Hồ Núi Cốc - Tiềm năng và cơ hội
Được ví như một nàng tiên xinh đẹp được thiên nhiên ban tặng cho mảnh đất, con người Thái Nguyên, món quà vô giá của tạo hóa mà không phải địa phương nào cũng có được, song những giá trị thắng cảnh, không gian thơ mộng thần thoại của Hồ Núi Cốc từ nhiều năm nay mới chỉ dừng lại ở tiềm năng. Vì vậy, việc đánh thức tiềm năng này chính là tâm huyết, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương và của mỗi người dân Thái Nguyên.
Một góc Khu Du lịch Hồ Núi Cốc. Ảnh: Thu Hương |
Với quan điểm đổi mới phương thức lãnh đạo, phương pháp điều hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên khóa XIX đã phát huy sức mạnh đoàn kết, tập trung trí tuệ tập thể, cho ý kiến và quyết định nhiều chủ trương quan trọng bám sát với tình hình thực tiễn để lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong đó có việc thực hiện các dự án lớn như Khu Du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc; Dự án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ sông Cầu, kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu, T.P Thái Nguyên. Đây là 2 dự án được xác định thực hiện xuyên suốt trong nhiều nhiệm kỳ.
Việc chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Khu du lịch văn hóa tâm linh Hồ Núi Cốc là cần thiết, kịp thời và thể hiện tầm nhìn chiến lược trong việc phát triển kinh tế - xã hội của lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên. Bởi đây là một trong những dự án có vai trò hết sức quan trọng không chỉ có ý nghĩa trong việc khai thác phát huy tiềm năng, lợi thế du lịch mà còn có ý nghĩa rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như khu vực Trung du miền núi phía Bắc, phù hợp với quy hoạch chung cũng như quy hoạch phát triển Khu Du lịch Hồ Núi Cốc trở thành khu du lịch trọng điểm quốc gia.
Mục tiêu đầu tư của Dự án là nhằm kết nối Khu Du lịch Hồ Núi Cốc với các Khu di tích ATK Định Hóa, Di tích lịch sử Tân Trào (tỉnh Tuyên Quang), Khu du lịch hồ Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn) tạo thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi du lịch sinh thái, văn hóa, tâm linh, lịch sử với khu vực thành phố Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, tạo thành quần thể khu du lịch mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế, hướng tới đề nghị UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Dự án này khi được chấp thuận đầu tư và triển khai không chỉ góp phần bảo vệ, cải tạo cảnh quan môi trường, quảng bá giới thiệu đặc trưng du lịch và các sản phẩm đặc sắc của địa phương; giải quyết nhu cầu tâm linh, gìn giữa bản sắc văn hóa dân tộc mà còn góp phần quan trọng vào việc giải quyết việc làm tăng thu nhập cho hàng chục nghìn lao động, tăng thu ngân sách địa phương hàng năm từ 100 đến 300 tỷ đồng.
Tổng mức đầu tư của dự án dự kiến là 15.000 tỷ đồng được thực hiện trong giai đoạn từ 2016 đến 2025. Với kinh nghiệm là đơn vị đã đầu tư xây dựng các dự án văn hóa tâm linh nổi tiếng trên cả nước như khu du lịch Tràng An - Chùa Bái Đính tỉnh Ninh Bình, hệ thống 9 chùa trên Quần đảo Trường Sa, Khu du lịch Tam Chúc tỉnh Hà Nam, lãnh đạo Doanh nghiệp Xuân Trường khẳng định đảm bảo về năng lực tài chính trong suốt quá trình triển khai dự án cũng như cam kết thực hiện đầy đủ các quy định của Nhà nước về đầu tư đảm bảo đưa Khu du lịch Hồ Núi Cốc xứng tầm quốc gia và quốc tế.
Thiết kế công trình chùa Tháp thuộc Khu du lịch Hồ Núi Cốc |
Để thể hiện quyết tâm chính trị của tỉnh Thái Nguyên cũng như cam kết mạnh mẽ của chủ đầu tư với khát vọng đưa Hồ Núi Cốc tỉnh Thái Nguyên trở thành khu du lịch trọng điểm quốc gia, nhiều tháng qua, cả hệ thống chính trị của tỉnh Thái Nguyên đã vào cuộc mạnh mẽ bằng những việc làm cụ thể chuẩn bị cho Lễ công bố quyết định quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Hồ Núi Cốc của Thủ tướng Chính phủ sẽ được diễn ra vào ngày 25/12 tới đây.
Với quan điểm biến chủ trương bằng quyết tâm chính trị và hành động cụ thể, chỉ gần 1 năm sau khi có chủ trương Ban Thường vụ Tỉnh ủy, chính quyền và các sở, ngành, lãnh đạo các địa phương đã nỗ lực vào cuộc để triển khai các công việc của dự án hiệu quả, chất lượng. Sự kiện động thổ Khu du lịch Hồ Núi Cốc đã được diễn ra tại khu di tích lịch sử đền Gàn, xã Vạn Thọ, huyện Đại Từ, trở thành điểm nhấn mở đầu cho hành trình đưa Hồ Núi Cốc từ tiềm năng từng bước trở thành hiện. UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo, các tiểu ban triển khai thực hiện dự án đầu tư Khu du lịch trọng điểm quốc gia Hồ Núi Cốc, thường xuyên tổ chức các cuộc họp nhằm kịp thời nhằm kiểm điểm, đánh giá tiến độ thực hiện dự án, tiến hành lập kế hoạch triển khai các bước quy trình đầu tư xây dựng các dự án thành phần thuộc dự án Khu du lịch Hồ Núi Cốc…Đặc biệt, với dự án đường Bắc Sơn kéo dài có điểm đầu giao với đường Lương Ngọc Quyến điểm cuối là xóm Cao Trãng, xã Phúc Xuân, TP Thái Nguyên với chiều dài toàn tuyến là 9,5 km (Dự kiến đặt tên là đường Hồ Núi Cốc). Tổng kinh phí thực hiện dự án là 2.500 tỷ đồng.
Lễ động thổ Khu du lịch Hồ Núi Cốc được tổ chức ngày 17/2/2016. Ảnh: Lăng Khoa |
Xác định đây là dự án thành phần trọng điểm có ý nghĩa quan trọng trong tổng thể quy hoạch và có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và của thành phố nói riêng, ngoài các quy định chung hiện hành, Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) thành phố Thái Nguyên đã vận dụng triển khai và thực hiện nhiều giải pháp nhằm đảm bảo tối đa quyền lợi cho các hộ dân chịu ảnh hưởng phải di dời nhà cửa, đất sản xuất GPMB cho thực hiện Dự án...Chính vì vậy hơn 220 hộ gia đình bị ảnh hưởng đều đồng thuận nhất trí cao với chủ trương của tỉnh và thành phố, đồng thời nhanh chóng thực hiện các bước sớm bàn giao mặt bằng cho dự án.
Cùng với dự án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ sông Cầu, kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu, T.P Thái Nguyên, dự án Khu du lịch Quốc gia Hồ Núi Cốc đã thể hiện sự bứt phá của Thái Nguyên trong cải cách hành chính, thu hút đầu tư, thể hiện tầm nhìn của lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên về chiến lược và sứ mạng của tỉnh trong tương lai. Bởi vậy, những ngày qua các đồng chí lãnh đạo tỉnh thường xuyên dành thời gian đến kiểm tra, nắm bắt tình hình, chỉ đạo tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc nảy sinh, đảm bảo tiến độ các dự án trọng điểm của tỉnh Thái Nguyên. Đến nay mọi công tác chuẩn bị cho lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã cơ bản hoàn tất.
Việc xây dựng Hồ Núi Cốc trở thành Khu du lịch trọng điểm quốc gia theo quy hoạch Thủ tướng phê duyệt là sự thống nhất quyết tâm của cả hệ thống chính trị, và sự quyết tâm ấy được xuất phát từ tư duy đổi mới, năng động, sáng tạo và khát vọng đưa Thái Nguyên lên 1 vị thế mới của tập thể lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên khóa XIX. Cùng với thời cơ và động lực mới, đó sẽ là những yếu tố tiên quyết để Thái Nguyên vươn lên một tầm cao mới - tầm cao của 1 đô thị trung tâm vùng đã và đang ngày càng khẳng định vị thế quan trọng trong Vùng thủ đô và cả nước.