Giải quyết dứt điểm tình trạng lấn chiếm trái phép trên đầm Ô Loan
Năm 2014, UBND tỉnh Phú Yên đã từng chỉ đạo các cơ quan chức năng chấn chỉnh, xử lý dứt điểm những trường hợp tự ý xây nhà ở và đắp ao đìa nuôi trồng thủy sản trong danh thắng Quốc gia đầm Ô Loan. Thế nhưng, trong buổi kiểm tra ngày 12/3 vừa qua, tình trạng lấn chiếm thậm chí còn gia tăng.
Hiện trạng khu vực hồ nuôi trái phép trên đầm Ô Loan . |
Thống kê của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tuy An, có hơn 230 hộ lấn chiếm 17.000m2 đất để xây dựng nhà ở và công trình khác và hơn 3000 ha nuôi trồng thủy sản trái phép trên đầm Ô Loan.
Ông Hoàng Ngọc Mùi, Trưởng phòng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tuy An cho biết: có 33 trường hợp sử dụng đất sai mục đích, chuyển từ đất rừng phòng hộ sang làm hồ nuôi tôm với diện tích hơn 36.500m2 tại xã An Ninh Đông.
"Trước đây huyện đã thành lập nhiều đoàn để làm việc, số hồ vi phạm là 54 hồ/48 hộ. Nhưng trong những năm gần đây một số hộ ở nơi khác về để mua hồ tôm xây dựng hồ nổi, hồ chìm. Hiện nay trên cửa sông Lễ Thịnh có 11 hồ nổi sử dụng rừng phòng hộ, đó là sử dụng đất sai mục đích. UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên Môi trường cùng UBND xã rà soát và lập biên bản những hộ vi phạm, có kế hoạch giải toả, làm từng giai đoạn một, từng dãy hồ một", ông Mùi cho biết.
Lộ trình xử lý lấn chiếm đầm Ô Loan được UBND tỉnh Phú Yên đưa ra. Trước mắt, chính quyền 5 xã của huyện Tuy An nằm ven đầm Ô Loan gồm An Cư, An Hải, An Hiệp, An Hoà và An Ninh Đông tiến hành tuyên truyền, vận động người dân tự giác tháo dỡ các hồ nuôi tôm trái phép, chấm dứt việc chắn đăng, lưới ngăn chia mặt nước cũng như sử dụng các phương tiện đánh bắt hủy diệt. Các công việc này giải quyết xong trong năm nay. Đối với các trường hợp lấn chiếm đất xây nhà ở và xây dựng các công trình trái phép thì kiên quyết di dời và hỗ trợ tái định cư theo hướng hoàn thành trước năm 2020. Những trường hợp lấn chiếm đất xây dựng hồ nuôi tôm trái phép tại xã An Ninh Đông và xã An Hải buộc phải tháo dỡ, trả lại nguyên trạng, trường hợp người dân không chấp hành thì tiến hành cưỡng chế theo quy định.
Hồ nổi và trại tôm kiên cố của hộ ông Lời lấn chiếm rừng phòng hộ. |
Ông Nguyễn Chí Hiến, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên cho biết:"Đầm Ô Loan đã được công nhận từ năm 1996 và đã nhiều nhiệm kỳ tỉnh cố gắng làm nhưng chưa làm được. Lần này tỉnh quyết tâm chỉ đạo và xin ý kiến của Thường trực Tỉnh uỷ, làm sao để đảm bảo được nhu cầu chính đáng của người dân, phải quy hoạch chi tiết; nơi nào để người dân sống lâu dài theo nghề truyền thống thì họ mới sống được và đặc biệt là phải đảm bảo được môi trường của đầm Ô Loan".
Tình trạng lấn chiếm đầm Ô Loan đã xảy ra từ lâu và nóng lên tại các kỳ họp HĐND tỉnh Phú Yên những năm trở lại đây. Hàng loạt văn bản chỉ đạo được ban hành, các giải pháp và lộ trình thực hiện cũng được đưa ra, thế nhưng đến nay mọi việc vẫn chưa được giải quyết.
Ông Bùi Văn Thành, Chủ tịch UBND huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên cho biết, hiện huyện Tuy An đang tiến hành quy hoạch khu nuôi trồng thuỷ sản với diện tích 292 ha. Trong đó những hộ được cấp đất 64 ha trước đây sẽ được ưu tiên, số hộ khác có thuê đất cũng sẽ được đưa vào quy hoạch để nuôi bền vững.
Tỉnh Phú Yên thống nhất xác định lại ranh giới khu vực bảo vệ thắng cảnh quốc gia đầm Ô Loan phù hợp tình hình thực tế trình Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phê duyệt. Từ đó làm cơ sở quy hoạch các vùng phụ cận phục vụ phát triển kinh tế xã hội, nhất là triển khai các dự án về nuôi trồng thủy sản và phát triển du lịch./.