Hãng hàng không phải trả thêm tiền khi bay giờ cao điểm?
Cục Hàng không Việt Nam đề xuất mức khai thác bay áp dụng tăng-giảm theo giờ cao điểm, thấp điểm |
Theo Cục Hàng không, mức giá dịch vụ cất-hạ cánh đối với các chuyến bay nội địa đã được duy trì từ năm 2011 đến nay, so với bình quân khu vực ASEAN, giá dịch vụ hạ cất - cánh với chuyến bay nội địa của Việt Nam khá thấp, chỉ bằng 47 - 67% tuỳ loại máy bay.
Lãnh đạo Cục Hàng không cho biết, việc quá tải vào các giờ cao điểm tại một số cảng hàng không hiện nay chủ yếu do sản lượng và tốc độ tăng trưởng quá lớn của chuyến bay quốc nội. Do vậy, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất xây dựng chính sách giá cất-hạ cánh với chuyến bay theo khung giờ nhằm tác động để các hãng hàng không nội địa điều chỉnh giờ bay, đảm bảo phù hợp với năng lực khai thác của các cảng hàng không.
Đối với các cảng hàng không nhóm A, B, Cục Hàng không đề xuất giờ bình thường, áp dụng mức giá dịch vụ tăng 15% so với mức hiện hành, trong giờ cao điểm sẽ được tăng lên 15% và giảm 15% vào giờ thấp điểm. Các cảng hàng không nhóm C sẽ áp mức giá bằng 60% mức quy định của đối với cảng hàng không nhóm B trong giờ cao điểm.
Cục Hàng không Việt Nam cũng đề xuất lộ trình điều chỉnh: Giai đoạn 1 từ 1/7/2017, tăng 5%; từ 1/1/2018, tiếp tục tăng thêm 10% nữa so với giá hiện hành. Cụ thể: Từ 1/7/2017, trong giờ cao điểm, mức giá hạ cất cánh với máy bay ATR là 698.000 đồng/lần; máy bay A320/A321 là hơn 1,5 triệu đồng/lần; máy bay A350, B787, B777, A330 là hơn 5,8 triệu đồng/lần.
Liên quan đến việc điều chỉnh phí dịch vụ hàng không đối với hành khách, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam cho rằng mức giá phục vụ hành khách quốc nội của Việt Nam hiện tại chỉ bằng khoảng 56% mức giá tương ứng bình quân khu vực ASEAN, vì vậy việc xây dựng giá phục vụ hành khách quốc nội cần được xem xét điều chỉnh.
Được biết, chi phí điều chỉnh phí dịch vụ đối với hành khách theo đề xuất của Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam mới đây tăng thấp nhất là 20.000 đồng, cao nhất là 40.000 đồng.