Hàng trăm hộ dân bị nhà máy tinh bột sắn "tra tấn"
Nhà máy “bức tử” dân
Theo phản ánh của các hộ dân thuộc các thôn Tân Thịnh, Quảng Hợp, Đồng Xuân thuộc xã Hóa Quỳ và dân nằm ở hạ lưu sông Quyền, xã Xuân Quỳ, hơn 10 năm qua, kể từ khi nhà máy chế biến tinh bột sắn xuất hiện thì cuộc sống của người dân bắt đầu đảo lộn. Môi trường nước, không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng.
“Từ ngày có nhà máy sắn, dân chúng tôi phải sống chung với mùi xú uế, hôi thối, ruồi muỗi quanh năm. Mùa đông còn đỡ chứ mùa hè nắng lên, hoặc mưa rào xuống thì mùi kinh khủng lắm. Nhà cửa suốt ngày phải đóng. Cũng từ khi nguồn nước từ nhà máy đổ ra sông Quyền, cá tôm chết sạch chẳng con gì có thể sống sót nổi. Không chỉ vậy, dùng nước này để tưới tiêu cho đồng ruộng, lúa, hoa màu giảm năng suất rõ rệt. Lúa cứ chết dần, chết mòn, thậm chí còn mất trắng… Trâu bò đi qua sông không dám uống nước” – một người dân thôn Quảng Hợp bức xúc.
Nhà máy chế biến tinh bột sắn khiến người dân khốn khổ hơn 10 năm qua |
Theo một người dân khác: “Nhà máy xả thải quanh năm, không kể ngày đêm, dân chúng tôi kêu nhiều nhưng không thấu. Thi thoảng chúng tôi có thấy đoàn về kiểm tra xong rồi đi, cũng không thấy nhà máy thay đổi gì, nước thải vẫn ngày đêm thi nhau xả ra ngoài”.
Người dân này cũng cho hay, bây giờ dân rất ngại phản ánh vì sợ bị trù dập, có người dẫn nhà báo đi xem cống xả thải xong về thì cháu người này bị công ty cho nghỉ việc luôn. Chúng tôi vì sợ con cháu bị ảnh hưởng không có việc làm mà không ai dám lên tiếng nữa. Nếu có tiền thì chúng tôi cũng chuyển đi nơi khác ở lâu rồi chứ sống thế này khổ quá.
Theo ghi nhận thì đúng như những gì người dân phản ánh, khi có mặt tại gần khu vực nhà máy, PV bị “tra tấn” bởi một thứ mùi hôi thối khủng khiếp, hệ thống bể chứa chất thải, nước thải ở đây có màu đen kịt, nổi váng.
Nước thải từ nhà máy xả trực tiếp ra sông Quyền |
Nước thải này được bắt ống dẫn xả thẳng ra sông Quyền. Sợ thứ nước độc hại này ngấm vào nguồn nước ngầm nên hầu hết các giếng nước sinh hoạt của người dân đều không sử dụng được mà họ phải dùng ống dẫn nước từ trên núi về.
“Trước đây, nguồn nước sông này rất trong, người dân trong thôn, trong làng thường sử dụng nước để sinh hoạt hàng ngày, nhưng nay nguồn nước dưới sông đến trâu bò còn không dám ngửi nữa huống hồ là người dân chúng tôi. Bây giờ nhà nào cũng phải bắt đường ống lấy nước ở đầu nguồn về dùng. Chi phí cho việc bắt ống dẫn nước cũng vô cùng tốn kém” – người dân thôn Tân Thịnh nói.
Có đủ tiêu chuẩn xả thải?
Theo tìm hiểu được biết, ngày 17/03/2015, UBND tỉnh Thanh Hóa có văn bản số 113/GP-UBND quyết định cấp giấy phép xả thải vào nguồn nước. Theo giấy phép xả thải của UBND tỉnh Thanh Hóa cấp, nước thải của công ty từ hồ sinh học số 6 chảy ra sông Quyền với chế độ xả 2 lần/năm. Giấy phép này có thời hạn trong vòng 10 năm.
Người dân cho biết nhiều năm qua, nước sông Quyền chưa bao giờ có màu trắng như báo cáo của Sở TNMT nêu |
Mới đây nhất, sau khi có công văn xin được xả thải của nhà máy, ngày 7/2/2017, Sở TNMT đã trực tiếp đến nhà máy để kiểm tra, lấy mẫu phân tích đánh giá chất lượng. Ngày 21/2/2017 thì cho kết quả “Tại thời điểm kiểm tra không có hiện tượng rò rỉ nước thải chưa qua xử lý ra môi trường. Môi trường xung quanh khu vực xử lý nước thải không có biểu hiện bất thường”.
“Đoàn kiểm tra lấy 2 mẫu nước thải tại hồ sinh học số 5 và số 6. Tại hồ số 5 kết quả phân tích 10 chỉ tiêu ô nhiễm, trong đó có 4 chỉ tiêu vượt quy chuẩn cho phép… Tại hồ sinh học số 6, kết quả phân tích 10 chỉ tiêu ô nhiễm, trong đó nồng độ các chất ô nhiễm cơ bản nằm trong giới hạn cho phép”.
Thứ nước thải được cơ quan chức năng đánh giá là không vượt mức ô nhiễm |
“Tại thời điểm kiểm tra, nước sông Quyền có màu trắng, không có váng bọt… thông số các chỉ tiêu cơ bản nằm trong giới hạn cho phép…”. Theo đó, công văn cũng cho phép nhà máy được phép xả thải từ ngày 22/2-22/3/2017.
Mặc dù trong thời gian được phép xả thải, công văn nêu rõ khi xả thải nhà máy phải báo cáo Sở TNMT, UBND huyện Như Xuân, UBND xã Hóa Qùy; quan trắc lưu lượng nước thải phải liên tục qua đồng hồ đo lưu lượng để xác định lưu lượng xả cho phép. Tuy nhiên, trái ngược với những gì quy định, ngày 16/3, thời điểm PV có mặt, chính quyền địa phương xã Hóa Qùy không hề biết việc nhà máy xả thải vì không được thông báo. Bên cạnh đó, đơn vị này trong lúc xả thải không có cơ quan chức năng giám sát như Phòng TNMT hay chính quyền địa phương thì việc có lắp đồng hồ đo lưu lượng nước xả ra ngoài hay không và việc trong quá trình xả thải có thông số vượt quy chuẩn cho phép đều không được kiểm chứng.
Đáng nói, nếu chỉ nhìn vào kết luận của Sở TNMT thì không ít người tin rằng, đây chính là nhà máy chế biến tinh bột sắn “sạch”. Tuy nhiên, thực tế bằng cảm quan thì lại “phũ phàng” bởi theo ghi nhận của PV, trái ngược với những gì có trong kết luận của Sở TNMT như sông Quyền có nước màu trắng, không bọt hay chỉ số ô nhiễm từ hồ chứa nước sinh học đều đạt quy chuẩn cho phép thì tại thời điểm có mặt, nước sông Quyền cũng như hồ chứa nước thải sinh học có màu đen kịt, mùi hôi thối nồng nặc. Người dân ở đây cũng khẳng định nhiều năm qua, nước sông Quyền chưa bao giờ có màu trắng.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Phòng TNMT huyện Như Xuân cho biết: “Khoảng gần 1 tháng trước, người dân có báo việc nhà máy xả thải gây ô nhiễm, nước đen, có bọt. Tôi có báo cáo lên Sở TNMT, Sở đã cử Phó giám đốc Sở lên kiểm tra, lấy mẫu phân tích nhưng vẫn đảm bảo không ô nhiễm”.
“Thời gian này, nhà máy đang được phép xả thải. Trước khi xả thải ra môi trường, Sở TNMT đã kiểm tra và phân tích mẫu nước, thấy mức độ ô nhiễm không vượt ngưỡng quy định nên mới cho phép” – ông Dũng nói.
Cũng theo ông Dũng thì nguyên tắc khi nhà máy xả thải phải có cơ quan chức năng giám sát nếu có bất thường như cá chết hay vượt ngưỡng ô nhiễm thì báo cáo để có biện pháp tuy nhiên cán bộ của Phòng TNMT không thể lúc nào cũng có mặt dưới đó được mà chủ yếu do xã. Xã phải giám sát việc đó, xã nói không biết nhà máy xả thải là không được.