Giấc mơ biến phế thải rơm thành khí đốt đã trở thành hiện thực
Lãng phí lớn
Hiện nay, lượng rơm phát sinh sau khi thu hoạch lúa ở ĐBSCL rất lớn (trung bình từ 20-24 triệu tấn/năm). Nguồn tài nguyên phế thải này hầu hết chưa được khai thác và sử dụng một cách hiệu quả. Phần lớn dùng làm thức ăn chăn nuôi, trồng nấm rơm, hàng thủ công mỹ nghệ, làm vật liệu xây dựng...
Mô hình sản xuất biogas từ rơm ở ĐBSCL. Ảnh: H.X |
Theo kết quả nghiên cứu từ các chuyên gia nông nghiệp Trường Đại học Cần Thơ, lượng rơm đốt trong cả 3 vụ lúa ở ĐBSCL trong những năm gần đây là trên 20 triệu tấn/năm (Trong đó, vụ đông xuân chiếm hơn 1/2 lượng rơm đốt trên), qua đó góp phần làm tăng đáng kể lượng khí thải nhà kính.
Ngoài ra, phần lớn lượng rơm còn bị đốt ngay trên ruộng (diễn ra nhiều nhất ở vụ đông xuân). Tình trạng này qua nhiều vụ lúa liên tiếp không những không mang lại hiệu quả kinh tế mà vô tình làm “chai đất”.
Trong vài năm gần đây, máy gặt đập liên hợp được đưa vào đồng ruộng khá phổ biến tại ĐBSCL. Tuy thời gian thu hoạch lúa nhanh nhưng lượng rơm rơi dàn trải trên ruộng khó thu gom, từ đó việc đốt rơm tại đồng với mức độ ngày càng tăng. Theo tìm hiểu, ở một số địa phương, vụ hè thu và thu đông (vụ 3), do mưa nhiều nên người dân chọn cách vùi rơm trực tiếp xuống đất lúa, gây ngộ độc hữu cơ cho cây lúa ở vụ sau.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Thùy - khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên (Trường Đại học Cần Thơ) cho biết: “Việc đốt nguồn phế thải rơm như hiện nay đã và đang gây ra các vấn đề về môi trường, làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người và gây lãng phí nguồn tài nguyên”.
“Biến” rơm thành khí đốt
Kết quả nghiên cứu của dự án “Sản xuất bền vững khí sinh học từ rơm thải” (do Trường Đại học Cần Thơ và Trường Đại học Aahus-Đan Mạch phối hợp thực hiện trong giai đoạn 2012-2017) còn cho thấy, rơm có thể tận dụng để sản xuất khí sinh học.
“Chúng ta có thể lấy rơm, cho vào túi ủ chung với phân heo (lợn) để làm khí đốt. Với cách này, chúng không còn là nguồn phế thải nữa mà trở thành nguồn nguyên liệu mới - nguồn năng lượng tái tạo” - thạc sĩ Thùy nhấn mạnh.
PGS-TS Kjeld Ingvorsen - Trường Đại học Aahus cho hay, cách làm trên sẽ mở ra hướng đi mới cho sản xuất khí sinh học khi thiếu hụt nguồn nguyên liệu nạp cho túi ủ biogas trong thời gian tái đàn, dịch bệnh hay các hộ gia đình nuôi lợn với số lượng ít.
“Thay vì dùng 100% phân lợn, chúng ta có thể dùng 50% rơm nạp bổ sung hoặc 100% rơm để tạo khí sinh học mà không ảnh hưởng đến khả năng tạo khí của túi ủ. Không chỉ vậy, việc phối trộn rơm với phân lợn sẽ giúp quá trình sinh khí diễn ra nhanh hơn, đồng thời tổng lượng khí sinh ra cao hơn so với sinh khí của mẻ ủ 100% là phân lợn” - PGS-TS Kjeld Ingvorsen phân tích. Hiện kết quả nghiên cứu từ dự án “Sản xuất bền vững khí sinh học từ rơm thải” đã được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất và sinh hoạt tại 27 hộ trên địa bàn TP.Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang và Kiên Giang.
PGS-TS Nguyễn Hữu Chiếm - Chủ nhiệm dự án trên cho biết: “Tới đây sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình cho các địa phương có nhu cầu tăng hiệu quả kinh tế nông hộ. Ngoài việc lấy khí sinh học đun nấu, các hộ có thể tận dụng nguồn nước thải sau khi ủ biogas (chứa hàm lượng dinh dưỡng đạm, lân, kali... rất cao) làm nguồn phân bón hữu cơ phục vụ canh tác nông nghiệp, cải tạo đất”.