Hà Nội: Lo quá tải lớp học khi áp dụng chương trình phổ thông mới
Nhiều trường 49-50 học sinh/lớp
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội, để triển khai chương trình phổ thông mới các địa phương cần đảm bảo đủ cơ sở vật chất để triển khai học 2 buổi/ngày với cấp tiểu học và sĩ số lớp không quá 35 học sinh/lớp ở tiểu học, 45 học sinh/lớp ở THCS và THPT.
Tại Hội nghị, nhiều lãnh đạo trường học lo ngại sĩ số quá tải ở Hà Nội như hiện nay, phải có cách giải quyết để đủ điều kiện áp dụng chương trình phổ thông mới.
Bà Bùi Thị Sinh, Hiệu trưởng trường tiểu học Hải Bối (Đông Anh, Hà Nội) cho biết, hiện bậc tiểu học Hà Nội vẫn gặp nhiều khó khăn do quá tải trường lớp. Hiện tại ở Đông Anh có những lớp lên tới 49-50 học sinh và tương lai còn tăng tiếp trong khi yêu cầu thực hiện CT phổ thông mới là lớp học chỉ có 35 học sinh. Bên cạnh đó vấn đề cơ sở vật chất xuống cấp nhiều, cần được quan tâm đầu tư sớm thì mới có thể đảm bảo điều kiện triển khai CT phổ thông mới.
Hà Nội vẫn lo nhất là thiếu đất, thiếu kinh phí để xây trường vì quá tải trường lớp. (Ảnh: Minh họa) |
Đồng quan điểm, bà Phan Kim Anh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Thành Công cũng cho hay, cơ sở vật chất và thiết bị dạy học hiện nhà trường phải rất cố gắng để đáp ứng bởi sĩ số chung của các lớp học ở Hà Nội hiện nay đang rất đông.
Ngoài ra việc tập huấn, bồi dưỡng giáo viên cũng cần bám sâu về vấn đề trải nghiệm thực hành của học sinh vì đây là việc liên quan đến kinh phí hoạt động.
Do đó, đại diện các phòng giáo dục, nhà trường mong triển khai sớm và tích cực việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên để đáp ứng, thực hiện được chương trình đổi mới giáo dục.
Sẽ làm theo lộ trình
Ông Phạm Hùng Anh, Phó Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất và Thiết bị trường học, đồ chơi trẻ em, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, sắp tới Hà Nội phải rà soát, bố trí sử dụng hệ thống cơ sở vật chất có hiệu quả, làm thế nào sắp xếp bảo đảm ty lệ học sinh trên lớp đạt mức theo quy định của Bộ GD&ĐT.
“Nhu cầu phòng học tiểu học sẽ tăng lên nhiều, do đó cấp tiểu học phải bổ sung hệ thống phòng học. Đối với Hà Nội hiện nay, mục tiên ưu tiên các cấp học là khác nhau. Với hệ thống các trường THCS, THPT phải đầu tư thêm phòng học bộ môn cho các môn học", ông Hùng Anh nói.
Về vấn đề này, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, mình rất chia sẻ với các băn khoăn của đội ngũ thầy cô. Tuy nhiên, việc đảm bảo cơ sở vật chất cần được khắc phục theo lộ trình: “Công nợ trả lần, cháo nóng húp quanh", bây giờ đang khó khăn, nếu đòi hỏi tất cả các lớp đều có sĩ số ở cả 3 cấp học theo đúng quy định thì không thể thực hiện được.
Sở GD&ĐT Hà Nội đã trình UBND TP kế hoạch xây dựng bổ sung trường lớp. (Ảnh minh họa) |
Với lộ trình cuốn chiếu trong triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, năm đầu tiên thực hiện sẽ chỉ ở lớp 1, sau đó đến các lớp tiếp theo. Như vậy các địa phương sẽ có điều kiện, thời gian đầu tư dần dần, từng lớp một chứ không phải đáp ứng ngay một lúc”, GS Thuyết chia sẻ.
Về việc quá tải sĩ số ở Hà Nội, GS Thuyết bày tỏ lo ngại: “Ngay như Hà Nội vẫn lo nhất là thiếu đất, thiếu kinh phí để xây trường vì quá tải trường lớp. Mong rằng lãnh đạo Thành phố quan tâm xây thêm nhiều trường lớp để đáp ứng được các yêu cầu bắt buộc trên.
Cũng do thiếu đất, thiếu kinh phí để xây dựng, nên có những trường chỉ dạy được 5 buổi/tuần. Tôi mong lãnh đạo các cấp quan tâm để chấm dứt việc học sinh học 5 buổi/tuần, dạy học 6 buổi/tuần thì sẽ thực hiện được đầy đủ chương trình trừ những môn tự chọn.
Thứ hai là cần làm sao để sĩ số lớp đúng quy định của Bộ GD&ĐT với tiểu học là 35 em/lớp trở xuống, THCS và THPT 45 em trở xuống. Còn mỗi lớp 50 học sinh, thậm chí là 60 thì thầy cô làm sao đổi mới phương pháp được. Khó bố trí cho học sinh ra ngoài hay tham quan bảo tàng,… bởi mắt trước mắt sau chỉ lo quản học sinh va vào xe cộ,… đã hết thời gian”.
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Thế Sơn, Phó trưởng Phòng Kế hoạch tài chính, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, Sở đã trình UBND TP kế hoạch xây dựng bổ sung trường lớp. Đồng thời, đề xuất các quận huyện rà soát, tháo gỡ bởi mỗi năm, Hà Nội tăng gần 66.000 học sinh, gây khó khăn cho việc sắp xếp trường lớp.