Hiệp định EVFTA: Lực đẩy để doanh nghiệp da giày tăng trưởng xuất khẩu
Dây chuyền sản xuất giầy bảo hộ lao động xuất khẩu. (Ảnh: TTXVN) |
Đây cũng là một trong những điểm nhấn được đưa ra tại Hội thảo: "Nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp da giày Việt Nam mở rộng xuất khẩu sang thị trường châu Âu,” do Dự an hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-Mutrap) tổ chức sáng 15/11, tại Hà Nội.
Cơ hội xuất khẩu rộng mở
Hiện nay Da giày là một trong những ngành công nghiệp có lợi thế xuất khẩu của Việt Nam. Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu da giày đạt trên 16 tỷ USD, riêng xuất khẩu giày dép đạt 13 tỷ USD và là ngành có giá trị xuất khẩu lớn thứ 4 của cả nước chỉ sau điện thoại và linh kiện; hàng dệt may; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện.
Số liệu của Hiệp hội Da, Giày, Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho thấy, năm 2016 Việt Nam đứng thứ 3 sau Trung Quốc và Ấn Độ về thị phần các nước sản xuất giày dép lớn nhất thế giới.
Còn tại thị trường EU, mặc dù năm 2014, giày dép của Việt Nam vào EU mới chính thức được hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) với thuế suất giảm từ 13-14% xuống còn 3-4% nhưng đã tạo ra cú hích mạnh mẽ cho xuất khẩu mặt hàng này vào EU.
Đến hết năm 2016, tức là 2 năm sau, xuất khẩu da giầy của Việt Nam vào EU đạt gần 5 tỷ USD và EU là thị trường xuất khẩu da giày lớn thứ hai của Việt Nam, sau Hoa Kỳ.
Trong khi đó, với tầm quan trọng của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Lefaso cho rằng, khi EVFTA có hiệu lực sẽ tạo ra một động lực tăng trưởng mới cho toàn ngành da giày so với thời điểm hiện nay.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Lefaso. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+) |
Quy tắc xuất xứ có thể vô hiệu hóa hiệp định
Mặc dù cơ hội xuất khẩu là rất lớn, song ngành da giày của Việt Nam cũng đối diện với nhiều thách thức khi xuất khẩu vào EU.
Theo đó, tỷ lệ sản xuất gia công của ngành da giày Việt Nam còn cao, trong khi để đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật hết sức khắt khe của EU đòi hỏi nỗ lực về cải tiến công nghệ và quy trình sản xuất hết sức nghiêm ngặt từ phía các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, mức đóng góp của các doanh nghiệp trong nước còn hạn chế, phần nhiều lợi thế vẫn tập trung ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Bà Trịnh Thu Hiền, Trưởng phòng xuất xứ hàng hóa, Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, với trên 80% tỷ lệ tận dụng ưu đãi FTA đối với mặt hàng da giày là rất tốt, thậm chí mức tận dụng FTA trong ngành này vượt xa so với các ngành hàng khác như sắt, thép.
Tuy vậy, một điều đáng lưu ý là các doanh nghiệp FDI lại tận dụng tốt hơn nhiều so với doanh nghiệp Việt Nam thuần túy.
Trong khi đó, hiệp định thương mại tự do EVFTA đang mở ra rất nhiều cơ hội cho ngành da giày, song để tận dụng hết các lưu đãi mà hiệp định này mang lại, đại diện Cục xuất nhập khẩu cũng lưu ý các doanh nghiệp phải làm tốt việc áp dụng Quy tắc xuất xứ.
"Mặc dù hiệp định được ký kết với nhiều dòng thuế về 0%, song không đáp ứng được yêu cầu về Quy tắc xuất xứ thì những ưu đãi trên sẽ mất hết," bà Hiền nói.
Ở góc độ khác, Giáo sư Sanggeeta Khorana, chuyên gia Quốc tế, dự án EU-Mutrap cũng đưa ra những khuyến nghị đối với các doanh nghiệp về những rào cản và biện pháp chống bán phá giá của EU.
Theo chuyên gia này, khi gặp phải những biện pháp trên, các doanh nghiệp cần cung cấp đầy đủ các bằng chứng về trợ cập bán phá giá hoặc trợ giá, cũng như tổn thất về kinh tế và thể hiện sự hỗ trợ của ngành.
"Luật EU quy định rằng một cuộc điều tra chống bán phá giá sẽ bắt đầu bất cứ khi nào Tổng vụ Thương mại EU xác định cần thực hiện một cuộc điều tra chính thức từ những thông tin có sẵn," Giáo sư Sanggeeta Khorana cho hay./.