Hội nghị trực tuyến về Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử
Phiên họp trực tuyến tại điểm cầu Thái Nguyên |
Năm 2019, công tác xây dựng Chính phủ điện tử có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 tăng gấp đôi; hệ thống Trục liên thông văn bản Quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính Nhà nước; Cổng Dịch vụ công Quốc gia đã được khai trương và đi vào hoạt động đã phát huy hiệu quả bước đầu; công tác bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng được cải thiện. Hiện, cả nước có trên 47.000 tài khoản đăng ký trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia; hơn 13,7 triệu lượt truy cập; hơn 945.000 hồ sơ đồng bộ trạng thái; 9/22 bộ, cơ quan và 63/63 tỉnh, thành phố kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Toàn cảnh phiên họp |
Tại tỉnh Thái Nguyên, thời gian qua, việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, chất lượng nguồn nhân lực ở lĩnh vực công nghệ thông tin có nhiều chuyển biến; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong khối các cơ quan Đảng, chính quyền đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc nâng cao chất lượng chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Đặc biệt, Thái Nguyên đã thu hút được nhiều doanh nghiệp ở lĩnh vực công nghệ thông tin vào đầu tư; kết nối với doanh nghiệp trong đào tạo công nhân có tay nghề cao...Đây là điều kiện quan trọng để tỉnh xây dựng chính quyền điện tử.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, hội nghị diễn ra trong bối cảnh cả nước đang tích cực triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus Covid-19, vì vậy, nếu làm tốt Chính phủ điện tử cũng là một giải pháp ngăn ngừa nCoV. Thủ tướng đề nghị các bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương cần tập trung, phối hợp thực hiện cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện các giải pháp để triển khai Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử; đồng thời, cần huy động sự tham gia của tất cả các doanh nghiệp, các cấp chính quyền và toàn dân để xây dựng Chính phủ điện tử./.