Hội Nhạc sĩ Việt Nam và chặng đường 60 năm đồng hành cùng dân tộc
Cách đây 60 năm, ngày 30/12/1957, Hội Nhạc sĩ Việt Nam được thành lập theo Nghị định số 750, 751 của Bộ Nội vụ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà. Tiền thân của Hội là Đoàn Nhạc sĩ Việt Nam, nằm trong Hội Văn Nghệ Việt Nam (thành lập từ tháng 7/1948) trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
Hội thảo khoa học Hội Nhạc sĩ Việt Nam 60 năm đồng hành cùng dân tộc. |
Lần giở lại những trang tư liệu về ngày đầu thành lập Hội, khi đó chỉ với hơn 50 nhạc sĩ - nghệ sĩ từ chiến khu về và trong lòng Hà Nội đã tập hợp dưới mái nhà chung, mở ra con đường sáng tạo của âm nhạc chuyên nghiệp Việt Nam với những tên tuổi như: nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Phan Huỳnh Điểu, Nguyễn Đình Phúc, Tạ Phước, Lương Ngọc Trác...
Ngay trong những năm tháng gian khổ kháng chiến cứu nước đã có hàng ngàn tác phẩm từ ca khúc đến nhạc kịch, ca kịch… đã được các nhạc sĩ sáng tác trên đường hành quân, trong hầm trú bom... như “Du kích ca”, “Diệt phát xít”, “Cảm tử quân”, “Tiến quân ca”… Sau 30 năm chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giới nhạc sĩ vẫn viết lên những hành khúc nóng hổi tính thời sự như “Chiều dài biên giới”, “Hát mãi khúc quân hành”…
Theo nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, khi đất nước hoàn toàn thống nhất năm 1975 và thời kỳ đổi mới, âm nhạc Việt Nam không còn bó khung trong một con đường phát triển chật hẹp mà chảy theo từng dòng riêng trên đại lộ hội nhập vào thế giới. Sức sống tự nhiên đó đã đưa đến một toàn cảnh âm nhạc khá khong khú. Có thể kể đến những dòng chảy âm nhạc lãng mạn thời tiền chiến (Thiên thai, Suối mơ…), dòng chảy tình ca mang hơi thở nhạc nhẹ (tác giả Trần Tiến, Trịnh Công Sơn, Ngọc Đại, Dương Thụ…), dòng chảy thính phòng – nhạc cách mạng (Hồ Bắc, Doãn Nho, Tân Huyền…), cả nhạc giao hưởng, nhạc kịch… đều có những dấu ấn nhất định.
Chia sẻ tại hội thảo, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho biết: “Trong mỗi chặng đường phát triển của đất nước, Hội NSVN nói chung và các nhạc sĩ nói riêng đều song hành cùng cùng dân tộc và âm nhạc Việt Nam. Đến ngày hôm nay, Hội NSVN đã đi được 60 năm – một chặng đường vẻ vang rất đỗi tự hào. Hội NSVN có tổng cộng 1.400 hội viên, trong đó có nhiều người đã ra đi mà tác phẩm vẫn để lại cho đời, nhiều người đang sung sức trong sáng tạo vì tương lai của nền âm nhạc nước nhà”.
Một vấn đề đặt ra và được thảo luận sôi nổi trong hội thảo, đó là việc đời sống âm nhạc hiện nay rất phong phú, đa dạng, nhiều loại hình hơn so với 60 năm qua. Đây là giai đoạn phát triển bùng nổ. Song, từ thực tế cũng đặt ra một vấn đề là các tác phẩm mới không hay, hoặc theo xu hướng lai-căng, bắt chước, thoát ly tính dân tộc, “quốc tế hóa”… Việc đào tạo các nhạc sĩ sáng tác trẻ còn khá lỏng lẻo.
Theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, một phần làm cho đời sống âm nhạc lệch chuẩn là phương tiện truyền thông, những chương trình truyền hình. Có nhiều chương trình khoác áo trò chơi âm nhạc, sân chơi âm nhạc nhưng thực ra đó là quảng bá những sản phẩm chưa đủ “chín”, chưa đủ đúng. “Tôi cho rằng, việc chạy theo thị trường khiến cho giá trị thẩm mỹ chưa được nâng cao bằng giá trị kinh tế. Chúng ta cần phối hợp một cách có hiệu quả và quyết liệt giữa các cơ quan quản lý, những nơi có chuyên môn cao như Hội NSVN, Hội VHNT để đời sống âm nhạc phong phú nhưng mang nhiều tính nhân văn, bản sắc của dân tộc Việt Nam hơn”.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân. |
Trong bài tham luận của mình, nhạc sĩ Đỗ Bảo cho biết: “Phần lớn các sản phẩm ca nhạc trên truyền hình hiện nay đều buộc phải đi theo xu thế lấy giải trí làm trọng tâm hoặc làm tiêu chí quan trọng. Dù giải trí là một địa hạt quan trọng không thể thiếu, nhưng nếu các cơ quan quản lý văn hóa, các nghệ sĩ bàng quan để mặc nó bao trùm, lu mờ các địa hạt khác quan trọng như khí nhạc, âm nhạc dân gian… thì đời sống âm nhạc sẽ thật nghèo nàn, thiên lệch”.
Từ đó, hội thảo đưa ra nhiều ý kiến về việc xây dựng đội ngũ kế cận. Khi mà lớp nhạc sĩ gạo cội đang dần vắng bóng, việc đào tạo, bồi dưỡng thế hệ nhạc sĩ trẻ đã trở thành mối quan tâm lớn không chỉ trong các nhà trường, các Học viện Âm nhạc, mà đây còn là mối quan tâm, trách nhiệm của tổ chức Hội NSVN.
Một vấn đề nữa đặt ra là việc giáo dục thẩm mỹ âm nhạc cho công chúng, đặc biệt là công chúng trẻ, để mọi đối tượng có thể thưởng thức các sản phẩm âm nhạc trong môi trường âm nhạc lành mạnh, bổ ích, loại trừ thói lai căng, bắt chước tùy tiện, dễ dãi cả trong việc sáng tác, biểu diễn và hưởng thụ âm nhạc.
Tại Hội thảo, các nhạc sĩ cũng trình bày nhiều tham luận đa dạng về các khía cạnh khác nhau trong âm nhạc Việt Nam trong suốt 60 năm qua như “Âm nhạc cách mạng và báo chí” (NS Cát Vận), “Đời sống âm nhạc các dân tộc ở nước ta ngày nay” (NS Nông Quốc Bình), “Âm nhạc cho thiếu nhi – Thực trạng, quá khứ và tương lai” (NS Hoàng Lân), “Âm nhạc mới hiện nay” (NS Vũ Nhật Tân)…/.