Hai Bộ giải cứu nông sản và thực tế buồn
Đơn vị này sẽ thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật, điều phối các hoạt động phát triển thị trường, là đầu mối quản lý về chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối thuộc phạm vi quản lý của Bộ.
Bộ Nông nghiệp thành lập cơ quan giúp 'giải cứu' nông sản (Ảnh minh họa) |
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, đối với Việt Nam, nông nghiệp giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế và ổn định xã hội. Năm 2016, tổng gia trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 32 tỷ USD, trong đó 10 nhóm ngành hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD.
Tuy nhiên, Bộ trưởng nhấn mạnh, nền sản xuất vẫn chủ yếu nhỏ lẻ, với trên 10 triệu hộ nông dân, nên năng suất lao động thấp so với khu vực thế giới. Việt Nam là một trong 5 năm nước ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, nhất là lĩnh vực nông nghiệp. Về hội nhập, bên cạnh nhiều thị trường, triển vọng, thì thách thức cũng rất lớn.
Trước tình hình đó, theo Bộ trưởng, cần tái cơ cấu ngành theo hướng tập trung, bền vững, theo chuỗi giá trị sâu, thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng dụng công nghệ cao. Ngành cần tổ chức chế biến nông sản, tổ chức thị trường, tổ chức thương mại.
''Hiện nay, khâu chế biến, thị trường chúng ta còn yếu, chuỗi giá trị chế biến còn tách rời sản xuất với thị trường, đây cũng là nguyên nhân xảy ra việc giải cứu hết nông sản này đến nông sản khác'', Bộ trưởng cho biết
Vì thế, Tư lệnh ngành Nông nghiệp cho rằng, việc thành lập Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Sau khi ra đời, cơ quan này sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp… để tổ chức tốt hơn nữa khâu sản xuất và thị trường với mục tiêu khai thác triệt để thị trường xuất khẩu với 7 tỷ dân và thị trường nội địa với 92 triệu dân.
Không chỉ Bộ NN&PTNT tham gia giải cứu nông sản mà trước đó, Bộ Công thương cũng thực hiện nhiều giải pháp để giải quyết vấn đề này.
Cụ thể, Bộ Công thương đã có nhiều giải pháp như, xây dựng, triển khai các chính sách về phát triển hạ tầng thương mại, chợ, logistics. Bên cạnh đó, bộ này còn đàm phán mở cửa và đa dạng hóa thị trường, kết nối cung cầu.
Bộ Công thương đề nghị Bộ NN&PTNT cần tổ chức sản xuất, chăn nuôi theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn của các doanh nghiệp thu mua chế biến lớn và đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu. Điều này sẽ hỗ trợ Bộ Công thương trong đàm phán mở rộng thị trường.
''Giải cứu'' nông sản là một điệp khúc buồn của ngành nông nghiệp Việt Nam, diễn ra từ năm nay sang năm khác, và chưa có hồi kết. Từ đầu năm đến nay chúng ta đã phải giải cứu chuối, sau đó giải cứu dưa hấu và mới đây là giải cứu thịt lợn.
Trước thực tế này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám từng nhận định rằng, giải cứu nông sản hiện nay chỉ là giải pháp tạm thời nhằm giảm thua thiệt cho nông dân trước mắt. Về lâu dài cần phải nắm rõ thị trường để có định hướng đúng trong việc mở rộng diện tích nông sản xuất khẩu./.