Hội làng - nét đẹp văn hóa người Việt
Đình Thịnh Đức, xóm Thịnh Đức, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ thờ Thành hoàng Cao Sơn Qúy Minh tôn thần |
Đình Thịnh Đức thuộc xóm Thịnh Đức, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, xưa kia đình có tên gọi là đình làng Đẫu (còn gọi là Na Đấu). Đình thờ Thành hoàng Cao Sơn Qúy Minh tôn thần nguyên tặng Quang diệu đôn tĩnh địch cát trác vỹ Dực bảo trung hưng thượng đảng thần và các vị thần có công hộ quốc an dân ở địa phương. Đình Thịnh Đức là nơi sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng của nhân dân trong vùng, trong đó có hội làng thường niên.
Ông Lường Đăng Quang, Thủ nhang Đình Thịnh Đức, xóm Thịnh Đức, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ cho biết: “Lễ hội của đình đã có từ xa xưa, nay chúng tôi vẫn cố gắng duy trì để thờ phụng ngọn nguồn tâm linh được chảy mãi, cầu bình an cho dân làng. Thứ nữa là để cho thế hệ trẻ biết đến vẻ đẹp thuần phong mỹ tục của đất làng của cha ông”.
Cụ Hoàng Văn Hồi, một người cao niên trong xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ dự lễ hội đình thì chia sẻ: “Chúng tôi già rồi, đến lễ đình mới có dịp xuống dự thôi. Vẫn phải cố gắng duy trì để lớp con cháu biết đến phong tục của cha ông mà nối tiếp”.
Hội làng là nơi người dân sẽ gắn kết với nhau trong một cộng đồng cư dân bằng giá trị tinh thần, tâm linh khi thực hiện nghi lễ và tham gia các hoạt động vui chơi |
Về phong tục, lễ hội hàng năm của Đình, dân làng thờ cúng 5 kỳ trong năm vào các ngày 7 tháng giêng , 23/3, 10/3, 15/8 và 23/1 (âm lịch); vào ngày lễ hội, làng tổ chức nhiều trò chơi như múa lân, tung còn, hát ví, đánh vật. Ngày nay dân bản vẫn duy trì hương khói vào các ngày trên, còn lễ hội thì đã giản lược đi nhiều.
Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ cho biết: “Chính quyền địa phương luôn quan tâm phát triển lễ hội lành mạnh của địa phương. Cũng mong muốn lễ hội Đình Thịnh Đức và các lễ hội khác của xã tiếp tục phát triển lành mạnh, duy trì nét đẹp văn hóa truyền thống”.
Anh Nguyễn Văn Tạo, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ thì khẳng định: “Là thế hệ trẻ, chúng tôi cũng quyết tâm giữ gìn tốt hơn nữa nét đẹp truyền thống của các cụ ta để lại”.
Không chỉ mang ý nghĩa giáo dục, đến với hội làng, mỗi người trong chúng ta sẽ cảm nhận được rất rõ nét đẹp của hồn cốt văn hoá Việt Nam vẫn được nuôi dưỡng, gìn giữ qua hàng nghìn đời nay. Hội làng vì thế đi vào tiềm thức của mỗi người một cách sâu đậm và trở thành một mỹ tục./.