, hợp tác trên từng lĩnh vực, quan hệ đối ngoại với nước bạn Campuchia trong việc giữ gìn an ninh trật tự trên vùng biển lịch sử.
Hai bên giải quyết tốt việc nhân dân hai nước qua lại biên giới và xử lý tàu, thuyền xâm phạm đánh bắt trên biển, góp phần giữ vững ổn định an ninh trên vùng biển, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị.
Thời gian tới, huyện Phú Quốc tiếp tục tập trung phát triển kinh tế-xã hội gắn với quốc phòng, an ninh, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phú Quốc Mai Văn Huỳnh khẳng định: “Huyện đẩy mạnh phát triển kinh tế bền vững, nâng cao đời sống xã hội, thực hiện tốt phương châm mỗi bước tăng trưởng kinh tế-xã hội là một bước củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh.
Huyện rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của đảo Phú Quốc đến năm 2030, bảo đảm gắn kết chặt chẽ với củng cố quốc phòng, an ninh, đáp ứng yêu cầu phát triển, phục vụ dân sinh đi đôi với tăng cường thế trận phòng thủ.”
Huyện Phú Quốc tiếp tục tranh thủ huy động các nguồn vốn, đẩy mạnh xây dựng cơ bản, đầu tư phát triển hoàn thiện, đồng bộ giao thông-vận tải; bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, y tế, giáo dục; phát triển và bảo vệ rừng; phát triển khoa học-công nghệ; khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường hiệu quả và bền vững…
Huyện đẩy mạnh khai thác kinh tế biển, đầu tư kết cấu hạ tầng ven biển gắn với tăng cường hệ thống phòng thủ, nâng cao khả năng đảm bảo hậu cần trên vùng biển đảo.
Mặt khác, Phú Quốc xác định rõ quan hệ đối ngoại với Campuchia vừa là truyền thống, hợp tác và phát triển, vừa là nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Đẩy mạnh hợp tác toàn diện, cơ bản lâu dài, hiệu quả thiết thực cả về kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh, đưa Phú Quốc phát triển vững chắc trong tương lai./.
Lê Huy Hải (TTXVN/Vietnam+)