Hà Nội: 93% trẻ mắc sởi chưa tiêm phòng, cảnh báo biến chứng nguy hiểm của sởi
Bệnh nhân sởi của Hà Nội phân bố rải rác tại 100/584 xã, phường của 25/30 quận, huyện, chưa ghi nhận ổ dịch tập trung. Lứa tuổi mắc bệnh chủ yếu ở nhóm trẻ dưới 9 tháng tuổi và lứa tuổi trên 5 tuổi (146 trường hợp chiếm 76%). Đặc biệt đáng lưu ý, đến 93% số đối tượng mắc bệnh do chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.
Tiêm vắc xin đúng lịch, đủ số mũi để phòng sởi hiệu quả. Ảnh: H.Hải |
Tại các bệnh viện, số trẻ nhập viện cũng có chiều hướng gia tăng. GS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết riêng tháng một năm 2019, bệnh viện đã tiếp nhận hơn 200 ca sởi đến khám và điều trị. So với cùng kỳ năm 2018 số mắc sởi tăng gấp hơn 2 lần (86 ca mắc). Trong đó, hơn 90% bệnh nhân chưa được tiêm phòng hoặc tiêm chưa đầy đủ.
Trong khi đó, sởi là một bệnh truyền nhiễm vô cùng dễ lây. Hầu như những người chưa từng mắc sởi, tiếp xúc nguồn lây đều có nguy cơ lây bệnh. Đặc biệt GS Kính cảnh báo các biến chứng nguy hiểm của sởi, nhất là ở những trẻ có miễn dịch kém, sẵn bệnh lý nền.
Biến chứng sởi trẻ em ám ảnh nhất với bác sĩ là biến chứng viêm phổi, viêm thanh quản gây phù nề khiến trẻ khó thở, tắc thở. Nhiều trẻ khi đến bệnh viện đã ngừng thở, bác sĩ phải cấp cứu 2 tiếng liên tục. Biến chứng viêm phổi cũng gây ra số ca tử vong nhiều nhất so với các biến chứng khác, như vụ dịch sởi năm 2014 đã khiến hơn 100 trẻ tử vong vì biến chứng này.
Biến chứng viêm não cũng rất nghiêm trọng, xảy ra ở cả ngời lớn và trẻ em. Biến chứng viêm não có thể để lại những di chứng nặng nề cả đời cho người mắc bệnh, khiến từ một người khỏe mạnh bình thường sau khi mắc sởi, bị biến chứng có những di chứng về thần kinh khó phục hồi.
Ngoài ra, biến chứng tiêu chảy, mắt mũi kèm nhèm cũng rất hay gặp ở sởi, phải hết sức chú ý chăm sóc phòng nguy cơ mất nước, trụy mạch.
Chủ động thực hiện tiêm chủng vắc xin, đây là biện pháp phòng bệnh đặc hiệu và tốt nhất phòng bệnh sởi. Theo đó, trẻ từ 9-12 tháng tuổi cần được tiêm vắc xin phòng sởi mũi 1, tiêm nhắc lại mũi 2 khi trẻ đủ 18 tháng tuổi. Trẻ trên 5 tuổi và người lớn chưa được tiêm vắc xin sởi cần được tiêm vắc xin tại các điểm tiêm chủng dịch vụ, nếu không tiêm sẽ có nguy cơ rất cao mắc bệnh sởi. Không nên tập trung nơi đông người, đeo khẩu trang, thường xuyên vệ sinh đường mũi, họng, mắt hàng ngày, không dùng chung vật dụng cá nhân (khăn mặt, bàn chải, kính, cốc, chén, bát, đũa ...) để phòng bệnh.
Thường xuyên mở cửa sổ, cửa chính để ánh nắng chiếu vào và đảm bảo thông khí thoáng cho nhà ở, phòng học, nơi làm việc.
Khi có các dấu hiệu của bệnh sởi (sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban) cần cho trẻ nghỉ học, sớm cách ly với mọi người xung quanh và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời.
Trong thời gian mắc bệnh, bệnh nhân nên uống nhiều nước lọc, nước hoa quả, vệ sinh răng miệng sạch sẽ, ở phòng riêng cách ly, ăn uống đủ chất, tắm hoặc lau rửa người bằng nước ấm, theo dõi chặt kịp thời phát hiện nguy cơ biến chứng.