Giáng My: Huyền My là con gái tôi thì tôi cũng không chọn làm hoa hậu
- Chào chị Giáng My, ở vai trò là một thành viên Ban giám khảo của nước chủ nhà, chị nghĩ sao về những ưu thế mà Á hậu Huyền My có được ở cuộc thi này?
- Những gì mà Huyền My có được tại cuộc thi này là: lợi thế sân nhà, là gương mặt đại diện của nhà tài trợ chính, được người hâm mộ và truyền thông trong nước quan tâm, thành phần ban giám khảo có người Việt trong đó. Tuy nhiên đó là những gì khán giả nhìn thấy thôi. Tôi nhận ra là việc thi trên sân nhà và được người dân quê hương ủng hộ của Huyền My như một con dao hai lưỡi. Huyền My chịu sức ép rất lớn, chỉ cần hơi chủ quan một chút thôi là kết quả ngược hoàn toàn lại.
Mình rất nhạc nhiên vì qua báo chí thấy được Huyền My có sự chuẩn bị rất kỹ càng. Có huấn luyện viên từ nước ngoài sang giảng dạy đi đứng, ứng xử, quần áo và thậm chí make-up cũng được những chuyên gia hàng đầu thực hiện, tư vấn thì tôi nghĩ không thể xảy ra một sơ sót gì được. Cả hệ thống back-up (hậu phương - PV) rất tốt, chuyên nghiệp. Vậy mà ngay từ những ngày đầu tiên cô ấy đã mắc hàng loạt sai sót như ăn mặc không phù hợp. Trong các hoạt động bình thường như là chụp ảnh dã ngoại thôi mà cũng mặc rất cầu kỳ hay là mặc nhầm lại những trang phục đã từng được rất nhiều người đẹp trong nước diện ở thời điểm rất gần đó, mà những người đó họ lại mặc rất đẹp nữa.
Trong khi đó những thí sinh khác có phong độ khá ổn định, đi ăn trưa thôi mà trang phục, make-up cũng rất chỉn chu, họ không chỉ mặc trang phục cho mình mà còn thể hiện thể diện cho quốc gia, trong khi đó Huyền My mang đôi dép. Tôi nhận ra là bạn ấy có phong độ thi đấu không ổn định. Không thể nói ngày hôm nay không lên sân khấu là không cần make-up. Bản thân hệ thống back-up đã chuyên nghiệp rồi thì mình cũng cần phải có ý thức, giữ hình ảnh thật chỉn chu xứng tầm với cuộc thi quốc tế.
Huyền My được khen ngợi trong phần trình diễn váy dạ hội ở đêm Sơ khảo tối 23/10 |
- Nhiều người cho rằng việc chị ngồi ghế giám khảo là để ưu ái chấm thi cao cho Huyền My?
- Giám khảo người Việt thì có được 2-3 người nhưng giám khảo nước ngoài cử đến thì 6-7 người. Mình thật sự rất thích Huyền My mặc đầm dạ hội trong đêm Sơ kết. Bộ váy dạ hội như đo ni đóng giày cho Huyền My được mình cho điểm khá cao, so với phần thi bikini mình không thể cho cao được. Kinh nghiệm bao nhiêu cuộc thi nhan sắc rồi, đã là người chấm thi chuyên nghiệp rồi thì mình phải công tâm bởi nếu sai thì người cùng trong ban giám khảo nhìn vào sẽ cười.
- Nếu được chọn ai là hoa hậu chung cuộc chị có chọn Huyền My?
- Chắc chắn là không rồi. Mình nghĩ điều đó không phải là ý kiến của một mình mình. Cho dù Huyền My có là con gái ruột của tôi đi thi chăng nữa tôi cũng không thể chọn cô ấy là hoa hậu. Trong một cuộc thi mà bạn nhìn thấy rõ được từ 5-10 thí sinh nổi bật mà phong độ ổn định từ vòng đầu đến vòng cuối thì tôi nghĩ cái khả năng thiên vị gần như không thể xảy ra. Có may mắn chăng là vì Huyền My thi đấu trên đất nước của mình, được khán giả bình chọn cao thì có thể lọt top cao chút thôi. Điều đó có thể xảy ra với bất kỳ một nước nào. Nhưng với một cuộc thi chuyên nghiệp hơn 70 thí sinh tham dự thì khả năng làm hoa hậu chỉ vì lợi thế sân nhà thì không bao giờ có, nếu vậy năm sau chẳng còn ai đi thi cả.
Giáng My đánh giá rất cao tố chất hoa hậu của đương kim Hoa hậu Hòa bình Thế giới 2016 (trái) |
Các giám khảo còn lại người ta cũng không để mình làm vậy, mất uy tín người ta thì sao. Những công ty, những tập đoàn tổ chức, tài trợ chương trình các cuộc thi hoa hậu quốc tế họ sẽ chọn những thí sinh nổi trội từ các châu lục để đưa vào. Nhưng người nổi bật nhất sẽ không bao giờ bị ban giám khảo chọn sai cả. Như đương kim Hoa hậu Hòa bình Thế giới 2016 đó, từ vòng đầu đến bây giờ lúc nào cũng như một nữ hoàng, ngay cả trong bữa ăn trưa vẫn ăn mặc, cử chỉ đúng phong thái hoa hậu thật sự, đầy sự duyên dáng và rất tự tin. Những người như vậy mới được lựa chọn đi khắp thế giới, đại diện cho hình ảnh một Hoa hậu Hòa bình nên sẽ không có một sự ưu ái nào ở đây, trừ khi Huyền My xứng đáng.
- Trường hợp Huyền My lấy lý do sức khỏe không tốt để ít tham gia các hoạt động chung thì chị thấy có hợp lý?
- Nếu bạn ấy lấy lý do sức khỏe để không thể tham gia các hoạt động chung thì quả là đáng tiếc. Vì bạn ấy còn rất là trẻ và trước khi bước vào cuộc thi này bạn phải chuẩn bị rèn luyện thể lực cho thật tốt. Với cả biết bao nhiêu thí sinh từ khắp các châu lục đến đây thi, thức ăn, thời tiết không quen thuộc như ở nhà mà người ta vẫn chịu đựng được thì có lý do gì mình là đại diện chủ nhà mà lại không chịu được. Bạn ấy có cả một hệ thống theo chăm sóc, ê-kíp hỗ trợ mà nói như vậy thì thật sự đáng tiếc.
Có thể có giám khảo người Việt không có cảm tình với Huyền My lắm nhưng đối với mình, mình đã gặp cô bé ngay sau được giải Á hậu (Hoa hậu Việt Nam 2014 - PV). Hai người đã có chuyến đi từ thiện ở Hà Nội, Huyền My lúc đó chưa có sửa soạn gì. Mình có dõi theo thông tin trên mạng về My thấy rất hoàn hảo. Vậy mà không hiểu vì lý do gì mà bạn ấy lại mắc những lỗi cơ bản và có phong độ không ổn định như thế trong cuộc thi này. Có hai điều mà mình nghĩ đến. Một là Huyền My nghĩ rằng mình là đại diện cho nhà tài trợ chính nên hơi chủ quan, hay trong thời gian này có điều gì lo buồn, mất phong độ. Vì là ban giám khảo nên mình không có liên lạc riêng. Cũng hi vọng sau chương trình này bạn trưởng thành hơn rất nhiều. Một cuộc thi sẽ làm bạn học hỏi, trưởng thành và ngay cả trong mọi thứ, muốn thành công trong cuộc sống thì không thể đến từ 1-2 shot quay, vài bức hình photoshop kỹ càng mà nó còn đến từ sự cọ xát thực tế với tất cả mọi người xung quanh mình.
- Từ trước đến nay có hoa hậu nào mà chị thấy là giữ hình ảnh và phong độ tốt nhất chưa?
- Một hoa hậu mà tôi cảm thấy có nhiều tiến triển ổn định nhất là Ngọc Hân - Hoa hậu Việt Nam 2010. Tôi biết bạn ấy từ khi bạn ấy vừa đăng quang, còn là một cô hoa hậu rất “tồ”, chân quê và ngộ nghĩnh. Từ một cô gái có giọng nói ồ ồ như đàn ông mà bạn ấy có thể trở thành một MC, rồi một nhà thiết kế thời trang và có hẳn một loạt các cửa hàng của riêng mình. Mình rất thích những bạn vượt lên chính mình, ''lột xác'' và thành công trong sự nghiệp. Lý do là bạn ấy yêu lao động, sinh ra trong gia đình tử tế và có học thức. Từ những điều ấy mà bạn có đường hướng chính xác để bạn tiến lên.
Trưởng thành là như thế đấy, cuộc thi tốt là phải hướng người ta đến được những cái tốt đẹp, tử tế hoàn thiện dần chứ không phải những chương trình hoa hậu hướng dẫn họ những điều vớ vẩn như người thứ ba, đánh ghen hay tiếp rượu, bón thức ăn vào miệng cho đàn ông… thì mình tắt ngay. Nó không hướng cho con người ta đến điều tốt đẹp. Người ta hi vọng thế hệ trẻ sẽ tiếp xúc với những điều tốt đẹp, vậy mà những chương trình trên truyền hình kiểu như vậy, nó rất phí phạm thời gian, không cần thiết để bật tivi lên xem. Không mang lại giá trị cho bản thân người nào cả.
Giáng My cho rằng việc thí sinh cáo bệnh không tham gia các hoạt động bên lề, không sinh hoạt cùng các thí sinh khác tại một cuộc thi nhan sắc quốc tế là một sự thiệt thòi cho đại diện quốc gia đó.
- Nếu được lựa chọn các thử thách cho chương trình gameshow, cuộc thi về nhan sắc chị sẽ chọn những gì?
- Tôi sẽ chọn những thứ mà giúp ích được cho người thi lẫn khán giả. Chọn các thử thách mà thông qua đó người ta được học hỏi, được trưởng thành hơn. Chẳng hạn như trong cuộc thi năm rồi có thử thách Người đẹp của lòng nhân ái, tôi đã khóc trước những phần thi đó. Thi hoa hậu là phải như vậy, là phải hướng đến lợi ích cộng đồng và những điều nhân văn. Cuộc thi đó nó phải hướng dẫn cho những cô gái còn chưa biết gì, còn đang loay hoay chưa biết mình phải làm gì mới tốt và cần thiết cho xã hội thì định hướng cho các bạn. Ít nhất sắc đẹp mang lại giá trị tốt đẹp cho xã hội. Những thứ tốt đẹp đó như những giọt nước mưa trong lành cho xã hội đã quá nhiều những điều tiêu cực.
Một cuộc thi tổ chức ra tốn tiền, tốn công sức, thời gian thì mình phải tận dụng được những cái tài lực sẵn có đó cho những dự án nhân sinh, xã hội giúp ích cho cộng đồng. Còn biết bao nhiêu trẻ em nghèo đói, thiếu ăn thiếu mặc thì tốn tiền làm gì cho một cuộc thi mà chẳng mang lại lợi ích gì cho ai. Mở cuộc thi ra hàng tháng trời, tốn kém biết bao nhiêu thì phải mang lại lợi ích gì đó cho mọi người. Thậm chí những thử thách, những phần thi thiết thực đó còn giúp các người đẹp trưởng thành hơn, trở thành vẻ đẹp có ích cho xã hội. Đó cũng là cách tôi luyện cho các cô trưởng thành hơn. Chứ đi vào cuộc thi mà suốt ngày nghĩ làm sao để đi đôi giày cao hơn, ăn uống cho sang trọng hơn, nhưng bản thân hỏi đến giá trị bên trong thì chẳng biết nói gì cả, toàn nói những điều ngây ngô ngốc nghếch thì không có giá trị.
- Hiện nay có quá nhiều cuộc thi sắc đẹp, thậm chí có ý kiến còn cho rằng ít ai có thể nhớ hết tên các người đẹp từng đăng quang tại Việt Nam trong một năm trở lại đây. Chị thấy tín hiệu này thế nào?
- Thời tôi đi thi thì các cuộc thi nhan sắc vẫn còn rất ít, mấy chục ngàn người đi thi mà chỉ có rất ít người được chọn nên vương miện, danh hiệu danh giá lắm. Tôi còn nhớ ngày ấy mình mang cả quyển sách lịch sử to đùng để học mỗi ngày, lo cho kiến thức bên trong vì tin rằng giám khảo sẽ hỏi nhiều về kiến thức lịch sử. Thế rồi tất cả mọi người hoàn toàn không biết gì về nhan sắc vì không có lấy cả một thỏi son và không có đến một bài báo để viết.
Còn bây giờ thì đúng là có rất nhiều cuộc thi, nhiều danh hiệu nghe rất kêu, rất lớn, có cả hệ thống back-up rất lớn về quần áo, make-up rất lớn nhưng chẳng có sự chuẩn bị gì về kiến thức. Nhiều người đạt danh hiệu cao lắm, nghe to tát vô cùng nhưng khi nhìn thấy hoa hậu thì giật cả mình. Hiện nay người ta lợi dụng điều đó làm danh cho mình, để làm thương mại quá nhiều. Bây giờ có thể nói là thời kỳ quá độ của rất nhiều thứ. Quá nhiều giá trị về nhan sắc, đạo đức, mình không biết Bộ Văn hóa có quản lý về những vấn đề về giấy phép nhưng hiện nay tất cả những cuộc chơi về nhan sắc không nhớ nổi người nào đã từng đoạt giải. Nó đang bị như vậy.
- Làm giám khảo nhiều cuộc thi vậy rồi chị có định tổ chức hẳn một cuộc thi theo ý mình không?
- Như đã nói là các cuộc thi và danh hiệu đã bão hòa nên tôi không muốn tổ chức thi hoa hậu nữa. Mà tôi muốn tổ chức các chương trình mang tính cộng đồng lớn hơn. Không cần mang chữ hoa hậu đâu. Bác Hồ nói một câu rất hay là "Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người" nên tôi muốn có những chương trình mang tính giáo dục cao. Thí dụ như các nghệ sĩ tham gia bảo vệ môi trường, kêu gọi từ thiện, gây quỹ một cách liên tục để làm gương cho mọi người, làm liên tục như một làn sóng. Hiện nay chúng ta nên tập trung vào những cái xã hội đang cần như giải quyết thực phẩm độc hại, ăn cái gì cũng lo lắng. Trong khi đó thì lo các cuộc thi hào nhoáng còn bên dưới mục rỗng. Làm thế nào cho thế hệ trẻ không đi theo những cái hào nhoáng bên ngoài, quá sáo rỗng.
- Cảm ơn những chia sẻ của Hoa hậu Giáng My!./.