Hội nghị trực tuyến về công tác phát triển dược liệu
Tham dự tại điểm cầu Thái Nguyên có đồng chí Trịnh Việt Hùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành. |
Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến năm 2016 cả nước đã ghi nhận trên 5.000 loài thực vật được sử dụng làm thuốc. Trong đó có gần 200 loài có tiềm năng khai thác và phát triển trồng để đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và hướng tới xuất khẩu.
Hiện có khoảng 92 loài cây dược liệu được trồng phục vụ nhu cầu thị trường, một số loài đã quy hoạch vùng trồng lớn như: Hồi, quế, hòe, đinh lăng,.. tập trung một số tỉnh như Quảng Ninh, Lào Cai, Thanh Hóa. Việc nuôi trồng cây dược liệu cũng làm tăng hiệu quả kinh tế cho các hộ nông dân, đem lại hiệu quả cao hơn 3-5 lần so với một số loại cây nông nghiệp, vì vậy phát triển dược liệu sẽ là hướng bền vững, ổn định, góp phần xóa đói giảm nghèo cho nhiều vùng trong cả nước.
Đặc biệt, qua tổng hợp danh lục của các loài cây thuốc trên cả nước đã thu nhập và sưu tầm được trên 1.200 bài thuốc dân gian chữa bệnh của cộng đồng các dân tộc. Điều đó chứng tỏ nhu cầu tiêu thụ dược liệu, các sản phẩm dược liệu trong nước là rất lớn, khoảng gần 60-80 nghìn tấn/năm. Cả nước hiện có khoảng 200 cơ sở kinh doanh dược liệu trên toàn quốc, tuy nhiên các cơ sở chưa đầu tư công nghệ, trang thiết bị chế biến dược liệu sau thu hoạch, ứng dụng khoa học công nghệ còn manh mún. Công tác quản lý dược liệu còn gặp nhiều khó khăn về kiểm soát dược liệu nhập khẩu; kiểm nghiệm chất lượng dược liệu; công tác chế biến bất cập, nhiều loại dược liệu quý có nguy cơ cạn kiệt.
Tại Hội nghị các đại biểu cũng đã tham luận nhiều nội dung như: định hướng phát triển dược liệu đặc thù tại mỗi địa phương; đầu tư nuôi trồng dược liệu theo nguyên tắc, tiêu chuẩn “thực hành tốt nuôi trồng, thu hái dược liệu”, phát triển dược liệu bền vững gắn với phát triển y dược cổ truyền, phòng chống buôn lậu, hàng giả, kém chất lượng về dược liệu, ...
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế ban hành chính sách đăng ký, lưu hành, kinh doanh, sử dụng với dược liệu nuôi trồng; có cơ chế thuận lợi nhằm khuyến khích ứng dụng các đề tài nghiên cứu khoa học về dược liệu vào thực hiện. Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần xây dựng chính sách ưu đãi việc công nhận giống cây dược liệu. Bên cạnh đó, các ngành, đơn vị liên quan cần phát triển nguồn dược liệu và các vùng nuôi trồng dược liệu, bảo tồn nguồn gen và loài quý hiếm; tạo mối liên hệ chặt chẽ giữa nhà khoa học, doanh nghiệp và người trồng dược liệu; xây dựng bổ sung một số dược liệu, bài thuốc cổ truyền vào danh mục sản phẩm quốc gia; xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu hàng giả, hàng kém chất lượng về dược liệu; tích cực tuyên truyền, quảng bá về y học cổ truyền và dược liệu trong chăm sóc sức khỏe nhân dân.