Hà Nội bắt đầu tuyển sinh trực tuyến đầu cấp, 6 SV Y dược bị đuổi học vì gian lận hồ sơ
Lần đầu tiên 4 trường đại học Việt Nam đạt kiểm định chất lượng quốc tế
Ngày 12/6, ĐH Bách khoa Hà Nội cùng ĐH Xây dựng, ĐH Bách khoa Đà Nẵng và ĐH Bách khoa TPHCM được Hội đồng cấp cao đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học (HCERES) của Pháp ra kết luận đánh giá đạt chuẩn kiểm định trường đại học với hiệu lực 5 năm.
Đây là sự kiện được ghi nhận lần đầu tiên trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, việc kiểm định trường đại học được triển khai bởi một tổ chức kiểm định quốc tế.
HCERES được thành lập theo luật số 2013-660 ngày 22/7/2013 trên cơ sở Cơ quan đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học Pháp (AERES) và kế thừa các hoạt động của cơ quan này. HCERES là tổ chức đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục đại học độc lập có nhiệm vụ đánh giá các cơ sở đào tạo đại học, các tổ chức nghiên cứu và các chương trình đào tạo.
Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội là 1 trong 4 trường đại học Việt Nam lần đầu tiên đạt kiểm định chất lượng quốc tế |
HCERES là thành viên chính thức của Hiệp hội đảm bảo chất lượng giáo dục đại học Châu Âu (ENQA) và Bộ tiêu chuẩn và Hướng dẫn về đảm bảo chất lượng (ESG) trong hệ giáo dục đại học Châu Âu (EHEA). Ngoài các cơ sở đào tạo và nghiên cứu của Pháp, HCERES còn tham gia đánh giá các cơ sở đào tạo và nghiên cứu của các quốc gia thuộc EHEA. Trung bình hàng năm HCERES đánh giá và kiểm định 50 cơ sở đào tạo, tổ chức nghiên cứu; 630 đơn vị nghiên cứu; 600 chương trình đào tạo đại học; 300 chương trình đào tạo thạc sĩ và 70 chương trình đào tạo tiến sĩ.
HCERES cũng đã thực hiện đánh giá và kiểm định quốc tế đối với các trường đại học nước ngoài, các tổ chức giáo dục của Pháp ở nước ngoài, các đơn vị nghiên cứu hỗn hợp quốc tế.
Bộ tiêu chuẩn của HCERES dùng cho đánh giá các cơ sở giáo dục đại học và nghiên cứu ở nước ngoài gồm 6 lĩnh vực: Chiến lược và quản trị (sứ mạng, chiến lược phát triển, tổ chức thực hiện chiến lược, truyền thông); đào tạo và nghiên cứu khoa học (chính sách đào tạo, nghiên cứu, các loại hình đào tạo đáp ứng nhu cầu của người học); quá trình đào tạo và định hướng hội nhập nghề nghiệp (môi trường học tập và quản lý đào tạo); quan hệ đối ngoại; quản lý và điều hành (hệ thống tài chính, tài sản, nhân lực, hệ thống thông tin); chất lượng và đạo đức (chính sách đảm bảo chất lượng, đạo đức trong đào tạo và nghiên cứu).
Đà Nẵng “tuýt còi” trường dạy bồi dưỡng thi chọn học sinh giỏi trong hè
Phòng GD-ĐT quận Hải Châu, Đà Nẵng vừa yêu cầu trường THCS Nguyễn Huệ dừng các chương trình ôn tập hè cho học sinh của trường này do có những nội dung không phù hợp với chủ trương của ngành.
Theo thông báo của trường THCS Nguyễn Huệ, trong dịp hè 2017, trường tổ chức lớp bồi dưỡng học sinh (HS) giỏi và lớp học thêm nâng cao các môn Toán, Ngữ Văn, Lý, Hóa, Tin học... với mức học phí là 200.000 đồng/tháng/HS. Riêng môn Anh văn là 400.000 đồng/tháng/HS. Trường này cũng thông báo sẽ tổ chức thi chọn HS giỏi để bổ sung đội tuyển HS giỏi của trường; và HS nào không tham gia bồi dưỡng hè thì không được tham gia đội tuyển HS giỏi của trường năm học 2017 - 2018.
Tiếp nhận thông tin hoạt động tổ chức dạy thêm, học thêm trong hè của trường học trên địa bàn, bà Trần Thị Thúy Hà - Trưởng Phòng GD-ĐT quận Hải Châu cho rằng việc tổ chức dạy thêm, học thêm ngay tại trường và mức học phí như vậy là phù hợp. Tuy nhiên, việc nhà trường tổ chức thi chọn HS giỏi từ các HS học hè và nêu HS nào không tham gia bồi dưỡng hè thì không được tham gia đội tuyển HS giỏi của trường là “phản cảm”. Vì như vậy là bắt buộc HS phải học bồi dưỡng trong hè tại trường thì mới được thi chọn vào đội tuyển HS giỏi của trường; trong khi theo chủ trương của ngành, việc học thêm dạy thêm là tự nguyện. Thậm chí, ngành GD thành phố đã có chủ trương trả lại trọn vẹn 3 tháng hè cho HS.
Từ ngày 15/6, Hà Nội bắt đầu tuyển sinh trực tuyến đầu cấp 2017
Thời gian đăng ký tuyển sinh trực tuyến đầu cấp của TP Hà Nội bắt đầu từ ngày 15/6 đến hết 26/6. Nhằm tránh tình trạng bị quá tải do lỗi mạng, Sở GD&ĐT Hà Nội đã phân chia thời gian nhận đăng ký tuyển sinh của từng cấp học.
Ông Phạm Văn Đại - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, hiện tại công tác chuẩn bị đã được các Phòng Giáo dục cùng với các cơ sở giáo dục trực thuộc triển khai với đầy đủ hệ thống trang thiết bị, sẵn sàng phục vụ cho việc nộp hồ sơ qua mạng của phụ huynh.
Năm học 2017 - 2018, Hà Nội dự kiến tuyển khoảng 452.000 trẻ mẫu giáo, 145.000 học sinh lớp 1 và gần 109.000 học sinh lớp 6. |
Vị phó Giám đốc Sở nhấn mạnh: “Phần mềm tuyển sinh trực tuyến đã cơ bản hoàn thiện. Các thủ tục để đăng ký xét tuyển theo hình thức trực tuyến đã được thử nghiệm khá trơn tru và dễ thao tác. Các bậc phụ huynh chỉ cần làm theo đúng hướng dẫn và có thể yên tâm rằng, hồ sơ nộp sẽ tới đúng địa chỉ khi trong khi làm thủ tục đều có phản hồi, xác nhận từ phía nhà trường”.
Năm học 2017 - 2018, toàn thành phố dự kiến tuyển khoảng 452.000 trẻ mẫu giáo, 145.000 học sinh lớp 1 và gần 109.000 học sinh lớp 6.
Các trường mầm non, tiểu học và THCS trên địa bàn áp dụng thống nhất và duy nhất một phương thức tuyển sinh vào các lớp đầu cấp. Tức là xét tuyển theo tuyến tuyển sinh do UBND cấp quận, huyện, thị xã quy định theo từng năm học.
Hiệu trưởng thu tiền chế độ của học sinh trái quy định
Ngày 15/6, ông Nguyễn Phúc Phận - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum cho biết, Sở vừa có văn bản về việc yêu cầu ông Lý Thế Quyền (Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Kon Tum) hoàn trả lại 376 triệu đồng tiền dạy phụ đạo cho học sinh trái quy định.
Trước đó, giáo viên trong trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Kon Tum bức xúc việc ông Quyền tổ chức thu tiền dạy phụ đạo trái quy định, có dấu hiệu vi phạm pháp luật đã làm đơn tố cáo lên cấp trên.
Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Kon Tum |
Sau khi xác minh, kết quả cho thấy: Năm 2016-2017, ông Quyền chỉ đạo giáo viên trong trường dạy phụ đạo cho 307 em học sinh khối lớp 10, 11 và thu 100 nghìn đồng/em/tháng. Riêng học sinh khối lớp 12 có 114 em, trường này dạy phụ đạo và ôn thi trung học phổ thông quốc gia từ tháng 9/2016 đến tháng 3/2017 nên thu 800 nghìn đồng/em/tháng.
Theo ông Phận, việc thu tiền phụ đạo trên là trái quy định vì số tiền này được ông Quyền chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm trừ tiền chế độ hàng tháng (920 nghìn đồng/em/tháng) do nhà nước hỗ trợ học sinh dân tộc thiểu số.
6 sinh viên Y dược bị đuổi học vì gian lận hồ sơ
Sau quá trình hậu kiểm, trường ĐH Y dược TPHCM phát hiện 6 sinh viên dạng ưu tiên cử tuyển không phải là con em đồng bào dân tộc thiểu số mà là người Kinh. Nhà trường đã có quyết định buộc thôi học đối với những sinh viên này.
Mới đây, PGS-TS Trần Diệp Tuấn, Hiệu trưởng trường ĐH Y Dược TPHCM đã ký ban hành quyết định số 1230/QĐ-ĐHYD buộc thôi học 6 sinh viên của tỉnh Bình Phước đang theo học tại trường này trong năm học năm 2016-2017 vì không có tên trong danh sách được tỉnh này cử đi học.
Sau khi hậu kiểm, trường ĐH Y dược TPHCM có quyết định vuộc thôi học với 6 sinh viên có hành vi gian lận hồ sơ là người dân tộc thiểu số |
Trước đó, ngày 19/10/2016, trường ĐH Y dược TPHCM cũng đã có công văn số 1090/ĐHYD- ĐT gửi UBND tỉnh Bình Phước về việc xác minh hồ sơ sinh viên cử tuyển. Lí do được trường đưa ra vì sau khi kiểm tra hồ sơ học sinh diện cử tuyển năm 2014, nhà trường nhận thấy UBND tỉnh Bình Phước có gửi Quyết định số 2125/ QD- UBND ngày 10/10/2014 về việc cử tuyển học sinh đi học ĐH- CĐ năm 2014 và 2 danh sách: danh sách 11 học sinh của UBND tỉnh Bình Phước và danh sách 7 học sinh chỉ đóng dấu treo của UBND tỉnh Bình Phước…
Qua xác minh, tỉnh Bình Phước đã có văn bản xác nhận hồ sơ lưu của 6 sinh viên này tại tỉnh không trùng khớp với hồ sơ mà nhà trường có được. Từ thông tin đó, lãnh đạo trường ĐH Y dược TPHCM đã ra quyết định đuổi học các sinh viên này.