HSBC hạ dự báo tăng trưởng Việt Nam năm 2016 và năm 2017
Báo cáo kinh tế vĩ mô châu Á quý IV/2016 do khối nghiên cứu của Ngân hàng HSBC vừa công bố có đánh giá, nền kinh tế Việt Nam đã tăng tốc trong quý III, đạt mức tăng trưởng 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là một sự tiến bộ rõ rệt từ mức tăng trưởng 5,6% đạt được trong hai quý đầu năm. Tuy nhiên, dự báo tăng trưởng GDP cả năm nay, HSBC hạ xuống mức 6,1% còn năm 2017 là 6,5% thay vì đầu năm đã dự báo tăng trưởng năm 2016 và 2017 lần lượt là 6,3% và 6,6%.
Nền kinh tế Việt Nam đã tăng tốc trong quý III, đạt mức tăng trưởng 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái (Ảnh minh họa: KT) |
Khó đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2016
Theo phân tích của HSBC, trong nửa đầu năm nay, nền kinh tế đã tăng trưởng với tốc độ chậm đáng thất vọng. Điều này phản ánh tình hình hạn hán điễn ra trên diện rộng, do đó đã làm giảm sản lượng nông nghiệp (hạn chế chi tiêu tiêu dùng nông thôn). Tuy nhiên, sự gián đoạn nguồn cung cấp này đã giảm trong vài tháng gần đây với các điều kiện sản xuất đang dần trở lại bình thường. Tăng trưởng trong quý III chính vì vậy đã phục hồi mặc dù đây vẫn là vẫn là điều thách thức để đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm do Chính phủ đề ra là khoảng 6,7%.
Với tình hình tăng trưởng 3 quý đầu năm thấp hơn khá nhiều so với dự kiến, cũng như giá dầu thế giới bình quân cả năm 2016 dự báo thấp hơn năm 2015, tăng trưởng của hai ngành nông nghiệp và khai khoáng khó đạt mức kế hoạch đề ra (nông nghiệp: 2,32%; khai khoáng: 3%), Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2016 sẽ trong khoảng 6,3-6,4%.
Sản xuất và xuất khẩu tiếp tục là hai điểm sáng của nền kinh tế. Chỉ số PMI thể hiện mức độ cải thiện thêm trong lĩnh vực sản xuất. Cả nhu cầu trong và ngoài nước đều tăng trong tháng 9, cùng với mức tăng sản lượng và nhân công việc làm. Thực tế, nhân công việc làm đã tăng nhanh nhất trong vòng năm năm qua. Điều này cùng với thực tế là các công ty đang cố gắng tích hàng tồn kho thể hiện tinh thần lạc quan vẫn được các nhà sản xuất duy trì.
Yếu tố bên ngoài cũng duy trì mức độ tăng trưởng mạnh. Xuất khẩu tháng 9 đã tăng 9% so với cùng kỳ, một lần nữa vượt xa các nước láng giềng trong khu vực. Trong 9 tháng đầu năm, đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI đổ vào Việt Nam khoảng 11 tỷ USD, tăng 12,4% so với năm ngoái. Một số các nhà máy mới bắt đầu đi vào hoạt động trong năm nay và HSBC kỳ vọng đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ tiếp tục đưa xuất khẩu tăng mạnh hơn nữa.
“Việt Nam vẫn duy trì năng lực cạnh tranh cao, đặc biệt là đối với hàng dệt may và sản xuất điện tử và sẽ còn giành thêm thị nhiều phần toàn cầu ngay cả khi thương mại toàn cầu vẫn còn mờ nhạt”- HSBC nhận định.
Tuy nhiên, HSBC cũng lo ngại rằng, các khoản nợ xấu kéo dài, những nguy cơ tiềm năng khiến lạm phát tăng, và tốc độ thoái vốn công chậm hơn so với kế hoạch là những khó khăn đối với nền kinh tế. Chính phủ cũng đang từng bước thực hiện những cải cách cần thiết để đưa tăng trưởng đi theo hướng bền vững hơn. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, việc nới lỏng tiền tệ và tài khóa khá bị giới hạn. Chính vì vậy, HSBC cắt giảm nhẹ dự báo tăng trưởng kinh tế (từ mức 6,3% xuống còn 6,2% cho năm 2016 và 6,6% xuống còn 6,5% cho năm 2017) trong khi vẫn tiếp tục kỳ vọng nền kinh tế sẽ tốt hơn trong tương lai gần.
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ khiến lạm phát gia tăng
Theo HSBC, lạm phát của Việt Nam tăng suốt mấy tháng nay, đạt mức 3,3% trong tháng 9. Mặc dù lạm phát có vẻ đang ở dưới mức mục tiêu 5% cho năm 2016, nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ khiến lạm phát gia tăng. Ví dụ, tình hình thời tiết và điều kiện thổ nhưỡng không thuận lợi nhiều khả năng đẩy giá lương thực tăng cao. Bất kỳ sự phục hồi giá nhiên liệu nào cũng có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế, đưa lạm phát tăng cao.
Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nhận định trong quý 4 giá lương thực, thực phẩm và năng lượng sẽ không có biến động lớn, trong khi đó tính toán hệ số mùa vụ của CPI (so với cùng kỳ) trong giai đoạn 2011-2016 cho thấy chỉ số này trong 3 tháng cuối năm không có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây (thậm chí giảm nhẹ) nên lạm phát trong quý 4 sẽ chủ yếu phụ thuộc vào chính sách giá dịch vụ y tế, giáo dục. UBGSTCQG dự báo, nếu chưa tính tới tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục trong những tháng cuối năm, lạm phát cả năm 2016 sẽ ở mức khoảng 4%.
Ngoài ra, các chuyên gia của HSBC cho rằng, chi phí quy định cho một số loại hình dịch vụ quan trọng như giáo dục và chăm sóc sức khỏe cũng sẽ tăng trong vài tháng tới. Tăng trưởng tín dụng nhanh sẽ tiếp thêm áp lực cho nguy cơ tăng lạm phát. Do đó, xem xét hết các yếu tố, phạm vi của việc nới lỏng tiền tệ thêm nữa cũng sẽ bị giới hạn trong thời gian này.
Tương tự như vậy, dư địa cho việc nới lỏng tài khóa cũng khá nhỏ. Theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (NFSC), thâm hụt ngân sách đến ngày 15/8/2016 đạt gần 111,5 ngàn tỷ đồng, tương đương với khoảng 44% dự toán cả năm. Tuy nhiên, áp lực về thâm hụt ngân sách nhiều khả năng sẽ tăng trong những tháng còn lại vì đầu tư cơ sở hạ tầng dự kiến sẽ tăng sau khi một nghị quyết Chính phủ sẽ có hiệu lực.
Mặt khác, nguồn thu ngân sách từ dầu thô và các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang tụt lại phía sau, do giá nhiên liệu thấp và tình hình thoái vốn cổ phần của Chính phủ trong các DNNN diễn ra khá chậm chạp. Cho đến tháng 8, giá bán trung bình của dầu thô là 41USD/thùng - thấp hơn mức giá ngân sách đề ra 60USD/thùng. Theo Bộ Tài chính, chỉ 1/3 doanh thu từ việc thoái vốn, tương đương khoảng 10 ngàn tỷ đồng được thu trong tám tháng đầu năm nay./.