Hiệu quả khi dồn điền đổi thửa, thực hiện cánh đồng lớn
Dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng lớn đã đạt được những kết quả khả quan, kinh tế được nâng lên rõ rệt, tạo ra bộ mặt nông thôn mới khởi sắc ở những địa phương triển khai đề án. |
Nếu như trước đây, trên diện tích gần 60ha đã được dồn điền, đổi thửa này là gần 1.100 thửa ruộng nhỏ thì số thửa hiện nay đã giảm 1 nửa chỉ còn chỉ còn 550. Việc khắc phục manh mún được thực hiện, cộng thêm việc quy hoạch, xây dựng hệ thống giao thông nên quá trình sản xuất đến nay đã hết sức thuận lợi, chi phí sản xuất, đầu vào cũng vì thế mà giảm theo.
Bà Dương Thị Đàm, xóm Ngoài, xã Tân Đức, huyện Phú Bình chia sẻ: "Dồn vào như thế này máy móc cày bừa, gặt, chúng tôi không phải gánh về nữa, trước đây gánh rất vất vả".
Bà con có ruộng trong cánh đồng lớn cấy cùng thời điểm, cùng giống lúa, cùng thu hoạch nên thuận lợi trong việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. |
Mặt khác, bà con có ruộng trong cánh đồng lớn cấy cùng thời điểm, cùng giống lúa, cùng thu hoạch nên thuận lợi trong việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, canh tác trên các ô, thửa lớn nên nông dân thống nhất lựa chọn cùng một giống lúa, cùng gieo trồng và thu hoạch đồng loạt giúp tiết kiệm công sức, vốn đầu tư, mang lại giá trị sản xuất đạt gần 140 triệu đồng/ha/vụ tăng hơn 41 triệu đồng/ha/vụ so với trước. Đồng thời, giảm chi phí đầu vào vì tiết kiệm 50% giống, giảm chi phí khâu làm đất và khâu thu hoạch từ 2,5 - 2,7 triệu đồng/ha.
Ông Nguyễn Văn Bàn. Phó Chủ tịch UBND xã Tân Đức, huyện Phú Bình cho hay: "Cánh đồng sản xuất đến nay đã ổn định và đảm bảo việc tổ chức sản xuất đưa các giống, mô hình vào sản xuất tập trung đem lại hiệu quả cho người dân cũng như việc tổ chức sản xuất".
Ông Dương Quang Tuyên, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Phương, huyện Phú Bình cho biết: "Khi mà dồn điền đổi thửa xong thì bà con lựa chọn cánh đồng 1 giống, chất lượng của lúa gạo được nâng lên, thu hoạch bằng máy liên hoàn chỉ tập trung 1 tuần là cánh đồng 100ha xong".
Ông Nguyễn Đắc Vinh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Bình thông tin: "Nhận thức của bà con trong việc liên kết sản xuất đã được nâng lên, từ nhận thức đó, bước đầu chúng tôi cũng đã hình thành được những hợp tác xã, đã tổ chức sản xuất theo hướng liên kết và cũng góp phần liên kết với các doanh nghiệp để triển khai và thực hiện các dự án về phát triển sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới".
Tuy nhiên, cũng phải nhìn vào thực tế hiện nay là việc sản xuất ở các địa phương được thực hiện dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng lớn vẫn chưa có một đơn vị, doanh nghiệp cố định nào bắt tay với nông dân để hướng dẫn, áp dụng khoa học kỹ thuật cao vào sản xuất, bao tiêu sản phẩm và tạo giá trị thật sự cao cho sản phẩm đầu ra.
Ông Dương Đình Tiến, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Phương, huyện Phú Bình cho hay: "Giá thấp là do hiện nay 1 số doanh nghiệp đã vào làm việc nhưng nói chung vẫn chưa cụ thể".
Sau khi thực hiện dồn điền đổi thửa sản xuất tập trung thì hiệu quả kinh tế trên mọi mặt đã đem lại tương đối rõ ràng, tuy nhiên, bà con nông dân ở các xã được dồn điền đổi thửa vẫn đang chờ đợi 1 sự liên kết với doanh nghiệp để nâng cao giá trị sản phẩm trên cây lúa.
Kết quả của việc dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng lớn đã tạo tiền đề để nông dân thay đổi tư duy, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, tạo giá trị gia tăng cao hơn. Khi dồn điền đổi thửa thành công, một số doanh nghiệp cũng đã quan tâm, muốn đầu tư vốn, khoa học - kỹ thuật sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch. Dồn điền đổi thửa thành công bước đầu ở huyện Phú Bình cũng đang chở đợi sự chỉ đạo các cơ quan chức năng rút kinh nghiệm; đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách để nhân rộng mô hình ở các địa phương khác của tỉnh Thái Nguyên./.