Hội nghị sơ kết 01 năm thực hiện Nghị quyết số 01 về Chương trình chuyển đổi số
Toàn cảnh hội nghị. |
Nghị quyết về Chuyển đổi số là Nghị quyết đầu tiên và trọng tâm của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên trong nhiệm kỳ 2020-2025. Qua 1 năm triển khai, chuyển đổi số đã thay đổi căn bản và tích cực cách thức chỉ đạo, điều hành và vận hành của hệ thống chính trị, cũng như cuộc sống người dân Thái Nguyên. Đặc biệt, trong đại dịch COVID-19, quá trình chuyển đổi số giúp phòng, chống dịch, đẩy mạnh thực hiện mục tiêu kép; duy trì tỉnh xanh, khu công nghiệp và nhà máy xanh, góp phần vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 6,51% và thu ngân sách năm 2021 đạt cao nhất từ trước đến nay.
Với hàng loạt các giải pháp đồng bộ, ứng dụng thông minh, Thái Nguyên hiện xếp hạng 12/63 tỉnh, thành phố về chuyển đổi số; trong đó, trụ cột chính quyền số xếp hạng 3/63 tỉnh, thành phố và mức độ sẵn sàng bảo đảm an toàn thông tin mạng thuộc nhóm địa phương xếp loại A, nhóm dẫn đầu cả nước. Thái Nguyên được Trung ương đánh giá là địa phương đi nhanh, đi trước trong chuyển đổi số. Về tổng quan, toàn tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu trên cả 3 trụ cột của chuyển đổi số là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Về phát triển chính quyền số, từ Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) – được ví như bộ não điều hành thông minh đặt tại Văn phòng UBND tỉnh, hàng loạt các thay đổi được đồng loạt triển khai như: cung cấp 100% thủ tục hành chính cấp độ 4 đủ điều kiện trên Cổng dịch vụ công của tỉnh; giúp người dùng thao tác qua mạng và nhận thủ tục tại nhà; các cuộc họp của Tỉnh ủy, HĐND, UBND thực hiện phòng họp không giấy; hệ thống quản lý văn bản xử lý gần 1,9 triệu văn bản (tiết kiệm hàng chục tỷ đồng so với cách thức truyền thống); hệ thống khám, chữa bệnh từ xa và hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến kết nối từ Trung ương về 100% xã, phường, thị trấn. Giám sát điều hành giao thông qua camera. Các ứng dụng công dân số C-Thainguyen, xã hội số ThainguyenID, ứng dụng Sổ tay Đảng viên đã cung cấp cho người dùng những tiện ích mang tính cách mạng cho cuộc sống. Thông qua IOC, tỉnh Thái Nguyên thực hiện chiến dịch hỗ trợ hơn 11.000 người ở các tỉnh vùng dịch phía Nam số tiền trên 22 tỷ một cách dễ dàng, nhanh chóng.
Trong lĩnh vực kinh tế số, Thái Nguyên đã đẩy mạnh thương mại điện tử; ứng dụng công nghệ số kết nối, quảng bá các sản phẩm chủ lực; đưa vào sử dụng website OCOP Thái Nguyên, website Chè Thái Nguyên, Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Thái Nguyên; xúc tiến thành lập Khu công nghệ thông tin tập trung Yên Bình. Đối với phát triển xã hội số, 100% cơ sở giáo dục ứng dụng phần mềm quản lý nhà trường; 100% trạm y tế cấp xã triển khai ứng dụng quản lý thông tin y tế;...
Tại hội nghị, tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Viettel khai trương mạng di động 5G, qua đó, đẩy nhanh hơn việc chuyển đổi số và các ứng dụng phục vụ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Bộ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông đánh giá cao tỉnh Thái Nguyên đã có những chuyển biến tích cực về chuyển đổi số; làm tốt những vấn đề liên quan đến sự khởi động, dẫn dắt, định hướng của Tỉnh ủy. Thái Nguyên cũng được ghi nhận là tỉnh phát triển nhiều ứng dụng về chuyển đổi số nhất trong 1 năm qua. Đồng chí đề nghị: "Xếp hạng xã hội số của Thái Nguyên hiện nay đang đứng thứ 37/63 tỉnh, thành phố, chưa tương xứng với xếp hạng chính quyền số của tỉnh; xã hội số là thị trường cho kinh tế số, là thị trường cho các doanh nghiệp công nghệ số. Người dân có tự tin và sử dụng môi trường số, tiêu dùng các sản phẩm số thì mới có kinh tế số. Có thể Thái Nguyên chỉ cần tập trung vào trụ cột này, phát triển Thái Nguyên thành một thị trường số lớn với tỷ lệ cao nhất tại Việt Nam thì tất cả công nghệ, nhân lực, đầu tư về công nghệ số sẽ đến Thái Nguyên. Có như vậy, xếp hạng xã hội số của Thái Nguyên mới bứt phá và kéo theo sự phát triển về kinh tế số; có như vậy mỗi người dân Thái Nguyên mới trở thành một công dân số".
Tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bộ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên nhận định những kết quả tỉnh Thái Nguyên đạt được sau 01 năm triển khai Nghị quyết về chuyển đổi số đã khẳng định tính đúng đắn của Nghị quyết 01; đây là kết quả của sự nỗ lực, cố gắng, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị. Để đạt được những mục tiêu đề ra trong thời gian tới, đồng chí đề nghị: "Chuyển đổi số là một giải pháp hết sức quan trọng, đang là xu thế cũng như con đường ngắn nhất, kinh tế nhất để hiện thực hóa được nhiều mục tiêu trong phát triển kinh tế, là cơ hội để Thái Nguyên có thể bứt phá mạnh mẽ trong quá trình phát triển. Chính vì vậy, giải pháp về chuyển đổi số được lựa chọn là giải pháp thứ 6 để thực hiện 5 giải pháp chính, chúng tôi thường ví 5 giải pháp như "5 viên gạch", nhưng muốn kết nối, phát triển thì cần một "chất vữa" đó là chuyển đổi số. Chuyển đổi số phải len lỏi vào từng ngõ ngách, từng gia đình, từng con người; tất cả các giải pháp khác có thể thành công là dựa trên nền tảng chuyển đổi số".
Nhân dịp này, đồng chí Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã trao tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp thông tin và truyền thông và Bằng khen cho 4 tập thể, 5 cá nhân; Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh trao tặng Bằng khen cho nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết số 01 về chuyển đổi số. Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên đã trao tặng thiết bị học tập cho các cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn theo Chương trình “Sóng và máy tính cho em”./.