Giồng Riềng phấn đấu sớm đạt huyện NTM
Dù không phải là huyện điểm của tỉnh nhưng Giồng Riềng vẫn quyết tâm sớm trở thành huyện NTM vào năm 2020 |
Ông Trần Ngọc Khải, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Giồng Riềng phấn khởi cho biết, thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2015, huyện đã đạt được nhiều kết quả bươc đầu. Cụ thể kinh tế - xã hội có bước phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân tiếp tục được nâng lên; hệ thống chính trị được củng cố, tăng cường; an ninh - trật tự, an toàn xã hội được giữ vững.
Đến nay, toàn huyện có 7/18 xã đạt chuẩn NTM, gồm Hòa Hưng, Hòa Lợi, Hòa An, Ngọc Chúc, Thạnh Hưng, Thạnh Lộc và Hòa Thuận; các xã còn lại trung bình đạt từ 13 tiêu chí trở lên. Những tiêu chí còn lại chưa đạt chủ yếu là nhà ở, hộ nghèo, bảo hiểm y tế và môi trường.
Trong 9 tiêu chí huyện NTM, Giồng Riềng đã đạt 7 tiêu chí gồm quy hoạch (tiêu chí số 1), giao thông (2), thủy lợi (3), điện (4), sản xuất (6), an ninh trật tự (8), chỉ đạo xậy dựng NTM (9). Còn 2 tiêu chí chưa đạt là y tế - văn hóa - giáo dục (5) và môi trường (7).
Từ nay đến cuối năm 2017, huyện Giồng Riềng phấn đấu có thêm 4 xã được công nhận là Long Thạnh, Ngọc Thành, Thạnh Bình và Thạnh Phước. Theo ông Khải, đây là các xã đã được huyện thẩm định bước 1 đủ điều kiện, đang chuẩn bị thẩm định bước 2 có sự tham gia của Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh. Sau đó sẽ thông qua hội đồng để trình UBND tỉnh ra quyết định công nhận chính thức.
Để trở thành huyện NTM, theo quy định hiện hành, ngoài yêu cầu 100% số xã trong huyện đạt chuẩn thì đòi hỏi huyện phải đạt 9 tiêu chí nêu trên. Đây là điều kiện khó đối với huyện có địa bàn rộng, số xã nhiều nhất tỉnh Kiên Giang, lên tới 18 xã, 1 thị trấn (gấp đôi so với bình quân của tỉnh).
Vì vậy, Giồng Riềng đã xây dựng lộ trình rất cụ thể, cũng như có chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông, thủy lợi và hỗ trợ phát triển sản xuất. Lộ trình cụ thể đưa các xã còn lại về đích NTM đã được HĐND huyện thông qua như sau: năm 2017, 4 xã nêu trên; năm 2018, 3 xã Thạnh Hòa, Ngọc Hòa, Ngọc Thuận; năm 2019, 2 xã Bàn Thạch, Bàn Tân Định; năm 2020, 2 xã Vĩnh Thạnh và Vĩnh Phú; riêng thị trấn Giồng Riềng đạt chuẩn đô thị loại 4.
Chủ tịch HĐND huyện Giồng Riềng Châu Minh Chiến cho biết, về cơ sở vật chất hạ tầng, huyện sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng mới, duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó chú trọng xây dựng trường học, giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng, hệ thống điện lưới và mở rộng hệ thống thu gom chất thải, nước thải trong khu dân cư.
Tổ chức thực hiện tốt đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Phấn đấu đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt từ 50 triệu đồng/người/năm trở lên. Giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 2%; tỷ lệ người trong độ tuổi lao động có việc làm thường xuyên từ 90% trở lên.
Để xây dựng thành công huyện NTM, rất cần được sự đồng thuận cũng như vào cuộc tích cực của người dân. Do đó, Ban chỉ đạo Chương trình MTQG Xây dựng NTM huyện Giồng Riềng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú, nhằm để mọi người thấy rõ quyền lợi và nghĩa vụ, tích cực tham gia đóng góp ý kiến, góp tiền, đất đai và sức lao động.
Ngoài ra, vận động nhân dân tích cực tham gia các tổ chức kinh tế tập thể, phát triển sản xuất, kinh doanh để tăng thu nhập; thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, bảo vệ môi trường...
Huyện cũng thực hiện nhiều chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất như xây dựng cánh đồng lớn, cải tạo vườn tạp, bơm tưới tập thể bằng mô tơ điện... Chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện, tập trung theo quy hoạch, đa dạng các mô hình sản xuất phù hợp trên các loại đất để khai thác tốt tiềm năng đất đai, sức lao động. Cân đối phát triển giữa trồng trọt với chăn nuôi, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến và xuất khẩu.
Mô hình trồng tiêu trên trụ tràm sống thay thế vườn tạp mang lại hiệu quả kinh tế cao |
Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, phát triển cơ giới hóa, điện khí hóa trong sản xuất, củng cố, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, gắn với thực hiện cánh đồng sản xuất quy mô lớn, có hợp đồng cung cấp vật tư đầu vào và bao tiêu đầu ra. Vận động nhân dân sản xuất theo mô hình đa canh tổng hợp để tăng thu nhập trên cùng diện tích, hạ giá thành sản xuất, nâng cao lợi nhuận.
Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân xây dựng thương hiệu cho các loại cây trồng, vật nuôi, sản phẩm phi nông nghiệp chủ lực có giá trị kinh tế cao, hình thành và phát triển kinh tế trang trại, hợp tác xã và doanh nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, cơ khí phục vụ nông nghiệp.
Khuyến khích các doanh nghiệp đến đầu tư, liên kết, liên doanh, ký kết hợp đồng cung ứng vật tư và tiêu thụ nông sản, mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và nông dân.