Giữ vững vai trò nòng cốt trong xây dựng khu vực phòng thủ
Ngay từ khi có Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị, Nghị định 152 của Chính phủ về xây dựng khu vực phòng thủ (KVPT), Bộ CHQS tỉnh Hà Nam đã tích cực tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của trên về xây dựng KVPT đến các tầng lớp nhân dân và mọi cán bộ, chiến sĩ trong LLVT; tổ chức nghiên cứu, tham mưu với Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành chương trình hành động triển khai thực hiện, UBND tỉnh ra chỉ thị về việc quy hoạch thế trận quân sự KVPT tỉnh.
Đại biểu lãnh đạo địa phương và Bộ CHQS tỉnh Hà Nam động viên thanh niên huyện Thanh Liêm lên đường nhập ngũ năm 2017. Ảnh: QUỐC CHÍNH. |
Các đề án thực hiện các văn bản pháp quy về quốc phòng, kế hoạch xây dựng lực lượng dự bị động viên (DBĐV), dân quân tự vệ (DQTV) trong các trạng thái quốc phòng được triển khai xây dựng, tổ chức thực hiện hiệu quả.
Xác định tiềm lực chính trị-tinh thần là yếu tố quan trọng hàng đầu tạo nên sức mạnh tổng hợp trong KVPT, Bộ CHQS tỉnh Hà Nam đã tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp xây dựng tiềm lực chính trị-tinh thần. Trên cơ sở quán triệt, nắm vững quan điểm cơ bản của Đảng về KVPT, cấp ủy các cấp đã xây dựng chương trình hành động với nội dung toàn diện về xây dựng KVPT. Trong đó, hết sức coi trọng xây dựng tiềm lực chính trị-tinh thần, làm cơ sở để tăng cường các tiềm lực, nguồn lực trong KVPT. Để thực hiện tốt vấn đề trên, các cơ quan, đơn vị tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, chăm lo bồi dưỡng, giáo dục kiến thức quốc phòng-an ninh (QP-AN) cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, để các tầng lớp nhân dân có nhận thức đúng, đầy đủ về nhiệm vụ, trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Điểm nổi bật trong công tác này là cơ quan quân sự (CQQS) đã tham mưu cho Hội đồng Giáo dục QP-AN các cấp tích cực đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức giáo dục QP-AN cho các đối tượng, phân cấp rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành về bồi dưỡng, giáo dục QP-AN cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tiến hành lồng ghép chương trình đào tạo, tập huấn cán bộ công chức, viên chức, đảng viên với chương trình giáo dục QP-AN, phát huy tốt vai trò, chức năng của trường chính trị tỉnh và trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thành phố trong đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ có kiến thức toàn diện về kinh tế, chính trị, quân sự. Chỉ đạo việc lựa chọn, cử cán bộ, đảng viên tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN, thông qua đó đã góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý Nhà nước về quốc phòng cho đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân xây dựng nền quốc phòng địa phương, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc.
Thực hiện chủ trương tăng cường tiềm lực kinh tế, Bộ CHQS tỉnh đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với tăng cường QP-AN, qua đó vừa thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, vừa chú trọng tạo ra cơ sở vật chất-kỹ thuật ngày càng lớn cho KVPT. Trong lĩnh vực này, công tác tham mưu đã được cụ thể hóa vào trong các chỉ thị, nghị quyết lãnh đạo, trong chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Theo đó, CQQS các cấp đã tập trung nghiên cứu, tham mưu xây dựng quy hoạch tổng thể, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương gắn kết chặt chẽ với quy hoạch thế trận quân sự trong KVPT tỉnh, huyện, bảo đảm hợp lý, hài hòa cả lợi ích kinh tế-xã hội và tăng cường tiềm lực QP-AN. Sự kết hợp kinh tế-xã hội với QP-AN của tỉnh được chú trọng ở tất cả các ngành, các lĩnh vực, các địa phương, nhất là ngành kinh tế mũi nhọn, có tính lưỡng dụng cả về kinh tế và quốc phòng. Quá trình thực hiện, CQQS các cấp luôn phối hợp với cơ quan chức năng tham gia khảo sát, thẩm định và giám sát chặt chẽ việc triển khai thực hiện các dự án phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn; nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về QP-AN, bổ sung, điều chỉnh kịp thời, phù hợp với thực tế. Nhờ đó, những năm qua, toàn tỉnh đã hoàn thành quy hoạch các vùng kinh tế trọng điểm đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trong 5 năm gần đây hơn 13,2%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, bộ mặt địa phương từng ngày thay da đổi thịt, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện, nâng cao rõ rệt, tạo ra tiền đề vật chất, nhân lực quan trọng trong xây dựng và hoạt động của KVPT.
Trong công tác xây dựng tiềm lực quân sự, tỉnh đã từng bước hoàn thiện, vận hành tốt cơ chế lãnh đạo về nhiệm vụ QP-AN. Thực hiện nội dung này, CQQS các cấp đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương, ban, ngành nâng cao chất lượng công tác huấn luyện và diễn tập KVPT tỉnh, huyện; diễn tập tác chiến-trị an xã của các xã, phường, thị trấn và diễn tập phòng, chống lụt bão, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn theo đúng quy định. Qua diễn tập đã nâng cao vai trò, trách nhiệm, năng lực quản lý, điều hành hoạt động tác chiến KVPT của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể trong toàn tỉnh, đồng thời rút ra bài học kinh nghiệm, có biện pháp thiết thực để tiếp tục hoàn thiện vận hành cơ chế hoạt động, chỉ đạo quản lý, tổ chức thực hiện nhiệm vụ QP-AN, xây dựng KVPT ngày càng hiệu quả hơn.
Trên cơ sở quy hoạch tổng thể, CQQS đã tham mưu cho tỉnh hoàn thành Đề án xây dựng thế trận quân sự KVPT tỉnh, huyện, thành phố, giai đoạn 2015-2020, lập kế hoạch đầu tư xây dựng các công trình quốc phòng trong KVPT tỉnh, huyện; tập trung ưu tiên xây dựng các công trình trọng điểm, căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương, KVPT then chốt… Các phương án, kế hoạch tác chiến phòng thủ của các cấp được xây dựng khoa học và thường xuyên có sự điều chỉnh, bổ sung phù hợp với thực tế tình hình; đồng thời đầu tư tu bổ và quản lý chặt chẽ các công trình quốc phòng, nhất là các hang động tự nhiên có giá trị quân sự, tạo dựng thế trận vững chắc đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cả trong thời bình và thời chiến.
Trong những năm tới, Bộ CHQS tỉnh Hà Nam xác định tiếp tục quán triệt và tham mưu hiệu quả với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị và các nghị định của Chính phủ về xây dựng KVPT vững chắc, trong đó tập trung xây dựng LLVT địa phương vững mạnh toàn diện, thực sự là lực lượng nòng cốt trong xây dựng KVPT, làm tròn chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương về xây dựng, hoạt động trong KVPT; chỉ đạo, chỉ huy chặt chẽ, hiệu quả công tác xây dựng, hoạt động của các lực lượng DBĐV, DQTV. Xây dựng CQQS tỉnh, huyện, thành phố vững mạnh toàn diện. Thường xuyên bổ sung, hoàn thiện các kế hoạch, phương án tác chiến, không ngừng nâng cao trình độ, sức mạnh sẵn sàng chiến đấu, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao./.