HLV Hữu Thắng lo ngại cho thể lực của U22 Việt Nam
Thật ra thì các đội bóng Đông Nam Á khác, bao gồm cả nhóm các đội sẽ là đối thủ chính của U22 Việt Nam tại SEA Games như Thái Lan, Malaysia, Indonesia đều trải qua vòng loại U23 châu Á, với số trận và số ngày thi đấu giống hệt U22 Việt Nam.
Tuy nhiên, tố chất của cầu thủ Việt Nam không bằng các cầu thủ của các quốc gia kể trên, nền tảng thể lực cũng chưa chắc ngang với họ. Vả lại, hầu hết các đội bóng trong nước đều không có chuyên gia chuyên trách về thể lực, nên việc chuẩn bị nền tảng ngay từ đầu cho các cầu thủ không tốt.
Chính HLV Nguyễn Hữu Thắng cho biết về vấn đề này: “Tôi cho rằng việc cải tiến thể lực phải được thực hiện từ cấp CLB. Mỗi CLB nên có 1 HLV thể lực, để tăng cường sức mạnh cho các cầu thủ, trong khi hiện các đội bóng trong nước đều không có HLV chuyên trách mảng này”.
Trải qua vòng loại U23 châu Á tốn nhiều sức, thể lực trở thành vấn đề đáng lo ngại với U22 Việt Nam (ảnh: Trọng Vũ) |
“Trong thời gian tới, theo tôi các đội bóng nên sử dụng các HLV thể lực được đào tạo chính quy. Trước mắt, nếu chưa có đội ngũ này thì các CLB nên thuê chuyên gia ngoại đảm trách khâu chuẩn bị thể lực” – ông Thắng nói thêm.
Ngay sau vòng loại U23 châu Á là SEA Games 29. Với một số nền bóng đá khác, khoảng cách từ vòng loại giải châu Á cho đến SEA Games có thể là bình thường, nhưng với các cầu thủ Việt Nam, chưa biết cầu thủ Việt Nam có chịu nổi cường độ đá liên tiếp 2 giải đấu chính thức trong vòng ít tuần lễ hay không?
Đấy là chưa tính đến điểm rơi cho các giải đấu trên. Sự việc từng xảy ra với đội tuyển U19 Việt Nam trong năm ngoái. Để chuẩn bị cho VCK U19 châu Á, đội bóng của HLV Hoàng Anh Tuấn gần như chưa thể “nhả” ngay cường độ tập luyện tại giải U19 Đông Nam Á được tổ chức trên sân nhà, dẫn đến kết quả không như ý ở giải khu vực.
U22 Việt Nam sẽ bước vào SEA Games 29 sau đây khoảng 3 tuần (ảnh: Trọng Vũ) |
Có nghĩa là với các đội bóng Việt Nam, với các cầu thủ nội, việc đá 2 giải chính thức liên tiếp nhau là điều phải tính toán rất kỹ, đặc biệt là tính toán về mặt điểm rơi phong độ và thể lực. Thường thì nếu các nhà chuyên môn nhắm đến 1 trong 2 giải đấu, thì họ buộc phải hy sinh giải đấu còn lại.
Dĩ nhiên, để đá tốt và đá sung sức ở cả 2 giải liền nhau cũng không phải không thể xảy ra, nhưng với điều kiện là phải tính toán rất kỹ và chuẩn bị rất khoa học.
Mong rằng khoảng thời gian từ nay đến SEA Games là khoảng thời gian đủ để đội tuyển U22 Việt Nam hồi phục, cũng như được chuẩn bị thể lực tốt cho chiến dịch tìm HCV bóng đá ở Đại hội thể thao Đông Nam Á.
Kim Điền