Hiệu quả mô hình bảo trợ xã hội tư nhân
Khuôn viên Trung tâm bảo trợ xã hội Hường Hà Nguyệt |
Bà Trần Thị Nhi, 78 tuổi vào ở tại Trung tâm bảo trợ xã hội (BTXH) Hường Hà Nguyệt đã được hơn 2 tháng. Qua lời giới thiệu của một số bạn bè đã vào đây ở, cùng với việc tự tìm hiểu của bản thân, bà quyết định lựa chọn nơi đây như một bến đỗ cho những năm tháng cuối của cuộc đời.
Bà Trần Thị Nhi, cho biết: "Điều kiện sinh hoạt ở đây rất tốt, ăn uống ngày ba bữa đều đặn. Tôi đang tự phục vụ được nên Trung tâm không phải phục vụ tôi về việc tắm giặt. Môi trường sống trong lành, mọi người đều hòa thuận, giao lưu vui vẻ. Tôi thấy rất yên tâm".
Cũng như bà Nhi, hơn 40 người cao tuổi đang sinh sống tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Hường Hà Nguyệt đều có chung suy nghĩ như vậy. Dù mỗi người đến với Trung tâm vì một lý do khác nhau, người do hoàn cảnh gia đình đơn thân, người do ốm yếu không có người thân chăm sóc, có cả những đối tượng thuộc diện chính sách... nhưng tựu chung lại đều cùng một lý do là khi tuổi đã xế chiều không có người thân bên cạnh, và họ đã chọn cách nương tựa vào nhau nơi Trung tâm này để sống cuộc sống an yên những ngày cuối đời.
Ông Nguyễn Xuân Như, 80 tuổi chia sẻ: "Lãnh đạo và nhân viên của Trung tâm rất tận tình với mọi người, những nhân viên chăm sóc chúng tôi như là ruột thịt. Vào đây mọi người có đóng góp lệ phí khác nhau nhưng phần trông nom của Trung tâm, từ ăn uống cho đến chế độ sinh hoạt thì không phân biệt".
Một số cụ khỏe, tỉnh táo thì tự chăm sóc nhau, nhưng đa số các cụ cần đến sự chăm sóc của nhân viên Trung tâm |
Trung tâm Bảo trợ xã hội Hường Hà Nguyệt đi vào hoạt động đến nay đã được hơn 7 năm. Là cơ sở bảo trợ xã hội tư nhân đầu tiên và đến nay vẫn là duy nhất trên địa bàn tỉnh, Trung tâm BTXH Hường Hà Nguyệt do cá nhân bà Nguyễn Thị Nguyệt đầu tư xây dựng, tổng số vốn là 30 tỷ đồng. Xuất phát từ lòng trắc ẩn của mình, bà Nguyệt đã đầu tư xây dựng Trung tâm với mong muốn chung tay cùng Nhà nước, các đơn vị, địa phương, các nhà hảo tâm chăm lo cho các đối tượng yếu thế trong xã hội. Thực tế hoạt động đã minh chứng điều đó khi Trung tâm đã tiếp nhận gần 100 đối tượng, trong đó có cả trẻ em mồ côi, khuyết tật, người cao tuổi không còn khả năng lao động...
Anh Trần Trung Hiếu, Nhân viên Trung tâm Bảo trợ xã hội Hường Hà Nguyệt thông tin: "Chúng tôi hiện đang chăm sóc 47 cụ và 6 trẻ khuyết tật. Công việc của chúng tôi bắt đầu từ 4 giờ 30 - 5 giờ sáng khi các cụ dậy, đưa các cụ ra nhà bếp để phục vụ các cụ ăn sáng, tập thể dục. Khoảng 9-10 giờ phục vụ các cụ ăn bữa trưa... Một số cụ khỏe, tỉnh táo thì tự chăm sóc nhau, nhưng đa số các cụ cần đến sự chăm sóc của nhân viên Trung tâm".
Bà Nguyễn Thị Nguyệt, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội Hường Hà Nguyệt cho biết thêm: "Tôi xem vô tuyến thấy có nhiều mảnh đời bất hạnh. Từ tiền tích lũy trong việc kinh doanh và tiền bán đất tôi đã xây dựng nên Trung tâm để cho những người có hoàn cảnh cơ nhỡ tập trung về đây có nơi nương tựa".
Với chức năng, nhiệm vụ quản lý, tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc người cao tuổi cô đơn, khuyết tật, trẻ mồ côi, người lang thang cơ nhỡ và các đối tượng tự nguyện khác; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức học văn hóa, học nghề, tìm kiếm việc làm phù hợp với sức khỏe, hoàn cảnh, tạo điều kiện để các đối tượng hòa nhập cộng đồng. Sự ra đời và những hoạt động của Trung tâm đã dần biến nơi đây trở thành mái ấm của những phận đời thiếu may mắn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và một số địa phương lân cận.
Hiện nay, Trung tâm đang chăm sóc và nuôi dưỡng 45 đối tượng người cao tuổi, người nhiều tuổi nhất cũng đã 96 tuổi; 7 đối tượng trong độ tuổi thanh thiếu nhi, 2 đối tượng thuộc diện người khuyết tật. Trên khuôn viên 3.000m2, cơ sở vật chất của Trung tâm gồm khu nhà 3 tầng với 47 phòng khép kín được trang bị tương đối đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, có thể tiếp nhận tối đa 150 đối tượng bảo trợ; có 9 nhân viên, 1 bác sĩ, đảm bảo phục vụ tốt cho các thành phần đang được cưu mang, chăm sóc. Do là mô hình bảo trợ xã hội tư nhân nên việc thu phí với các đối tượng là yêu cầu bắt buộc để đảm bảo duy trì hoạt động ổn định. Tuy nhiên, tuỳ từng đối tượng cụ thể mà Trung tâm có những mức hỗ trợ khác nhau. Có những đối tượng thuộc diện chính sách hay trẻ em khuyết tật thì Trung tâm chỉ hoàn toàn nhận nguồn hỗ trợ từ Nhà nước theo quy định. Hơn 7 năm qua, có hơn 20 cụ qua đời được Trung tâm phối hợp cùng gia đình, chính quyền tổ chức mai táng theo nghi lễ truyền thống. Các cháu trong độ tuổi đi học được học tại các trường gần Trung tâm để thuận tiện cho việc đưa đón, đi lại. Dù là mô hình bảo trợ xã hội tư nhân, song rõ ràng để vận hành hoạt động được một cách hiệu quả đòi hỏi sự quan tâm, chia sẻ rất lớn từ các cấp uỷ, chính quyền và sự đồng hành, trách nhiệm của toàn xã hội.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội Hường Hà Nguyệt cho biết: "Tỉnh đã cấp cho hơn 10.000m2 đất, chúng tôi đang làm quy hoạch xây dựng cả khu sinh thái, bệnh viện điều dưỡng. Chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm cũng nhìn nhận Trung tâm của tư nhân cũng như của Nhà nước cùng đồng hành như nhau".
Mới đây, Trung tâm đã tiếp tục đầu tư xây dựng một khu nhà 3 tầng mới với gần 30 phòng, năng lực nhận và chăm sóc trên 100 đối tượng và dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng vào cuối năm 2020.
Dù biết nhu cầu xã hội là tương đối lớn; hoạt động của những Trung tâm như thế không chỉ dành cho đối tượng yếu thế trong xã hội, mà lâu dài, đó còn là mô hình chăm sóc người cao tuổi, người yếu thế chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội hiện đại. Song nếu không nhận được sự quan tâm của Nhà nước, sự đồng hành, giúp sức của các cơ quan, đơn vị liên quan thì những Trung tâm như thế này sẽ còn gặp nhiều khó khăn, chưa thể phát huy tối đa công suất.
Trung tâm cần sự chia sẻ rất lớn từ các cấp uỷ, chính quyền và sự đồng hành, trách nhiệm của toàn xã hội. |
Theo đánh giá của ngành Lao động, Thương binh và xã hội, hiện nay, các cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước hầu hết đều xây dựng đã lâu, tình trạng xuống cấp và thiếu trầm trọng các thiết bị phục vụ cho việc chăm sóc và phục hồi chức năng là phổ biến. Đội ngũ cán bộ của hệ thống các cơ sở bảo trợ công lập còn ít được đào tạo chuyên nghiệp về nghề công tác xã hội, nên chủ yếu chỉ tập trung vào chăm sóc, nuôi dưỡng mà thiếu các dịch vụ đi kèm như: điều trị tâm lý, phục hồi chức năng hoặc các biện pháp hỗ trợ trẻ em hòa nhập cộng đồng. Tăng cường xã hội hoá, tạo hành lang pháp lý để khuyến khích thành lập những mô hình bảo trợ xã hội tư nhân là rất cần thiết để cùng Nhà nước và toàn xã hội thực hiện tốt hơn công tác bảo trợ xã hội trong những năm tới đây.