Giáo viên tố hiệu trưởng nhận tiền chạy việc bằng… vay, mượn?
Chạy 120 triệu đồng đi dạy, nhận lương 1 triệu đồng
Sáng nay 14/3, một lãnh đạo Công an huyện Ea Kar (Đắk Lắk) xác nhận, đơn vị đã nhận được đơn tố cáo của ông N.V.M (trú xã Ea K’mút, huyện Ea Kar) tố hiệu trưởng Trường THCS Ngô Mây (xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk) nhận tiền để chạy việc, lo cho con ông được di dạy.
Theo lãnh đạo Công an huyện Ea Kar, ông M. cung cấp một số giấy vay tiền, giấy nhận nợ, khất nợ chứ không có giấy tờ nhận tiền chạy việc nên công an huyện hướng dẫn ông M. khởi kiện ra tòa để đòi tiền.
Một người thân của giáo viên hợp đồng buồn bã khi nhận tin con bị chấm dứt hợp đồng |
Còn theo tố cáo của ông M., năm 2016, ông đã gặp ông H.B. (hiệu trưởng Trường THCS Ngô Mây) để xin cho con gái đi dạy. Lúc này ông B. nói, hiện nhà trường còn một suất biên chế nhưng phải chi 140 triệu đồng. Tin lời, ông M. đã đưa ông cho ông B. tổng cộng 120 triệu đồng.
Con gái ông M. sau đó được Trường THCS Ngô Mây nhận vào dạy hợp đồng với mức lương khoảng 1 triệu đồng/tháng. Do con không được vào biên chế như lời hứa, ông M. đã nhiều lần tìm ông B. để đòi lại tiền nhưng không được. Ông M. sau đó làm đơn tố cáo vị hiệu trưởng này.
Nhiều giáo viên được thông báo chấm dứt hợp đồng là vợ chồng đã giảng dạy nhiều năm, đang nuôi con nhỏ, cuộc sống vô vàn khó khăn |
Sáng cùng ngày, thiếu tướng Trần Kỳ Rơi, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, trước một số phản ánh của giáo viên trên báo chí về việc phải bỏ tiền ra để được ký hợp đồng lao động, công an tỉnh đã giao phòng nghiệp vụ lập kế hoạch xác minh, làm rõ.
Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk còn cho biết, việc hợp đồng dôi dư hàng trăm giáo viên tại huyện Krông Pắk, nếu Ủy ban Kiển tra Tỉnh ủy chuyển hồ sơ hoặc có dấu hiệu hình sự thì công an tỉnh sẽ vào cuộc điều tra. Ngoài ra, nếu các giáo viên có đơn tố cáo trực tiếp thì công an tỉnh sẽ điều tra ngay.
Đời chủ tịch huyện nào chịu trách nhiệm?
Về việc ký dôi dư hơn 600 giáo viên, nhân viên trường học hợp đồng tại huyện Krông Pắk, theo tìm hiểu trải dài qua 3 đời chủ tịch huyện.
Việc ký dôi dư giáo viên bắt đầu từ năm 2005-2016.
Theo đó, khi ông Trần Ngọc Thanh lên làm chủ tịch UBND huyện Krông Pắk (nhiệm kỳ 2005-2011) đã ký hợp đồng dư thừa hàng chục giáo viên.
Đến thời kỳ ông Nguyễn Sỹ Kỷ (chủ tịch UBND huyện nhiệm kỳ 2011-2016) đã vung bút ký khoảng hơn 400 hợp đồng.
3 đời chủ tịch huyện Krông Pắk ký tuyển dụng dư thừa hơn 600 giáo viên, nhân viên trường học hợp đồng |
Nguồn cơn của sự bất thường này, lãnh đạo Huyện ủy Krông Pắk cho biết, trước thời điểm năm 2011, việc tuyển dụng, bổ nhiệm đều phải báo cáo lên huyện ủy; phải được sự nhất trí, thông qua của Ban thường vụ Huyện ủy mới được tuyển dụng.
Tuy nhiên, từ sau năm 2011 do có quy định mới, việc tuyển dụng, bổ nhiệm tại các đơn vị sự nghiệp được giao quyền cho chủ tịch huyện tự quyết.
Phòng GD&ĐT huyện Krông Pắk nơi bà H'Yer Knul (vợ ông Y Suôn Byă, chủ tịch UBND huyện) từng làm phụ trách phòng |
Không có sự giám sát, nên khi ông Nguyễn Sỹ Kỷ lên làm chủ tịch đã ký, chỉ đạo ký tuyển dụng hàng trăm hợp đồng dẫn đến “quá tải”.
Liên quan đến nhiệm kỳ lãnh đạo của ông Kỷ, năm 2013, Thanh tra Nhà nước tỉnh Đắk Lắk đã tiến hành thanh tra về việc chấp hành Luật Ngân sách nhà nước và thực hiện chính sách pháp luật trong quản lý đầu tư xây dựng cơ bản tại huyện Krông Pắk.
Thanh tra tỉnh sau đó đã có thông báo kết luận số 60, xác định có sai phạm trong việc tuyển dụng cán bộ, giáo viên, nhân viên và bổ nhiệm dư cán bộ quản lý trường học ở huyện này.
Thanh tra tỉnh Đắk Lắk kiến nghị chủ tịch UBND huyện Krông Pắk chấm dứt hợp đồng đối với toàn bộ giáo viên vượt chỉ tiêu biên chế được giao; chỉ đạo các trường chấm dứt toàn bộ các trường hợp giáo viên đã ký hợp đồng ngắn hạn.
Nhiều trường tại huyện Krông Pắk từng phải xé nhỏ lớp để giáo viên có chỗ giảng dạy |
Tuy nhiên, ông Kỷ không thực hiện theo kết luận thanh tra mà vẫn tiếp tục ký thêm hàng trăm hợp đồng với các giáo viên.
Theo lãnh đạo Huyện ủy Krông Pắk, khi có thông báo kết luận thanh tra, bên UBND huyện đã “giấu nhẹm”, không báo cho Ban thường vụ Huyện ủy biết để kiểm tra, chỉ đạo xử lý.
Việc tuyển dụng dư hàng trăm giáo viên thời kỳ ông Nguyễn Sỹ Kỷ làm chủ tịch huyện, trách nhiệm tham mưu thuộc về bà Hoàng Thị Minh (nguyên trưởng Phòng GD&ĐT huyện, đã nghỉ hưu) và ông Trần Đức Lanh (nguyên trưởng Phòng Nội vụ, nguyên Phó chủ tịch UBND huyện). Ông Lanh hiện được điều chuyển lên tỉnh.
Năm 2015, khi chưa hết nhiệm kỳ, ông Nguyễn Sỹ Kỷ bất ngờ được rút về làm Phó Ban Nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk. Lúc này, ông Y Suôn Byă được bổ nhiệm làm Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk từ đó đến nay.
Số phận hàng trăm giáo viên hợp đồng tại huyện Krông Pắk vẫn chưa biết đi về đâu |
Thay vì tập trung chỉ đạo, xử lý số giáo viên dư thưa theo tinh thần kiến nghị của Thanh tra tỉnh, ông Y Suôn Byă lại tiếp tục ký thêm hàng trăm hợp đồng khiến tình trạng dôi dư giáo viên càng thêm trầm trọng.
Nguồn tin của VietNamNet, khi lên làm chủ tịch, chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn, khoảng từ cuối năm 2015 đến đầu năm 2016, ông Y Suôn đã ký, chỉ đạo ký tuyển dụng ồ ạt trên dưới 200 giáo viên hợp đồng.
Lúc này, cuộc khủng hoảng về thừa giáo viên hợp đồng tại huyện Krông Pắk đã lên tới đỉnh điểm. Thừa giáo viên, nhiều trường học đã phải chia nhỏ lớp để giáo viên có chỗ dạy, trong đó nhiều lớp chỉ có 5 học sinh/lớp/giáo viên.
Người đứng đầu Phòng GD&ĐT tham mưu cho lãnh đạo huyện là bà H’Yer Knul (phụ trách Phòng GD&ĐT huyện, vợ ông Y Suôn).
Sau những lùm xùm tố cáo, bà H’Yer sau đó được điểu chuyển sang làm Trưởng phòng Dân tộc huyện Krông Pắk.