Học sinh vùng cao Sơn La gặp nhiều khó khăn về chỗ ở bán trú
Một khu nhà trọ tại xã Co Mạ được học sinh học thuê để ở bán trú. |
Tại khu vực lân cận các trường tiểu học, trung học cơ sở của xã Co Mạ, huyện Thuận Châu từ những năm qua đã xuất hiện nhiều dãy phòng trọ cho học sinh do người dân bản địa dựng lên một cách thô sơ, tạm bợ. Hầu hết, các phòng trọ ở đây được lợp bằng tấm Fibro xi măng, vách thưng bằng những mảnh ván hoặc vách tre, nứa. Vào mùa mưa hay mùa đông, những căn nhà trọ này không đảm bảo điều kiện vì thường xuyên bị dột và gió lùa.
Căn phòng trọ của cậu học sinh người Mông Sùng A Tú, lớp 9, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Co Mạ nằm cách trường khoảng 1 km. Căn phòng rộng khoảng 10 m2, được che bằng những tấm gỗ mỏng manh đầy khe hở. Trên chiếc chõng tre dùng để ngủ bừa bộn chăn màn, quần áo, sách vở. Còn dưới nền đất của căn phòng là một bếp củi và vài vật dụng để nấu cơm. Trong không gian chật hẹp này, không chỉ có mình Tú mà còn có thêm 3 cậu bạn cùng trang lứa.
Em Sùng A Tú chia sẻ: "Nhà em cách trường 7 km, trước đây em từng ở trong khu bán trú của trường được một năm, nhưng sau đó đã chuyển ra ngoài. Em thấy ở trong khu bán trú đông người quá, có những lúc còn bị mất sách vở. Nên gần 3 năm nay bố mẹ đã thuê cho em căn phòng trọ để ở. Ở ngoài em thấy thoải mái hơn, lúc nào đói thì có thể nấu ăn được ngay".
Tại các khu nhà trọ cho học sinh ở xã Co Mạ có thể dễ dàng nhận thấy tình trạng nhếch nhác, mất vệ sinh. Nguyên nhân là do chủ nhà trọ chỉ dựng lên nhưng không quản lý. Không những thế, các dãy nhà trọ chỉ có phòng ở, các công trình như nhà tắm, nhà vệ sinh đều tạm bợ. Ngoài ra, do các em học sinh còn ít tuổi, ý thức trong việc đảm bảo nơi ăn, chỗ ở còn hạn chế. Mặc dù các điều kiện về ăn, ở tại các dãy trọ rất thiếu thốn, nhưng phụ huynh ở vùng cao vẫn phải để cho con em mình ở trong những căn phòng như thế cũng như không còn sự lựa chọn nào khác bởi mức giá thuê ở đây khá thấp.
Em Lò Thị Thăng, học sinh lớp 9, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Co Mạ cho hay, do nhà ở cách trường gần 25 km nên em phải thuê trọ, cuối tuần mới về nhà. Bố mẹ để cho em ở ngoài vì tiện hơn ở bán trú. Do ở bán trú có nhiều bạn trong phòng nên không tập trung vào việc học buổi tối. Hiện, em thuê phòng cùng một người bạn với số tiền 200 nghìn/tháng. Hàng ngày, vào các bữa ăn em sẽ đến bếp ăn của trường lấy cơm, sau đó mang về phòng ăn hoặc ăn ngay tại chỗ.
Trường Phổ thông dân tộc bán trú - Trung học cơ sở Co Mạ hiện có gần 540 học sinh hưởng chế độ bán trú. Tuy nhiên, số phòng ở bán trú chỉ đáp ứng cho khoảng 120 học sinh. Điều này, dẫn đến nhiều học sinh phải ra thuê trọ ở những căn phòng không đảm bảo cho các em sinh hoạt cũng như học tập.
Học sinh trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở xã Co Mạ phải thuê phòng trọ để ở. |
Cô Trần Thị Loan, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú - Trung học cơ sở Co Mạ cho biết, buổi tối giáo viên không thể quản lý được học sinh ở trọ bên ngoài. Một số em ở gần trường các thầy cô có thể đến kiểm tra, nhưng phòng trọ ở xa thì không thể đến được. Vì thế, các em ở ngoài do còn nhỏ tuổi, không có người quản lý nên có nhiều vấn đề trong cuộc sống; nhiều em mới học lớp 6, lớp 7 nhưng đã có bạn trai tối đến đưa đi chơi.
Trường Phổ thông dân tộc bán trú - Trung học cơ sở Co Mạ hiện đủ chỗ ở cho khoảng 120 học sinh, tuy nhiên trên thực tế số học sinh ở tại đây chỉ khoảng 100 em. Việc tuyên truyền, vận động phụ huynh cho con em vào ở bán trú còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do đặc thù của vùng miền, nhận thức của phụ huynh đối với việc lo nơi ăn, ở cho con em mình còn nhiều hạn chế.
Ông Nguyễn Như Thành - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú - Trung học cơ sở Co Mạ cho biết, hiện nay các phòng trọ cơ bản không đáp ứng được yêu cầu tối thiểu về sinh hoạt của các em. Các chủ nhà trọ chỉ dựng nhà trọ lên cho học sinh thuê chứ không ở cùng học sinh nên việc quản lý giờ giấc khu trọ cũng không đảm bảo. Nhà trường đã yêu cầu các chủ trọ ký cam kết nhưng do đặc thù của địa phương nên họ không ủng hộ. Vì vậy, đã gây ra nhiều khó khăn cho Nhà trường trong việc quản lý học sinh bán trú. Không những thế, ý thức, nề nếp của các em ở trọ so với các em ở bán trú còn thiếu, yếu kém hơn rất nhiều.
Trước thực trạng này, đơn vị đề nghị sớm có sự hỗ trợ để xây dựng khu nhà ở nhằm đảm bảo yêu cầu mọi học sinh được hưởng chế độ bán trú. Qua đó, thuận tiện cho Nhà trường trong công tác quản lý, giáo dục các em theo tiêu chí của trường bán trú.
Để hạn chế tình trạng học sinh bỏ học, Nhà trường thống nhất 15 phút đầu giờ giáo viên chủ nhiệm phải nắm bắt tình hình học sinh ở trong lớp. Đối với những em học sinh vắng mặt trong buổi học đó, giáo viên phải tìm hiểu nguyên nhân, lý do để đưa ra hướng giải quyết; trong đó, những em ốm đau thì đưa ra trạm y tế thăm khám, những em nghỉ học không có lý do phải trực tiếp liên hệ với phụ huynh để tìm hiểu nguyên nhân. Những em nghỉ để đi làm, đi chơi thì giáo viên dành thời gian tìm hiểu để vận động các em quay về.
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thuận Châu Thiệu Nam Bình cho biết, hiện nay nhà ở bán trú học sinh một số trường đang thiếu, đặc biệt là ở các địa bàn vùng cao. Thời gian qua, đơn vị đã rà soát, tham mưu cho UBND huyện Thuận Châu đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025. Từ đó, xác định rà soát, bổ sung xây mới các phòng lớp học và nhà bán trú cho học sinh nhằm đảm bảo cho các em có chỗ ở đàng hoàng, thuận lợi trong quá trình học tập.