Giáo viên nước ngoài lương 2.000 USD, giáo viên Việt bỏ việc vì vướng quy định
Tại buổi làm việc ngày 23/2 với Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó GĐ Sở GD-ĐT TPHCM đã đặt ra vấn đề bất cập của giáo dục thành phố đang “vướng” các quy định từ Trung ương.
Ông Đinh La Thăng trong buổi làm việc với Sở GD-ĐT TPHCM |
Hiện thành phố thuê giáo viên (GV) Philippines vào dạy tiếng Anh trả cho mỗi người 2.000 USD/tháng. Trong khi GV Việt nhiều người giảng dạy được như vậy, thậm chí giỏi hơn nhưng lại không thể trả cao.
Ông Đinh La Thăng nói ngay trả cho Tây được mà ta không được, như vậy là đang để chảy máu ngoại tệ.
“GV chúng ta phải trả theo thang bậc lương và lên lương theo quyết định nâng lương”, ông Nguyễn Văn Hiếu đáp.
Phó GĐ Sở GD-ĐT TPHCM cũng cho biết theo chương trình của Bộ thì tiểu học không có môn tiếng Anh nhưng TPHCM đã đưa tiếng Anh vào dạy ở bậc tiểu học 20 năm nay. Trước đây thu tiền tăng cường tiếng Anh trả cho GV 80%, Sở với Hội đồng Anh tuyển chọn được GV tốt, đội ngũ phấn khởi.
Nhưng gần đây, Bộ GD-ĐT đưa ra quy định GV tiếng Anh tiểu học phải dạy như GV nhiều môn, đảm bảo 23 tiết/tuần. Dạy từ 24 tiết trở lên mới được trả phụ trội. Điều này làm GV tiếng Anh ở TPHCM chán nản, bỏ nghề rất nhiều, tuyển dụng không được.
Giáo viên từ Philippines sang Việt Nam dạy tiếng Anh được trả lương 2.000 USD/tháng (Giáo viên Philipines tham gia tuyển dụng vào Việt Nam dạy tiếng Anh) |
Chưa kể, trong đề án phổ cập năng lực tiếng Anh cho GV thành phố có định hướng chế độ chính sách cho GV tiếng Anh. GV tiếng Anh THPT đạt chuẩn C1, THCS trở xuống đạt B2 thì sẽ được hưởng mức phụ cấp 70% mức lương cơ bản. Nhưng đến nay GV đạt chuẩn vẫn không nhận được khoản này do vướng quy định của bên tài chính là không đưa vào phụ cấp được.
“Biên chế làm gì? Tự trả lương thì tuyển 1.000 người cũng kệ”
Ông Lê Hồng Sơn, GĐ Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, tự chủ về tài chính và tự chủ về nhân sự đang gặp hai vấn đề lớn từ quy định là tự chủ tài chính nhưng vẫn có mức trần. Tự chủ nhân sự nhưng lại bị giao chỉ tiêu biên chế.
Có nhiều vị trí việc làm mới không chức danh như giám thị hay GV tư vấn học đường. Sở GD-ĐT thành phố đề xuất Bộ cho tuyển giám thị nhưng Bộ chưa đồng ý, các trường phải tự lực nguồn kinh phí xã hội hóa để trang trải cho các vị trí này vì nhu cầu thực tế.
Ông Đinh La Thăng nói ngay học phí có mức trần là hợp lý vì đầu tư cho giáo dục phải là phi lợi nhuận. Nhưng còn biên chế, người ta đã tự lo thì biên chế làm gì? Đừng có biên chế gì cả, anh tự trả lương thì anh tuyển 1.000 người cũng kệ miễn là phải đảm bảo chất lượng giáo dục, đảm bảo theo định hướng chương trình.
“Muốn trường nâng cao chất lượng mà đưa ra chỉ từng này người thôi là không được. Không thể cứ động viên người thầy cố gắng đứng lớp, hy sinh vì tình yêu trẻ, vì mục tiêu giáo dục của thành phố mãi được. Cố gắng 1 - 2 tháng, chứ sao có thể cố gắng cả đời? Thầy cô giáo cần tái tạo sức lao động, còn có gia đình, cuộc sống và các nhu cầu khác”, ông Thăng bộc bạch.
Bí thư Đinh La Thăng nhấn mạnh những vấn đề còn vướng mắc, bất cập trong ngành giáo dục của thành phố, Sở phải đề xuất, xin thí điểm thực hiện. Thành phố đi đầu cả nước trong đổi mới, ngành giáo dục càng phải mạnh đổi mới - không phải để cho vui mà để nâng cao chất lượng, để hội nhập.
Lộ trình thực hiện tự chủ nhân sự đến năm 2020 của TPHCM: - Đến năm 2016 có 14 trường cao đẳng, TCCN, trường chuyên biệt, trường mầm non trực thuộc được phân cấp tuyển dụng. - Từ năm 2017 đến 2020 tiếp tục phân cấp trong tuyển dụng đối với các trường chuyên, trường năng khiếu và 24 trường trung học phổ thông trên địa bàn thành phố. - Sau năm 2020, 100% các trường trung học phổ thông thực hiện tự chủ về nhân sự. |