Học gì để bắt kịp Cách mạng công nghệ 4.0?
Tiêu chí để chọn trường, chọn ngành đón đầu xu thế để thành công
Cách mạng công nghiệp 4.0 đang gõ cửa từng nhà, dẫn tới sự thay đổi nhanh chóng ở mọi lĩnh vực của cuộc sống. Tác động rõ rệt nhất là sự xuất hiện của robot có trí tuệ nhân tạo, với tính năng có thể thay thế con người, thậm chí còn tối ưu hơn như khả năng tính toán, phân tích, ghi nhớ, sức lao động bền bỉ và năng suất cao.
Nói cách khác, cách mạng 4.0 sẽ loại bỏ các công việc phổ thông và gia tăng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng nghiên cứu, sáng tạo, biết làm chủ máy móc và thực hiện các công việc đòi hỏi tư duy phức tạp mà robot hay trí thông minh nhân tạo không thực hiện được.
Trong guồng quay đó, các trường đại học một mặt cần thực hiện các bước chuyển mình quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, mặt khác còn cần tập trung đào tạo các ngành được coi là “xương sống” trong cuộc đại cách mạng 4.0, trong đó không thể bỏ qua các ngành khoa học và công nghệ điển hình như công nghệ thông tin- truyền thông, công nghệ Nano, công nghệ sinh học, công nghệ vũ trụ - hàng không...
Các chương trình hợp tác quốc tế mang đến cho sinh viên cơ hội tiếp cận nền khoa học công nghệ mới để bắt kịp cách mạng 4.0. |
Ngoài ra, nội dung chương trình đào tạo cần hướng tới phát triển toàn diện người học, vừa cung cấp kiến thức liên ngành vừa phát huy năng lực sáng tạo, tự chủ và rèn cho người học khả năng thích ứng nhanh. Riêng với các trường đào tạo về lĩnh vực khoa học và công nghệ phải tự ý thức được tầm quan trọng của việc cho sinh viên được cọ xát với thực tế và tiếp cận với nền khoa học, công nghệ của các quốc gia phát triển để mở rộng tầm nhìn và cập nhật công nghệ mới. Mục tiêu đào tạo sẽ chuyển dịch sang cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, thay vì đào tạo đại trà như trước đây.
Đây không chỉ là yêu cầu cấp thiết đối với các trường đại học mà còn trở thành tiêu chí giúp các sỹ tử đưa ra quyết định lựa chọn ngành và trường đúng đắn, nếu không muốn thất nghiệp, hay bị “robot” thay thế trong tương lai.
Con đường khó, nhưng “chất” của các trường đại học
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng nghĩa với việc các trường đại học phải đầu tư toàn diện để phát triển chương trình học: từ cơ sở vật chất, nội dung giảng dạy đến tuyển lựa sinh viên đầu vào. Nói cách khác, các trường đại học, thay vì chật vật tìm mọi cách tuyển cho đủ chỉ tiêu sẽ phải tập trung vào “chất lượng”.Đây thực sự là bài toán khó trong bối cảnh các trường hiện nay đang phải chịu áp lực của nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, nếu làm được và thành công thì sẽ giúp các trường khẳng định vị thế và thương hiệu, từ đó quay trở lại hấp dẫn người học theo cách “hữu xạ tự nhiên hương”.
Một ví dụ về trường đại học đang kiên trì theo đuổi con đường này là Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội - USTH (còn được gọi là trường Đại học Việt Pháp). Được thành lập theo mô hình trường công lập chuẩn quốc tế, trường xác định mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực khoa học và công nghệ vừa có kiến thức chuyên môn tốt, lại thành thạo ngoại ngữ và năng động nhằm đón đầu nhu cầu của thị trường lao động trong thời đại 4.0.
Để đạt được mục tiêu trên, thay vì mở nhiều ngành, tuyển sinh ồ ạt, mỗi năm USTH chỉ tuyển 400-500 sinh viên cho 13 ngành học mũi nhọn như công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ sinh học Nông Y Dược, Công nghệ thực phẩm, Năng lượng, Vật lý kỹ thuật và điện tử; Khoa học Vật liệu tiên tiến và Công nghệ Nano, Hóa học, Công nghệ Y tế, Vũ trụ và Ứng dụng, Nước - Môi trường - Hải Dương học…
Sinh viên ngành Công nghệ sinh học của USTH miệt mài học tập, nghiên cứu tại các phòng thí nghiệm hiện đại. |
Kèm theo đó, USTH lựa chọn ngôn ngữ giảng dạy và học tập 100% bằng tiếng Anh để rèn luyện cho sinh viên khả năng ngoại ngữ thành thạo, trong cả giao tiếp và chuyên môn. Đồng thời, bằng cách áp dụng phương pháp giảng dạy lấy người học làm trung tâm, sinh viên trở nên tự chủ, có tư duy linh hoạt và được trang bị kỹ năng mềm như giao tiếp, thuyết trình, làm việc nhóm, quản lý thời gian.
Một điểm khác biệt nữa cần phải kể đến chính là thời gian đào tạo hệ đại học chỉ kéo dài 3 năm do USTH áp dụng tiến trình Châu Âu Bolgona, ngắn hơn từ 1 đến 1,5 năm so với các trường đại học khoa học và công nghệ khác. Sinh viên nhờ vậy không bị rơi vào tình cảnh khi tốt nghiệp, kiến thức, công nghệ được học trong trường đã lỗi thời. Rõ ràng trong cuộc đua công nghệ, tốt thôi chưa đủ, nhanh cũng là vấn đề quan trọng hàng đầu.
GS. Patrick Boiron, Hiệu trưởng USTH cho biết: “Trong thời đại 4.0 thì đào tạo phải gắn liền với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, thậm chí phải đón trước nhu cầu để điều chỉnh phát triển. Đó chính là lý do mà USTH luôn chú trọng mở rộng mạng lưới đối tác từ các trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Từ đây sẽ mở ra nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Thực tế mỗi năm có tới 60% sinh viên năm cuối hệ đại học và 70% học viên hệ thạc sĩ của USTH đi thực tập tại các nước như Anh, Pháp, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan… Mỗi chuyến đi thực tập là một lần sinh viên được rèn luyện trong môi trường chuyên nghiệp, tiếp cận với kiến thức, công nghệ mới để khi tốt nghiệp có thể đáp ứng ngay yêu cầu của nhà tuyển dụng.”