Đường quá lầy lội, học sinh phải chuyển sang... tỉnh khác học
Theo ghi nhận của chúng tôi, đoạn đường này có chiều dài gần 6km, nhưng đã có hơn 4km là đường lầy lội, mặt đường đất đỏ bị cày xới ngổn ngang. Tình trạng ổ voi, ổ gà xuất hiện dày đặc tạo thành những vũng nước sâu đỏ ngầu. Có những đoạn bùn ngập quá nửa bánh xe, rất khó di chuyển được buộc người tham gia giao thông phải dắt bộ.
Bùn nối tiếp lầy trải dài suốt cả đoạn đường |
Đây cũng là tuyến đường dẫn lên khu vực trồng rừng keo, tràm, thông lấy gỗ của người dân. Những gia đình có đất trồng rừng thường thuê xe tải lên thu hoạch gỗ, do nền đất yếu, ít khi được tu sửa cộng với việc phải oằn mình chịu đựng hàng chục chuyến xe tải mỗi ngày nên con đường càng hư hỏng nặng hơn.
Nhiều năm qua, hơn 162 hộ dân sống tại 2 thôn Trầm Kỳ và Thanh Sơn luôn phải chịu đựng cảnh “nắng bụi, mưa lầy”.
“Dân ở đây khổ lắm em ơi! Mà khổ nhất là các cháu học sinh, đặc biệt là về mùa mưa lũ đi lại trên con đường này rất khó khăn và nguy hiểm nữa, bởi vậy nhiều người đã cho con vào Quảng Trị theo học cho an toàn”, một người dân than phiền.
Các em học sinh phải gồng mình mỗi khi đi qua con đường này |
Còn ông Hoàng Kim Diệp, thôn Thanh Sơn, xã Sen Thủy ngán ngẩm cho biết, nhiều năm nay tại các cuộc họp thôn, xã hay tiếp xúc cử tri, dân đã kiến nghị khắc phục con đường này nhiều lần nhưng mãi đến nay cũng chưa được giải quyết. Hiện tại trên địa bàn thôn có Trường Tiểu học số 2 Sen Thủy và 1 trường mầm non với 15 giáo viên đứng lớp. Hầu hết giáo viên đều từ ngoài trung tâm vào dạy, mỗi ngày 2 lần đều đặn vượt qua “đoạn đường đau khổ” này.
Là một giáo viên có hơn 7 năm gắn bó với Trường Tiểu học số 2 Sen Thủy, thầy Phạm Xuân Dân tâm sự: “Đàn ông chúng tôi thì răng cũng được, nhưng tôi thấy thương cho mấy cô giáo chân yếu tay mềm và các em học sinh, đường hư hỏng nặng và lầy lội về mùa mưa nên ngã suốt, chỉ mong sao sớm có con đường thuận lợi hơn để thầy trò đỡ vất vả, yên tâm dạy và học”.
Ít khi được tu sửa cộng với việc oằn mình chịu đựng hàng chục chuyến xe tải mỗi ngày nên con đường càng hư hỏng nặng hơn. |
Trao đổi về vấn đề trên, ông Lê Văn Bắc, Phó Chủ tịch UBND xã Sen Thủy cho biết: “Xã cũng đã kiến nghị nhiều lần lên huyện, và huyện cũng đã cử người về thẩm định, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có kế hoạch hay dự án cụ thể. Về phía xã, do kinh phí hạn chế nên trước mắt chúng tôi chỉ khắc phục tạm bằng cách đổ thêm đá, san lấp kịp thời cho bà con đi lại an toàn trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới”.