Giải pháp cho tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển bền vững
Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) về “Một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế” được đánh giá là rất sát với thực tiễn cuộc sống, nhất là giai đoạn đất nước đang trong tiến trình đổi mới và hội nhập. Tuy nhiên, để thực hiện được Nghị quyết này, theo nhiều chuyên gia và giới doanh nghiệp, cần có sự nỗ lực từ nhiều phía, đặc biệt là cơ chế, chính sách phải theo kịp sự phát triển của cuộc sống.
Tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với phát triển bền vững |
Theo đánh giá của các doanh nghiệp, trong 2 năm 2015-2016, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã thể hiện quyết tâm trong việc đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế bằng việc chỉ đạo, thực hiện và đề ra các chủ trương, chính sách lớn hỗ trợ doanh nghiệp.
Đặc biệt, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 nhằm nâng cao sức cạnh tranh và cải thiện môi trường đầu tư của doanh nghiệp, cùng với đó là ban hành nhiều bộ luật, nhất là Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp, để đổi mới, nâng cao sức cạnh tranh và hội nhập quốc tế, vấn đề ở đây không chỉ là vốn liếng, thị trường, đổi mới công nghệ, cung cấp thông tin kinh tế,… mà chính là cơ chế chính sách cởi mở, thông thoáng, phù hợp với thực tiễn cuộc sống.
Sức ì của việc chậm đổi mới cơ chế chính sách của bộ máy làm chính sách đã gây rào cản lớn cho sự phát triển của doanh nghiệp trong thời gian qua.
Ông Nguyễn Văn Bé, Tổng giám đốc Công ty Liên doanh khai thác kinh doanh Khu chế xuất Sài Gòn-Linh Trung, cho rằng: Điều doanh nghiệp cần nhất là một hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách thông thoáng để doanh nghiệp có thể tồn tại và phát triển. Doanh nhân, doanh nghiệp còn vướng mắc, còn bị những vấn đề bất cập bởi những nghị định, thông tư chưa phù hợp với thực tiễn.
Theo ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, muốn tồn tại và phát triển, đất nước phải hội nhập thế giới. Doanh nghiệp cũng không thể đứng ngoài cuộc.
Muốn đất nước phát triển đi đôi với tăng trưởng và phát triển bền vững thì phải đảm bảo 3 yếu tố: đó là cơ chế chính sách phải thông thoáng và ổn định, phải có người quản lý điều hành giỏi, và phải có nguồn vốn.
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng đồng ý với quan điểm các doanh nghiệp, đó là: để đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế thì phải có sự đảm bảo về năng lực vận hành của các doanh nghiệp và bộ máy quản lý Nhà nước về chính sách.
Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng: Chúng ta phải chuẩn bị đủ năng lực, không chỉ năng lực của doanh nghiệp mà còn cả năng lực của bộ máy hành chính.
Đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế là vấn đề có ý nghĩa chiến lược và tầm quan trọng đặc biệt, quyết định sự thành công của sự nghiệp đổi mới. Đây là nhiệm vụ được Hội Nghị Trung Ương 4 (Khóa XII) xác định là cơ bản, trọng yếu trong giai đoạn hiện nay.
Chủ trương, chính sách đã có, vấn đề còn lại là thực thi như thế nào và cần có những điều chỉnh về cơ chế, chính sách để phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Từ hiệu quả của thực thi chính sách sẽ góp phần đưa nền kinh tế tăng trưởng và phát triển bền vững./.