Giúp dân, chỉ nhận tấm lòng...
Cảm phục Bộ đội Cụ Hồ
Sau bão số 10, Trường Tiểu học Kỳ Trinh và Trường Mầm non Kỳ Trinh (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) bị tàn phá, cây cối đổ ngổn ngang, hoang tàn. Toàn bộ mái ngói của trường bị tốc, đến giàn che nhà để xe cũng bị đổ sập. Sư đoàn 324 (Quân khu 4) đã điều động 30 cán bộ, chiến sĩ về trường khắc phục hậu quả để các em học sinh sớm được quay trở lại học. Cô giáo Nguyễn Thị Lệ Thủy, Hiệu trưởng Trường Mầm non Kỳ Trinh chỉ ra dãy phòng học vừa được các cán bộ, chiến sĩ lợp lại, kể với chúng tôi: "Sau bão, nhìn cảnh ngôi trường đổ nát mà lòng tôi hoang mang và xót xa. Nhưng sau đó, tôi nhận được tin có cán bộ, chiến sĩ quân đội đến giúp đỡ nhà trường khắc phục thì an tâm rất nhiều. Các anh làm việc tận tình, đến sớm về muộn, không nề hà bất cứ việc gì. Chỉ sau ba ngày, ngôi trường cơ bản được phục hồi và hoạt động dạy học trở lại vào sáng 19-9. Nhà trường thấy các cán bộ, chiến sĩ làm việc vất vả nên đã ngỏ ý trích quỹ của nhà trường để cải thiện bữa ăn, nhưng chỉ huy đơn vị nhất quyết từ chối, khiến chúng tôi càng cảm phục”...
Phút giải lao của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 335 với các cô giáo Trường Mầm non Kỳ Hà, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. |
Không riêng Trường Mầm non Kỳ Trinh, hàng chục công trình công cộng trên địa bàn thị xã Kỳ Anh cũng thiệt hại nghiêm trọng. Những ngày qua, lực lượng của Sư đoàn 324 đã phân bổ về các địa điểm này để khắc phục hậu quả, giúp đỡ nhân dân. Phường Kỳ Trinh có gần 1.800 ngôi nhà bị tốc mái, 200 hộ dân bị ngập nước do thủy triều, cơ sở hạ tầng của 3 ngôi trường trên địa bàn đều bị hư hại nghiêm trọng... Nhưng nhờ có cán bộ, chiến sĩ quân đội đến giúp khắc phục hậu quả, địa phương bước đầu ổn định được tình hình, người dân không phải chịu cảnh "màn trời chiếu đất”. Ông Trần Anh Đàn, Chủ tịch UBND phường Kỳ Trinh, nói: “Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 324 nhất định chỉ nhận tấm lòng của nhân dân, chứ không nhận bất cứ quà vật chất gì. Chúng tôi rất biết ơn và cảm kích!”.
Tại Trường THCS Kỳ Trinh, thầy Trần Anh Đăng cùng với bộ đội xây lại đoạn bờ rào ngã đổ, nói: “Bão qua, toàn bộ 20 phòng học bị tốc mái, mái tôn của nhà hiệu bộ, nhà xe đều bị bão cuốn đi. Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 335 đã giúp nhà trường khắc phục toàn bộ, học sinh được trở lại đi học bình thường”.
Căn nhà của bà Nguyễn Thị Châu (74 tuổi, ở tổ dân phố Tây Trinh, phường Kỳ Trinh) nằm lọt thỏm giữa cánh đồng. Bà Châu sống một mình, không có con. Bão tan, từ nơi sơ tán trở về, căn nhà nhỏ của bà chỉ còn 4 bức tường trơ trọi. Cả ngày 20-9, cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn 324 đã giúp bà dựng lại căn nhà chắc chắn hơn trước. Gia đình ông Nguyễn Hồng Tiến và bà Nguyễn Thị Nhung (tổ dân phố Đông Trinh, phường Kỳ Trinh) cũng được bộ đội giúp sửa lại. Cảm động, ông Tiến làm mấy câu thơ thật bình dị mà tràn đầy yêu thương tặng cán bộ, chiến sĩ: Bão tan, bộ đội về làng/ Giúp dân dựng lại biết bao công trình/ Mồ hôi thấm đẫm áo xanh/ Để quân-dân mãi đậm tình sắt son...
Giúp dân trên địa bàn biên giới
Từ TP Đồng Hới (Quảng Bình), ngược Đường Hồ Chí Minh, sau 3 giờ di chuyển, chúng tôi cũng đến được xã biên giới Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Tiếp chúng tôi, ông Hồ Phin, Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa khuôn mặt buồn rười rượi. Mấy ngày lăn lộn theo bão, hầu hết các cán bộ của xã gần như đã kiệt sức. Bão số 10 gây thiệt hại hết sức nặng nề với đồng bào nơi đây, 27 nhà bị sập hoàn toàn, 190 nhà bị tốc mái, gần 50 ngôi nhà khác bị đổ sập một phần, xiêu vẹo… Chủ tịch UBND xã cho biết: "Xã còn 3 bản là Dộ, Tà Vờng, Lòm, chưa thể liên lạc được. Chúng tôi đã phải lập đoàn công tác, đi bộ 30 cây số xác minh cũng phải mất hai ngày. Chưa bao giờ bà con phải hứng chịu một cơn bão lớn đến vậy".
Ngay sau khi bão qua, gần 100 cán bộ, chiến sĩ Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Bình, cùng cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Minh Hóa, lực lượng dân quân xã Trọng Hóa đã cơ động đến các bản giúp dân khắc phục thiệt hại. Thượng tá Nguyễn Văn Quý, Phó chủ nhiệm Chính trị Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Bình, cho biết: “Gần 3 ngày bám trụ ở địa bàn Trọng Hóa, các lực lượng đã phối hợp dựng và lợp lại mái 46 ngôi nhà, thu dọn gây cối ngã đổ… Hiện các lực lượng đã chia thành nhiều tổ đi sâu vào các bản tiếp tục giúp đỡ bà con khắc phục hậu quả do bão gây ra”.
Theo thống kê, huyện Minh Hóa có 125 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, trong đó xã Trọng Hóa có nhà bị đổ sập nhiều nhất. Ngoài ra, một số thôn bản chưa ghi nhận thiệt hại vì chưa thể liên lạc được. “Hiện huyện đang tập trung mọi nguồn lực khắc phục thiệt hại tại các trường học, trạm y tế và các nhà dân bị đổ sập, tốc mái. Tuy nhiên số lượng nhà dân bị hư hỏng là quá nhiều nên rất cần sự hỗ trợ của trên, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh”-Ông Đinh Hữu Niên, Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa chia sẻ.