Hà Nội chuẩn bị lắp đặt 1.000 nhà vệ sinh công cộng
Đầu tư bằng vốn xã hội hóa
Với quan điểm phát triển du lịch phải đảm bảo sạch môi trường, UBND Hà Nội đã kêu gọi đầu tư nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) bằng nguồn xã hội hóa. Nhà đầu tư thu hồi vốn bằng quảng cáo trên các cầu vượt bộ hành và cầu vượt cơ giới trên địa bàn thành phố trong thời gian 10 năm để thu hồi vốn, đồng thời, chịu trách nhiệm duy tu, duy trì các cầu vượt theo quy định.
Ngay khi lắp đặt mẫu NVSCC lấy ý kiến của người dân, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng đã đến thị sát và yêu cầu sửa một số chi tiết như: Thu nhỏ kích thước, sử dụng những vật liệu thân thiện với môi trường nhưng phải đảm bảo độ bền, phù hợp cảnh quan môi trường, không gian bên trong phải rộng rãi, thoáng mát.
Mẫu nhà vệ sinh công cộng đang lấy ý kiến người dân. |
Theo quan sát của phóng viên, hệ thống cửa NVSCC cong, mở đẩy giúp tiết kiệm diện tích, phù hợp với những nơi chật hẹp. Mẫu nhà vệ sinh mới này sử dụng thiết bị tiết kiệm năng lượng như hệ thống bật, tắt nước, đèn sáng tự động sau thời gian nhất định. Mọi đối tượng, kể cả người khuyết tật, đều sử dụng dễ dàng,
Đại diện chủ đầu tư cho biết, chi phí lắp đặt ước tính 200 triệu đồng/NVSCC. Dự kiến, sau khi được UBND thành phố chấp thuận, khoảng 300 NVSCC sẽ được lắp đặt từ tháng 12 cho đến Tết Nguyên đán 2017. Trong 1 năm, sẽ lắp đặt 1.000 NVSCC mới.
Hiện Sở Xây dựng chủ trì cùng các đơn vị liên quan và nhà đầu tư khảo sát địa điểm đặt NVSCC; thiết kế, phê duyệt đối với từng địa điểm cụ thể, đảm bảo công năng sử dụng. Còn Sở Văn hóa và Thể thao hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện việc triển khai khảo sát, thiết kế quảng cáo tại các địa điểm cụ thể theo quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai thực hiện.
Cần bố trí hợp lý
Theo Sở Xây dựng, toàn thành phố có khoảng 350 NVSCC được phân bố trên 10 quận nội thành và thị xã Sơn Tây. Trong đó, 236 nhà xây cố định phân bố trong các ngõ, xóm, khu tập thể cũ và 104 nhà bằng thép đặt trên đường phố, nơi vui chơi giải trí, điểm chờ xe buýt. Các NVSCC này được bố trí chưa đều, chưa thể phục vụ, đáp ứng đủ khách vãng lai và khách du lịch ở tất cả mọi nơi, mọi vị trí.
Bà Nguyễn Thu Lan, phường Nguyễn Du (Hai Bà Trưng, Hà Nội): Đây là chủ trương tốt, tuy nhiên vấn đề quan trọng là chất lượng, chế độ bảo trì... Thực tế tại các NVSCC hiện nay do thiếu quản lý nên thường bẩn, tắc... ít người sử dụng.
Còn ông Nguyễn Hồng Đài, Chủ tịch CLB Du lịch Thủ đô cho rằng: Nếu triển khai lắp đặt 1.000 NVSCC thì quá tốt nhưng cần tính đến các vị trí lắp đặt làm sao phù hợp với lượng người lưu thông qua đó. Không nên để NVSCC ở nơi khách tham quan dễ nhìn thấy gây mất cảnh qua. Đơn cử như một số NVSCC để luôn trên bờ hồ Hoàn Kiếm, dịp đông người, khách xếp hàng dài chờ vệ sinh trông phản cảm.
Cùng với hệ thống NVSCC, quan trọng hơn là các điểm du lịch cũng phải đầu tư cải tạo nhà vệ sinh đạt chuẩn. Ông Nguyễn Hồng Nguyên, Trưởng phòng Marketing Công ty Hanoitourist cho biết: Gần đây, Khu di tích Văn Miếu Quốc Tử giám đầu tư nhà vệ sinh sạch sẽ với trang thiết bị hiện đại, chấm dứt hẳn mùi hôi khó chịu. Bên cạnh đó, điểm di tích này bỏ hẳn việc thu phí vệ sinh và được khách du lịch đánh giá rất cao.
Còn tại khu phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm, nhiều nhà hàng, cửa hàng dịch vụ cũng mở miễn phí NVSCC tạo ấn tượng bước đầu với điểm du lịch quanh phố cổ Hà Nội.
Theo Sở Du lịch Hà Nội, việc xây dựng 1.000 NVSCC và việc một số điểm du lịch cải tạo nâng cấp khu vệ sinh, vốn được coi là công trình phụ nay trở thành công trình chính phục vụ du khách cho thấy sự thay đổi tư duy trong làm du lịch. Đây cũng là nội dung chương trình “Phát triển du lịch phải có nhà vệ sinh đạt chuẩn” do Tổng cục Du lịch phát động suốt 4 năm qua để thay đổi dần hình ảnh du lịch Việt Nam trong mắt du khách.