Giáo viên cũng “nghẹn đắng” vì lạm thu
Trừ một vài trường hợp “đặc biệt” ra thì các vấn đề lạm thu trong trường học không liên quan đến giáo viên. Hầu hết đó là hoạt động thu chi từ phía nhà trường và những khoản gọi là thỏa thuận và “tự nguyện” giữa phụ huynh và nhà trường. Thế nhưng, dù muốn hay không, giáo viên vẫn là trung tâm đứng giữa nhà trường và phụ huynh, là “trung gian” của các khoản thu này.
Các cuộc họp phụ huynh đầu năm của các lớp, do giáo viên chủ trì, kiểu gì họ cũng không tránh được việc thông báo về các khoản thu. Mà trước đó, nhiều giáo viên cho biết, họ đã được nhà trường “giới thiệu”, thông báo về các khoản thu này như một hiệu lệnh.
Một buổi họp phụ huynh mà giáo viên phải ghi từng khoản tiền lên bảng để thông tin cho cho mẹ học sinh |
Buổi họp phụ huynh thay vì trao đổi về cách thức giáo dục, kỷ luật, các vấn đề liên quan đến con trẻ thì chuyện “tiền” chiếm thời lượng không nhỏ. Mà ở đó giáo viên và phụ huynh đều không có cảm giác thoải mái. Chưa kể việc giáo viên “nói về tiền” ít nhiều ảnh hưởng đến hình ảnh nhà giáo hay mối quan hệ giữa phụ huynh, giáo viên cũng ít nhiều trở nên dè dặt hơn.
Cô N.T.H., giáo viên ở Nha Trang (Khánh Hòa) chia sẻ, cô đi họp phụ huynh cho con, ngồi ở dưới mà buồn vô cùng cho giáo viên - bởi đó cũng là hình ảnh của mình. Có khi thầy cô phải ra rả giới thiệu, giải thích về các khoản thu mà... chính bản thân thầy cô cũng thấy khó hiểu.
“Tôi khẳng định ngoài tiền lương do ngân sách nhà nước trả, giáo viên không có một khoản nào khác dù có thu gì từ phụ huynh đi nữa. Giáo viên không ai muốn có các khoản thu “vô lý” trong nhà trường và cũng không muốn phải phơi mặt trước phụ huynh để nói về tiền, có khi như phải “đòi” nợ” vậy”, cô H. nghẹn ngào.
Theo cô H, phụ huynh bức xúc cũng dễ hiểu, càng xã hội hóa càng biến tướng. Nhiều trường có những khoản thu vô lí mà giáo viên cũng không tài nào lý giải được. “Có trường, giấy khen các em được nhận, phụ huynh cũng phải bỏ tiền ra in. Có cơ quan ban ngành nào ngoài trường học khen thưởng người ta nhưng thu tiền để in giấy khen không?”, cô H. bức xúc.
Theo cô H., tất cả các khoản thu chi trong nhà trường nên theo quy định chung của ngành. Kể cả bậc tiểu học, có thể thể thu học phí theo quy định cụ thể nhưng không nên thêm khoản “phụ thu” nào khác. Bây giờ tiểu học không đóng học phí nhưng... “phụ phí” thì đầy ra.
Với giáo viên, học sinh đóng tiền muộn, thiếu thì giáo viên vừa phải “hối” phụ huynh, học sinh và còn bị quản lý đánh giá là “chưa hợp tác”.
Giáo viên còn mang nhiều "nỗi oan" từ việc lạm thu trong trường học (Ảnh minh họa) |
Cô H.T.T.P., giáo viên tiểu học, TPHCM cho hay, 13 năm làm giáo viên của mình (4 năm mầm non, 9 năm ở tiểu học), mỗi năm đều chủ trì hai cuộc họp phụ huynh đầu năm và cuối năm. Cô thừa nhận, cuộc họp đầu năm, chủ yếu báo cáo chi tiêu của trường của lớp và thông báo lấy ý kiến các khoản thu như là trách nhiệm “choàng” lên cổ nhà giáo.
Theo cô P., chỉ cần thông qua Ban đại diện cha mẹ học sinh, Trưởng ban đại diện là người ký biên bản ý kiến phụ huynh về các khoản thu là nhà trường ung dung... Còn chi cái gì thì ban giám hiệu sẽ gọi Trưởng Ban đại diện cha mẹ học sinh vào, chủ yếu là ký vào phiếu thu chi.
Cô P. đã từng gặp trường hợp có đôi co qua lại giữa hiệu trưởng và Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh. Lý do là trường chi hết tiền, Hội trưởng không nắm rõ nhưng “được” gọi vào ký. Theo cô P., Hội trưởng hội phụ huynh có trách nhiệm vụ cao nhất là... ký tên vào các phiếu thu chi nhà trường đưa ra.
Cũng như bao nhà giáo khác, cô P. tâm sự, một khi nhà trường không minh bạch, mượn cánh tay kéo dài là Hội phụ huynh để lạm thu... thì kiểu gì giáo viên cũng khó tránh được ảnh hưởng. Đối với học sinh, phụ huynh, giáo viên chính là đại diện, là một phần quan trọng trong môi trường giáo dục đó. Dù chuyện thu chi phần lớn nằm ngoài khả năng của họ.
Nhiều năm gần đây, một số tỉnh thành đã ra quy định yêu cầu các trường tuyệt đối không giao việc thu tiền cho giáo viên. Nhưng chỉ người trong cuộc mới hiểu, đây là quy định trên giấy, nhiều giáo viên vẫn phải trực tiếp thu các khoản tiền từ phụ huynh, học sinh.
Ở nhiều trường, về mặt kỹ thuật, giáo viên đã không phải trực tiếp thu tiền mà có bộ phận kế toán, thủ quỹ. Vậy nhưng, tinh thần “thu chi” vẫn được thể hiện chính qua vai trò của nhà giáo như họp phụ huynh thì phải thông báo, vận động về tiền bạc; phụ huynh nào đóng tiền muộn, giáo viên sẽ được giao trọng trách “hỏi thăm”...
Chưa kể, có người còn đặt ra vấn đề Nếu tăng lương giáo viên thì còn lạm thu không? Hay nếu phụ huynh từ chối đóng các khoản tự nguyện thì trẻ có bị giáo viên "phân biệt" không... làm giáo viên không khỏi nghẹn chát.