Hút nước kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè cứu hàng trăm tấn cá
Trung tâm điều hành Chương trình chống ngập TPHCM cho biết, một trong những giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu cá chết trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè là rút nước thải trong lòng cống và hút nước trong kênh ra sông Sài Gòn.
Theo đó, hệ thống trạm bơm vận hành với công suất 64.000 m3/giờ, hoạt động liên tục từ tháng 4 đến tháng 11 năm nay. Đồng thời, trung tâm sẽ điều chỉnh mức đóng mở cửa cống kiểm soát triều Nhiêu Lộc - Thị Nghè hợp lý, tăng cường nước từ sông Sài Gòn pha loãng, giảm độ ô nhiễm nước trong kênh.
Vớt cá chết trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (ảnh Đình Thảo) |
Song song đó, đơn vị cũng phối hợp với Công ty TNHH MTV thoát nước đô thị TP tiến hành nạo vét hầm ga, lòng cống... nhằm giảm thiểu các chất ô nhiễm đổ trực tiếp ra kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè trong những trận mưa đầu mùa.
Liên tục trong 3 năm qua đều xảy ra tình trạng cá chết trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Năm 2014, vào thời điểm giao mùa từ nắng sang mưa, lượng cá chết gần 10 tấn. Đến năm 2015, số lượng này khoảng 20 tấn và giữa năm 2016 thì có hơn 70 tấn cá chết.
Mới đây, sau vài cơn mưa trái mùa, tình trạng cá chết lại tái diễn. Đơn vị chức năng phải rải hóa chất để xử lý môi trường. Một số giải pháp được đề xuất để giảm lượng cá chết trên kênh như giảm đàn cá, nạo vét lòng kênh đến nay vẫn chưa thực hiện được.
Gần đây, đại diện Sở Tài nguyên - Môi trường nêu quan điểm nên xem xét lại chức năng của dòng kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè là phục vụ tiêu thoát nước, giao thông hơn là môi trường nuôi thủy sản.
Chi cục Bảo vệ thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM) cho biết, để giảm tình trạng cá chết đã trình phương án tỉa thưa 1/3 trong số 470 tấn cá có trên toàn kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
Theo các chuyên gia, hiện lượng cá trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã vượt ngưỡng sức tải về cơ sở thức ăn tự nhiên nên cần “tỉa bớt” cá rô phi. Đây là loài cá sinh sản mạnh do người dân phóng sinh xuống kênh.