EVFTA sẽ giúp Việt Nam đón thế hệ mới các nhà đầu tư
Nhận định này được ông Eric Normand Thibeault, Giám đốc Văn phòng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) đưa ra tại Diễn đàn kinh doanh trong cộng đồng Pháp ngữ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, diễn ra ngày 20/9 tại Hà Nội.
Theo ông Thibeault, ASEAN có 4 quốc gia sử dụng tiếng Pháp gồm Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam. ASEAN là khu vực rất năng động trong kinh doanh và đầu tư, là thị trường lớn với khoảng 600 triệu người tiêu dùng. Trong đó, Việt Nam đóng vai trò quan trọng, là cửa ngõ khu vực Đông Nam Á.
Ông Thibeault cho biết, EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam với kim ngạch thương mại song phương năm 2017 đạt 45 tỷ USD.
"Nếu Hiệp định Thương mại Tự do EU - Việt Nam (EVFTA) được phê chuẩn, sẽ có một thế hệ mới các doanh nghiệp của châu Âu, trong đó có các nước Pháp ngữ đầu tư vào Việt Nam. Việt Nam đã thuộc nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình thấp, nếu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng như hiện nay thì Việt Nam sẽ sớm gia nhập nhóm các nước có thu nhập trung bình vào năm 2022," ông Thibeault nói.
Thông qua chương trình đào tạo do Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) và OIF phối hợp thực hiện, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã được đào tạo về tiếng Pháp, về kỹ năng quản trị kinh doanh và được cập nhật quy định pháp luật của các nước Pháp ngữ.
Đây là những điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp Việt Nam hợp tác kinh doanh với các đối tác ở các nước Pháp ngữ.
Một số đại biểu đề xuất cần sớm thiết lập các đầu mối thông tin kết nối giữa doanh nghiệp Việt Nam và đối tác châu Phi (Ảnh: Hồng Quang) |
Đánh giá về cơ hội hợp tác giữa châu Phi và Việt Nam, ông Kayode Adetokunbo, Phó Chủ tịch Hiệp hội các Phòng Thương mại Tây Phi cho biết, khu vực Tây Phi rất mong muốn thúc đẩy hợp tác kinh tế với Việt Nam và khu vực Đông Nam Á nói chung, đặc biệt là hợp tác trong lĩnh vực xơ sợi, dệt may và chế biến hạt điều.
Về tiềm năng hợp tác thương mại, theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO của VCCI, còn rất nhiều cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và thị trường châu Phi, bởi Việt Nam và châu Phi có cơ cấu hàng hóa bổ sung cho nhau, chứ không phải cạnh tranh nhau.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO (Ảnh: Hồng Quang) |
Điểm thuận lợi nữa là Việt Nam và châu Phi đều không phải những thị trường khó tính với các hàng rào kỹ thuật và quy định vệ sinh dịch tễ. “Do đó, hy vọng sẽ có những đột biến trong thương mại giữa hai bên trong tương lai,” bà Trang nhận định.
Để tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và đối tác ở các nước Pháp ngữ, đặc biệt là ở châu Phi, cần phải thiết lập mạng lưới đối tác doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp ở các nước Pháp ngữ, đồng thời xây dựng các đầu mối thông tin ở 2 đầu thị trường, để từ đó giúp 2 bên kết nối 1 cách nhanh nhất.
Giám đốc Trung tâm WTO cho biết, hiện nay dù Việt Nam và thị trường châu Phi chưa có cam kết thương mại nào nhưng các doanh nghiệp Việt Nam vẫn xoay sở làm ăn ở châu Phi, điển hình như Viettel. Đây là con đường riêng và nỗ lực riêng của từng doanh nghiệp.
Bà Trang đề xuất, cần xem xét nghiên cứu đám phán hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và thị trường châu Phi, bởi các hiệp định này, với sự tham gia của Chính phủ, sẽ tạo ra con đường thuận lợi, an toàn và bền vững hơn cho trao đổi thương mại./.