Festival Âm nhạc mới Á Âu để lại ấn tượng tuyệt vời cho bạn bè quốc tế
Festival Âm nhạc mới Á – Âu 2016 đã diễn ra từ ngày 12-18/10 tại 2 thành phố là Hà Nội và Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc). Trong 7 ngày, Festival đã mang đến cho khán giả và bạn bè quốc tế 10 buổi hòa nhạc với nhiều thể loại, hình thức khác nhau như Giao hưởng, Thính phòng, Dân gian, Dân tộc, Nhạc kịch, Vũ kịch, Hợp xướng… cùng một chương trình nghệ thuật “Giai điệu bạn bè” và 2 Hội thảo với chủ đề "Cây đàn bầu Việt Nam", “Giao lưu Âm nhạc mới Á-Âu”.
PV VOV đã phỏng vấn PGS-TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Trưởng ban tổ chức Festival Âm nhạc mới Á-Âu 2016 để có cái nhìn tổng quan về sự kiện âm nhạc lớn và nhiều ý nghĩa này.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân |
PV: Đây là lần thứ 2, Việt Nam vinh dự được đăng cai tổ chức Festival Âm nhạc mới Á-Âu, cũng là lần đầu tiên trong lịch sử Festival có một nước được tổ chức 2 lần liên tiếp. Ông có đánh giá như thế nào về về Festival lần này?
NS Đỗ Hồng Quân: Từ thành công của Festival Âm nhạc Á - Âu lần thứ nhất, các nhạc sĩ, nghệ sĩ quốc tế đều bày tỏ sự hài lòng về công tác tổ chức, tiếp đón, nội dung và chất lượng nghệ thuật, đặc biệt đánh giá cao nền âm nhạc chuyên nghiệp Việt Nam (tác phẩm, đội ngũ nghệ sĩ, cơ sở biểu diễn, nhà hát, phòng hòa nhạc, an ninh - an toàn tuyệt đối...), đều có nguyện vọng chung là tiếp tục được có mặt tại Việt Nam trong những dịp Festival tiếp theo.
Trên thực tế, trong một tuần lễ từ ngày 12-18/10 tại Thủ đô Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc, chúng ta đã đồng thời tổ chức 2 sự kiện âm nhạc quốc tế lớn là Festival Âm nhạc Á – Âu lần thứ 2 Việt Nam và Hội nghị Hiệp hội các nhà soạn nhạc châu Á-Thái Bình Dương. Đây là liên hoan có quy mô lớn chưa từng có trong lịch sử Festival với một số lượng tác phẩm khổng lồ được chơi trong thời gian ngắn. Để thực hiện được chuỗi các buổi hòa nhạc, ban tổ chức - cụ thể là Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã phải làm việc rất nỗ lực trong 1 năm để tuyển chọn từ khoảng 200 tác phẩm gửi đến ở từng thể loại khác nhau như hợp xướng, nhạc thính phòng để có thể dàn dựng và biểu diễn.
Chúng tôi cũng phải gấp rút tuyển chọn, mời gọi các nhạc công xuất sắc nhất nước ta như NSƯT Bùi Công Duy (Violin), nghệ sĩ Hoàng Mạnh Lâm (Oboa), NSND Trần Thị Mơ (Violinxen). Trong thời điểm hiện nay khi kỹ thuật sáng tác, tư duy về âm nhạc, ngôn ngữ âm nhạc có thay đổi và nội dung của tác phẩm cũng đặt ra những vấn đề phải xử lý một cách tinh tế và phức tạp thì việc chơi gần 100 tác phẩm trong 7 ngày thể hiện sự nỗ lực rất lớn của các nghệ sĩ biểu diễn Việt Nam. Đồng thời, qua Festival cũng đánh giá được trình độ của các nhạc công, sự trưởng thành trong việc xây dựng các đơn vị nghệ thuật có khả năng thể hiện các tác phẩm của nhạc sĩ quốc tế.
NSƯT Bùi Công Duy |
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã mời gọi được những nghệ sĩ hàng đầu thế giới như nhạc trưởng Zoe Zeniodi của Hy Lạp hay nhạc trưởng Philip Klein của Mỹ, nhóm tam tấu từ Nga, nhóm song tấu từ Tây Ban Nha. Họ là những nghệ sĩ rất yêu quý Việt Nam đồng thời có nguyện vọng thể hiện những tác phẩm mới trong liên hoan lần này. Vì vậy, chúng tôi cũng đã huy động được các nhân tài âm nhạc của thế giới và Việt Nam, góp phần vào thành công lớn của liên hoan lần này
PV: Sau 7 ngày diễn ra Festival Âm nhạc mới Á-Âu, bạn bè quốc tế đánh giá thế nào về Festival lần này so với lần trước?
NS Đỗ Hồng Quân: Các nghệ sĩ và bạn bè quốc tế đánh giá chung về việc tổ chức một sự kiện âm nhạc lớn ở Việt Nam là tuyệt vời từ địa điểm biểu diễn đến kết cấu chương trình, điều kiện phòng hòa nhạc. Họ đánh giá rất cao tình mến khách của người dân Việt Nam, những đồng nghiệp. Những nhạc công chơi các tác phẩm của các nghệ sĩ có mặt ở Festival với tinh thần tự nguyện và nhiệt tình, hợp tác tốt đẹp đem đến hiệu quả cao.
Các nhạc sĩ cũng được đi thăm thú, nghe âm nhạc Việt Nam như chèo, đàn bầu, đi tham quan nơi có những đặc thù văn hóa cổ Việt Nam như Phủ Thành Chương, Trung tâm Phật giáo Việt Nam Tây Thiên – Vĩnh Phúc. Với khoảng thời gian 1 tuần nhưng mọi người đều có cảm giác trôi qua rất nhanh và rất nhiều ý nghĩa thể hiện qua các tác phẩm âm nhạc. Họ cũng đánh giá cao nền âm nhạc chuyên nghiệp của Việt Nam, các dàn nhạc, chỉ huy Việt Nam và đặc biệt những tác phẩm mới mà Việt Nam tham gia lần này.
Đoàn nghệ sĩ tham quan Phủ Thành Chương. |
Một điểm vui mừng của liên hoan lần này, hội đồng giám khảo quốc tế đã trao 2 giải danh dự cho 2 nhạc sĩ trẻ Việt Nam là giải Irino (do nhạc sĩ Nhật Bản sáng lập ra) cho nhạc sĩ trẻ Trần Lưu Hoàng – giảng viên khoa sáng tác của Học viện Âm nhạc Quốc gia và một sinh viên nữ khoa sáng tác Nguyễn Minh Trang với tác phẩm ấn tượng nhất cho nhạc cụ dân tộc.
PV: Với 200 nhạc sĩ, nghệ sĩ đến từ 30 quốc gia khác nhau với số lượng các tác phẩm khổng lồ và tận 11 buổi hòa nhạc, chắc hẳn về công tác tổ chức cũng gặp nhiều khó khăn cũng như cũng có những điều cần phải rút kinh nghiệm?
NS Đỗ Hồng Quân: Điều cần rút kinh nghiệm trong Festival lần này là về sự điều phối và phối hợp giữa các bộ phận. Đối với một nước đăng cai tổ chức Festival thì cần phải chuẩn bị trước 2 năm nhưng với nước ta thì chỉ có một năm; từ việc tuyển chọn bài, xét chất lượng các bài tập cho đến việc đăng kí với dàn nhạc, đăng kí lịch tập, mời nhạc công, nghệ sĩ… thì ta làm hơi vội vàng. Chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm và do Hội Nhạc sĩ Việt Nam không phải một tổ chức chuyên nghiệp trong công tác tổ chức nên cũng có những sai sót.
Nhạc công Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam. |
Thời gian để tập luyện các tác phẩm cũng không được nhiều như mong muốn của các tác giả nên chúng ta vẫn chưa thể hiện được đúng tầm. Mặc dù vậy, liên hoan lần này cũng là sự cố gắng vượt bậc của các nghệ sĩ, cũng là điều tự hào khi một nước ít kinh nghiệm về tổ chức Festival âm nhạc như Việt Nam nhưng đã làm được và làm tốt.
Theo dự kiến, sau Việt Nam, Festival Âm nhạc Á Âu sẽ tổ chức tại Moscow (Nga). Cũng do nhiều điều kiện khác nhau nên Hội nghị ACL 2017 sẽ không được tổ chức. Đến năm 2018 có 2 nước đăng kí tổ chức là Newzeland và Đài Loan.
PV: Cảm ơn nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân./.