Hội Nhà báo Việt Nam làm việc với xã Tân Thái, huyện Đại Từ
Tại tỉnh Thái Nguyên, hiện nay, ngoài Di tích nơi thành lập Hội Những người viết Báo Việt Nam (tiền thân là Hội Nhà báo Việt Nam) tại xóm Ròong Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa hiện còn một địa chỉ quan trọng của lịch sử Báo chí cách mạng Việt Nam chưa được công nhận là: Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, tổ chức năm 1949 tại xóm Bờ Rạ, xã Tân Thái, huyện Đại Từ (Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cho Tổng bộ Việt Minh tổ chức Trường đào tạo cán bộ báo chí cách mạng bằng hình thức họat động bí mật mang tên cụ Huỳnh Thúc Kháng – một học giả lớn, một nhà báo danh tiếng). Trước yêu cầu bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, Hội Nhà báo Việt Nam đã nhiều lần đề nghị tỉnh Thái Nguyên và các cấp có thẩm quyền công nhận di tích lịch sử cách mạng.
Tại buổi làm việc, đồng chí Trưởng Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam đã trình bày các cơ sở khoa học - lịch sử và tiến trình thực hiện với mong muốn xã Tân Thái, huyện Đại Từ phối hợp giúp đỡ để việc công nhận Di tích lịch sử Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng và hoạt động Kỷ niệm 70 năm được diễn ra nhanh chóng, thuận lợi. Trong đó, cấp thiết nhất là việc bố trí một diện tích đất phù hợp trên địa bàn xã Tân Thái để làm quần thể và dựng Bia di tích. Lãnh đạo xã Tân Thái, huyện Đại Từ đã bày tỏ sự phấn khởi, tự hào khi địa phương là nơi ghi dấu hoạt động làm báo cách mạng; đồng thời cũng đồng tình, nhất trí cao với đề xuất của Hội Nhà Báo Việt Nam để cùng phối hợp giúp đỡ trên tinh thần khẩn trương nhất để sớm xây dựng và hoàn thành khu di tích kịp với dịp kỷ niệm 70 năm Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tới đây./.