Giải quyết quá tải phải từ gốc
Sau gần 4 năm thực hiện chủ trương của Chính phủ về công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về kiểm soát tải trọng phương tiện, tình hình vi phạm các quy định của pháp luật về tải trọng phương tiện bước đầu được kiềm chế.
Tuy nhiên, gần đây, các vi phạm về tải trọng xe có biểu hiện tái diễn biến phức tạp. Tiếp tục tăng cường thực hiện các giải pháp kiểm soát tải trọng phương tiện, chấm dứt tình trạng phương tiện quá tải tham gia giao thông, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị 32/CT-TTg.
Làm rõ hơn về vấn đề này, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng đã dành cho phóng viên Thông tấn xã Việt Nam cuộc trao đổi.
|
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng. |
Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị 32/CT-TTg về tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông. Thưa ông, tại sao sau 4 năm thực hiện kiểm soát tải trọng xe, đến nay, Thủ tướng vẫn phải có Chỉ thị về vấn đề này?
Công tác kiểm soát tải trọng nói riêng, bảo đảm trật tự an toàn giao thông nói chung luôn là công tác phải thực hiện thường xuyên, liên tục. Sau 4 năm, đặc biệt là sau 2 năm thực hiện kế hoạch phối hợp giữa Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Công an, công tác kiểm soát tải trọng phương tiện có thể nói đã được chuẩn hóa về phương thức thực hiện, về vai trò, chức năng, trách nhiệm của từng cấp, từng ngành. Vì vậy, trong giai đoạn mới, chúng ta cần có chỉ đạo phù hợp với tình hình.
Trong rất nhiều nhiệm vụ của an toàn giao thông, bảo vệ kết cấu hạ tầng an toàn là nhiệm vụ rất quan trọng. Nếu môi trường tham gia giao thông của người dân không được bảo đảm an toàn, người dân rất khó thực hiện các quy định của pháp luật, các quy tắc tham gia giao thông một cách bình thường, từ đó dẫn đến mất an toàn. Cùng với đó, những phương tiện chở quá tải trọng cũng gây mất an toàn giao thông cho chính phương tiện và người điều khiển phương tiện đó.
Theo thống kê, đến nay, 31 địa phương không tổ chức kiểm soát tải trọng tại các trạm cân nữa. Nếu tiếp tục đà này, việc kiểm soát tải trọng có rơi vào tình trạng bắt cóc bỏ đĩa?
Dừng ở đây không có nghĩa là dừng các hoạt động kiểm soát tải trọng phương tiện. Theo kết luận tại Hội nghị tổng kết Kế hoạch của liên Bộ Công an và Bộ Giao thông Vận tải về kiểm soát tải trọng xe, các lực lượng dừng hoạt động mô hình trạm phối hợp nhưng triển khai kiểm soát tải trọng phương tiện theo chức năng nhiệm vụ của từng ngành. Thời gian qua, các lực lượng thanh tra, cảnh sát giao thông đều trang bị cân xách tay, tổ chức kiểm soát tải trọng theo mô hình riêng.
Có thực tế là sau khi dừng trạm phối hợp liên ngành, lực lượng cảnh sát giao thông xử phạt vi phạm tải trọng tăng vọt. Bởi, mô hình trạm liên ngành tập trung 15 – 20 người. Trong khi, chia lực lượng này ra, theo đặc điểm của địa phương, mỗi tổ khoảng 3 người, địa bàn sẽ khép kín hơn là khi chỉ có một trạm. Trước đây triển khai mô hình trạm trên các tuyến quốc lộ chính vì đó là đợt cao điểm. Sau khi làm tập trung trên các tuyến quốc lộ, các điểm nóng ở địa phương lại có sự biến chuyển so với giai đoạn đầu. Vi phạm trên những tuyến đường dài, quốc lộ chính không còn nữa, mà rơi vào các tuyến đường ngắn, phương tiện chạy tránh các trạm. Do vậy, cảnh sát giao thông và các lực lượng ở địa phương giờ phải tập trung giải quyết vấn đề này.
Vả lại, hiện trên các tuyến quốc lộ chính đã có các trạm cân cố định gắn với các trạm thu phí, các trạm cố định của lực lượng cảnh sát giao thông nên các địa phương cần phải phân lực lượng ra để kiểm soát từ đầu nguồn hàng hóa, từ cảng, mỏ, kho, sau đó là trên những tuyến đường địa phương. Với những điểm nào phức tạp, khó khăn, đòi hỏi sự phối hợp liên ngành vẫn phải có các trạm, điều đó do địa phương quyết định.
Chỉ thị xác định rất rõ chức năng của Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an trong việc chỉ đạo các lực lượng chuyên ngành làm công tác hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật. Ủy ban An toàn giao thông quốc gia thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra công tác chỉ đạo chung ở các địa phương và tổng hợp kết quả để báo cáo. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải ban hành kế hoạch kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông trên địa bàn, trong đó phân rõ nhiệm vụ của chính quyền cấp huyện, của lực lượng giao thông, công an, khu vực nào cần phải duy trì mô hình phối hợp.
Ông đánh giá thế nào khi Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng có sự bảo kê từ chính quyền địa phương và tình trạng "chim mồi" khá phổ biến?
Dấu hiệu dung túng, xuê xoa của địa phương là có. Chỉ thị 32/CT-TTg đã nêu rõ trong kế hoạch do Chủ tịch UBND địa phương ban hành phải bao gồm cả hoạt động thanh tra, kiểm tra công vụ để những dấu hiệu vi phạm, tiêu cực, dung túng đó được hạn chế.
Còn việc “chim mồi”, ở đây, phải khẳng định là những đối tượng lái xe, chủ xe muốn vi phạm, rõ ràng họ phải có thủ đoạn đối phó. Họ bám theo lực lượng thanh tra, kiểm tra, đó là điều bình thường. Khi đối tượng có thủ đoạn, các cơ quan đấu tranh phòng chống vi phạm phải có giải pháp khắc phục.
Kiểm soát tải trọng phương tiện là một hoạt động kiểm tra vi phạm được nhân dân rất ủng hộ, đa số doanh nghiệp vận tải ủng hộ. Tuy nhiên, có một bộ phận – dù nhỏ, nhưng rất ngoan cố, rất nhiều thủ đoạn luồn lách, tránh, chống người thi hành công vụ. Vi phạm tải trọng xe mang lại lợi ích lớn nên thủ đoạn đối phó tinh vi, phức tạp và quyết liệt hơn rất nhiều.
Ông có nghĩ rằng khi không có sự phối hợp liên ngành, các ngành sẽ khó kiểm soát hoạt động của nhau?
Ở đây, phải tin tưởng vào hoạt động của các lực lượng. Ở các trạm liên ngành, tỷ lệ xử phạt xe vi phạm không cao. Trong khi đó, lực lượng cầm cân xách tay đi xử phạt rất cao. Số liệu thông tin của Cục Cảnh sát Giao thông cho thấy, kiểm tra 91 xe đã có tới 77 xe xếp hàng quá tải từ đầu nguồn mà bao lâu nay các trạm liên ngành có phát hiện ra đâu. Từ đó, mới nói là sau 4 năm thực hiện, chúng ta đã xác định được rõ thủ đoạn, địa bàn và những nơi mà hành vi vi phạm xuất hiện, có thể kiểm soát dễ nhất. Vào đầu nguồn hàng, bắt là “chết” ngay! Vậy tại sao phải tổ chức lực lượng rất đông ở trạm liên ngành? Tất nhiên, có những chỗ với mật độ lớn, phức tạp, có sự chống đối quyết liệt sẽ cần phải có lực lượng liên ngành.
Lúc này, phải xác định rõ chỗ cần quản, giải quyết quá tải phải từ gốc mới là quan trọng. Lắp đặt trạm cân tự động cố định, tự động phát hiện trên đường đi sẽ giảm được lực lượng trên đường. Phát hiện xe nào vi phạm, báo về là bắt được ngay, tốt hơn là phải chăng một trạm ra đó. Chỗ cần phải chốt thường trực để thể hiện sự uy nghiêm của pháp luật vẫn cần, nhưng phải phối hợp nhiều lực lượng, nhiều mũi chứ không chỉ là 63 trạm ở trên các tuyến quốc lộ như trước. Tất nhiên, vai trò của trạm liên ngành rất quan trọng, nhưng tôi khẳng định rằng, nếu chỉ trạm liên ngành không hiệu quả sẽ không cao.
Theo ông, thời gian tới việc kiểm soát tải trọng cần phải thực hiện theo hướng nào?
Cần thực hiện nghiêm Chỉ thị 32/CT-TTg. Trong đó, Bộ Giao thông Vận tải cần tập trung huy động các nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư các trạm kiểm tra tải trọng xe cố định kết hợp với trạm thu phí giai đoạn đến năm 2020; rà soát, hoàn thiện các quy định liên quan đến việc kiểm soát tải trọng phương tiện, vận tải hàng hóa bằng xe ô tô, các quy định về tổ chức và hoạt động của trạm kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trạm kiểm tra tải trọng xe cố định.
Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố rà soát, kiểm tra tại các đơn vị, địa phương về việc tổ chức ký cam kết không xếp hàng quá tải trọng cho phép của phương tiện; đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện cam kết đã ký. Bộ chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông vận tải, cảng vụ hàng hải, cảng vụ đường thủy nội địa tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về tải trọng phương tiện, nhất là vi phạm về kích thước thùng xe tại nơi xuất phát hoặc gần khu vực kho, cảng biển, cảng, bến thủy nội địa, bến bãi, nhà ga, mỏ vật liệu, nơi tập kết hàng hóa lên xe ô tô... để ngăn chặn kịp thời các xe ô tô chở hàng quá tải trọng lưu thông trên các tuyến đường bộ.
Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương, đặc biệt là lực lượng Cảnh sát Giao thông khẩn trương hoàn thiện việc trang bị hệ thống cân tải trọng cố định tại các trạm Cảnh sát giao thông theo Đề án “Tăng cường biên chế, trang thiết bị và đào tạo cho lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ”; đồng thời, tiếp tục trang bị cân tải trọng xách tay để tuần tra, kiểm soát lưu động nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các xe quá tải trên các tuyến giao thông. Lực lượng cảnh sát giao thông cần tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với hành vi vi phạm chở hàng quá tải trọng.
UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an và Bộ Giao thông Vận tải về công tác kiểm soát tải trọng phương tiện. Chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra tình trạng phương tiện chở quá tải tham gia giao thông trên địa bàn.
Trân trọng cảm ơn ông!