Hàng chục năm mong ngóng ngôi trường khang trang
Trò chuyện với PV, thầy Nguyễn Mộc Châu - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Hữu A cho biết, Trường Tiểu học Phú Hữu A được xây dựng cách đây khoảng 25 năm, gồm những phòng học, phòng làm việc cấp 4, được sửa chữa nâng cấp nhiều lần. Ban đầu trường lợp ngói, sau đó thay bằng lợp tôn loại mỏng, nay đã xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng rất nhiều trong giảng dạy và học tập.
Trường Tiểu học Phú Hữu A đã xuống cấp, sân chơi còn bằng đất đã ảnh hưởng không nhỏ đến các em học sinh. |
“Mùa mưa thì ồn ào, mùa nắng thì nóng như nung, nên chúng tôi phải khắc phục bằng cách đóng la phông (trần) cho bớt nóng, nhưng không ăn thua gì. Do khuôn viên trường thấp, sân trường là nền đất, lại nằm sát bờ sông, nên mỗi khi có triều cường là bị ngập, có hôm cả nửa mét, nước vào cả phòng học. Mặc dù nhà trường đã cố gằng đắp bờ bao nhưng vẫn bị ngập. Chúng tôi rất mong ngành giáo dục và chính quyền quan tâm xây dựng trường mới khang trang hơn, cao ráo hơn để thuận lợi trong giảng dạy và học tập”, thầy Châu mong mỏi.
Bao năm qua, thầy trò Trường Tiểu học Phú Hữu A mong mỏi một ngôi trường cao ráo, khang trang hơn. |
Khi PV đến Trường Tiểu học Phú Hữu A, thấy nhiều HS đang giờ ra chơi chạy nhảy nô đùa trên sân trường còn nhiều bùn, trơn trợt. Một HS lớp 2 nói: “Sân trường bị ngập nước, tụi con đi học khó khăn lắm, phải tháo dép cầm trên tay lội nước vô phòng học, nhiều bạn bị té ướt quần áo, sách vở. Tụi con mong có trường mới cao ráo, không bị ngập nước vào mùa mưa lũ, không bị nóng khi mùa nắng”.
Trường THCS Phú Hữu cũng cùng chung số phận khi đã xuống cấp nghiêm trọng. |
Cùng chung cảnh ngộ với thầy trò Trường Tiểu học Phú Hữu A, trên 200 HS và giáo viên Trường THCS Phú Hữu cũng lội nước khi có mưa lũ vì sân trường bị ngập sâu trong nước.
Một phụ huynh ở gần trường cho biết: “Mỗi khi vào mùa mưa lũ, nước ngập sân trường, ngập luôn khuôn viên xung quanh trường, tụi nhỏ đi học thấy tội nghiệp lắm. Có khi nước vào cả trong phòng học thì các em ngồi học phải co chân. Thậm chí nhiều bữa thầy trò phải ngừng dạy, học để cùng nhau tát nước ra ngoài mới tiếp tục học được”.
Thầy Đặng Văn Việt - Hiệu trưởng Trường THCS Phú Hữu cho biết: “Trường THCS Phú Hữu được xây dựng đã 20 năm, cũng là phòng học cấp 4, xuống cấp khoảng 6 năm nay. Nền sụp lún, sân trường khi bị ngập nước thì thầy trò đều phải xắn quần để lội vào trường”.
Sân trường của Trường THCS Phú Hữu đầy bùn lầy mỗi khi mùa mưa lũ đến. |
Nhìn bao quát các phòng học, PV ghi nhận, tất cả các phòng học của 2 ngôi trường này thấp lè tè, cột kèo bị mối, nứt gãy, vách tường bị nứt nhiều chỗ, rêu mọc xanh. Đặc biệt, sân trường là nền đất, không được đổ xi măng, nên không có sân chơi sạch sẽ cho HS, sau mưa lũ trở thành sân… đầy bùn.
Ông Lê Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Hữu tâm sự: “Chính quyền địa phương mong muốn ngành giáo dục và cấp trên quan tâm đầu tư xây dựng trường mới để tạo điều kiện cho các em học sinh đi học dễ dàng hơn”.
Một cán bộ Ban Văn hóa-Xã hội (Hội đồng Nhân dân tỉnh Sóc Trăng) cho biết: Cuối tháng 8/2016, đoàn khảo sát của Ban Văn hóa-Xã hội đã tiến hành khảo sát thực tế tại Trường THCS Phú Hữu và Trường Tiểu học Phú Hữu A. Theo báo cáo của huyện Long Phú, năm học này huyện bảo đảm đủ phòng học, không có phòng học ca 3, tre lá. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế, tại Trường THCS Phú Hữu và Trường Tiểu học Phú Hữu A, cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng, bàn ghế cho HS không phù hợp với cấp học và độ tuổi; các phòng học, phòng chức năng, phòng hiệu bộ thiếu, ẩm, thấp; quang cảnh trường học thiếu cây xanh, thiết bị đồ dùng dạy học lạc hậu, chưa bảo quản tốt. Riêng Trường Tiểu học Phú Hữu A gần sông, không có hàng rào cố định, vào mùa mưa lũ nên bị ngập sâu trong nước.
Đã hàng chục năm qua, thầy trò của 2 ngôi trường thuộc xã vùng sâu vùng xa Phú Hữu phải dạy và học trong những phòng học xuống cấp trầm trọng. Nỗi khổ này của tập thể giáo viên và trên 500 HS của Trường Tiểu học Phú Hữu A và Trường THCS Phú Hữu bao giờ mới hết.