Dựng lều “lo chữ” cho con nơi lòng hồ thủy điện
Nhiều con em của những hộ dân nằm trong diện di dời do ảnh hưởng của công trình thủy điện nhưng nay lại tự phát quay về sinh sống trong vùng lòng hồ. Để con được đến trường, họ đã phải dựng lều tạm quanh trường để cùng con “lo chữ”.
Gian nan đường vào xã Hữu Khuông (Ảnh: Nguyễn Duy) |
Dựng lều lo chữ cho con
Chúng tôi tìm về vùng đất nơi “sơn cùng thủy tận” xã Hữu Khuông của (huyện Tương Dương, Nghệ An). Sau gần một buổi đi xuồng máy vượt lòng hồ thủy điện Bản Vẽ. Đến nơi đây mới cảm nhận được cuộc sống của đồng bào vùng biên xã Hữu Khuông khó khăn nhường nào. Nhưng vì tương lai của con, họ sẵn sàng làm tất cả để con được tới trường.
Cuộc sống mưu sinh của các bậc cha mẹ trên vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ (Ảnh: Nguyễn Duy) |
Do đã cắt hộ khẩu chuyển đi nơi khác nên khi quay trở về vùng lòng hồ sinh sống, họ phải dựng nhà, làm bè, phát rẫy... Đặc biệt, họ sinh sống cách xa trường hàng giờ chạy thuyền máy hoặc đi bộ xuyên rừng. Để cho con theo học, nhiều phụ huynh đã phải dựng lều tạm quanh trường làm chỗ tá túc cho con em mình sau những buổi đến trường.
Năm học mới đã bắt đầu, tính đến tháng 4/2017, bốn xã vùng lòng hồ gồm Lượng Minh, Hữu Khuông, Nhôn Mai, Mai Sơn của huyện Tương Dương (Nghệ An) có 122 em học sinh quay trở lại sinh sống cùng bố mẹ, người thân ở vùng lòng hồ. Trong đó, bậc mầm non có 13 em, tiểu học 31 em, THCS 17 em và THPT 61 em.
Chị L.T.Y. - ở bản Chà Coong (cũ) xã Hữu Khuông (Tương Dương, Nghệ An) có hai con học Trường Tiểu học Hữu Khuông. Cháu đầu là L. K.H., học lớp 3 và cháu thứ hai là L.K.V. học lớp 2. Nhà chị Y. nằm trong danh sách di dời tái định cư nhưng chưa đi.
Gian nan con đường đến trường của các em học sinh ở vùng lòng hồ. (Ảnh: Nguyễn Duy) |
Trong khi đó, chị đã cắt hộ khẩu từ mấy năm trước. Ba năm qua, vợ chồng chị đã phải dựng lều tạm tại bản Con Phen rồi chồng ở trên bè vừa đánh cá, chăn nuôi, trồng rẫy; một mình chị ở lại lều tạm nấu ăn và chăm hai con nhỏ theo học tiểu học.
Chị Y. cho biết: “Đầu tuần chồng chở vợ con và gạo, muối đến trường; cuối tuần lại đến chở về. Ở đây, sáng tôi đưa cháu đi học rồi về lại lều để lo nấu cơm cho các cháu, nóng ruột lắm nhưng không biết làm sao. Vì việc học của con nên phải chấp nhận thôi. Cũng bởi mình đã cắt khẩu chuyển đi nơi khác từ mấy năm rồi nên mới vất vả”.
Cũng như chị Y., ở ba cấp học tại xã lòng hồ Hữu Khuông đang có khoảng 60 em học sinh chịu hoàn cảnh như vậy. Thầy Bùi Văn Hảo - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hữu Khuông thông tin: “Nhà trường có 31 em học sinh trong vùng lòng hồ theo học, nhưng có 27 em bố mẹ đến dựng lều nuôi con ăn học quanh trường”.
Thầy Nguyễn Tất Thi - Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú - THCS Hữu Khuông nói: “Nhà trường rất thương các em nên tạo điều kiện tốt nhất để các em không phải xa trường lớp”.
Ông Lô Văn Chiến - Chủ tịch UBND xã Hữu Khuông cho biết: “Ở bậc Mầm non có 13 cháu, Tiểu học có 31 cháu và THCS có 17 cháu theo bố mẹ đến ở trên lòng hồ khu vực của xã. Cuộc sống khó khăn, vất vả nhưng phần lớn phụ huynh rất quan tâm đến việc học của con cái. Để theo học, bố mẹ các cháu đã dựng tạm lều quanh trường cho các cháu ở. Những cháu còn nhỏ thì bố hoặc mẹ đi theo để nuôi ăn, ở. Còn các cháu lớn thì tự túc ăn, ở và được thầy cô quan tâm giúp đỡ”.
Nhiều bản làng ở xã Hữu Khuông đi lại gặp rất nhiều khó khăn, gian nan vất vả ... (Ảnh: Nguyễn Duy) |
Trao đổi với PV Dân trí, bà Vi Thị Bích Thủy - Trưởng Phòng Giáo dục huyện Tương Dương cho biết: “Về phía Phòng Giáo dục đã rà soát lại tất cả những học sinh nằm trong diện chuyển về vùng lòng hồ để học tập. Trước mắt chúng tôi đã vận động, tạo điều kiện tốt nhất để các em được đến trường và lâu dài phòng giáo dục sẽ kết hợp với chính quyền và có phương pháp thống nhất để các em không còn phải lo lắng mỗi lúc đến trường”.
Cần lắm sự chung tay
Do cuộc sống phải ở lều tạm để đi học nên đã nảy sinh ra những hệ luỵ, tác động đến việc học của các cháu. Theo chính quyền và lãnh đạo các trường thì những chiếc lều tạm dựng san sát nhau với điều kiện sống tạm bợ rất dễ xảy ra cháy nổ và thực tế đã xảy ra hỏa hoạn cháy lều tạm từ mấy năm trước.
Bố, mẹ dựng lều và sửa sang sân cho các cháu trước ngày khai giảng. (Ảnh: Nguyễn Tú) |
Đặc biệt, do đã chuyển khẩu đi nơi khác nên các chế độ chính sách dành cho học sinh vùng miền núi đặc biệt khó khăn, học sinh hộ nghèo, học sinh gia đình chính sách, bảo hiểm y tế... rất khó thực hiện. Rồi, mùa mưa lũ, những chiếc lều tạm rất khó chống đỡ với lũ quét...
Thầy Bùi Văn Hảo - Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Hữu Khuông lo ngại: “Nhiều trường hợp học sinh nghỉ học cả tuần khiến nhà trường mất thời gian tìm hiểu, vận động. Bởi khi bố mẹ về, do các cháu còn nhỏ phải về theo nhưng bố mẹ chưa xuống lại lều tạm cho con đi học thì các em nghỉ học cả tuần.
Những chiếc lều dựng lên quanh khu vực lòng hồ, vừa tiện đưa các cháu tới trường vừa tiện cho cuộc sống mưu sinh như: Đánh bắt cá, nuôi trồng... (Ảnh: Nguyễn Tú) |
Tại các lều tạm, nhiều phụ huynh gửi con cho một người trực trong khi các cháu còn quá nhỏ dẫn đến các cháu ăn uống, sinh hoạt không đảm bảo do đó ảnh hưởng đến học tập”.
Hiện tại, UBND huyện Tương Dương (Nghệ An) đã có chủ trương hỗ trợ học sinh theo bố mẹ về sinh sống ở vùng lòng hồ và đang phải dựng lều tạm trọ học bằng rất nhiều cách.
Trước mắt, huyện chỉ đạo các xã vùng lòng hồ phải khảo sát, bố trí học tập đầy đủ cho các cháu; vận động các chế độ, các nguồn tài trợ để hỗ trợ cho các cháu. Bên cạnh đó, huyện sẽ có chủ trương vận động xây dựng nhà dàn đối với những cháu phải dựng lều trọ học.
Phụ huynh làm sân trường để các em có nơi sinh hoạt sau mỗi giờ học xong. (Ảnh: Nguyễn Tú) |
Bí thư huyện ủy Tương Dương (Nghệ An), ông Phạm Trọng Hoàng cho rằng: “Trước mắt về phía huyện đã phối hợp với nhà trường hỗ trợ nhà dàn được hàn bằng khung sắt, lợp tôn để chỗ ở của các cháu đỡ vất vả, khó khăn hơn. Quan trọng nhất là không thể vì lý do này khác mà để các cháu không được đến trường.
Chúng tôi sẽ kêu gọi các tấm lòng nhà hảo tâm, kết hợp với các nguồn lực sẵn có để lo mọi điều kiện tốt nhất cho các cháu”.
Theo báo cáo của Phòng GD&ĐT huyện Tương Dương, khu nhà ở bán trú tại PTDTBT THCS Hữu Khuông có 5 phòng gỗ (10 gian nhỏ), 4 phòng xây, (mỗi phòng tương ứng 8 học sinh). Hiện nhà trường bố trí gồm 83 giường tầng, đã có 163 em HS THCS ở bán trú, trong đó có 13 em HS THCS của vùng lòng hồ quay trở về học tập.
Trên địa bàn xã Hữu Khuông có 61 em học sinh không thuộc địa bàn Hữu Khuông, mà là con em của các hộ dân vùng lòng hồ đang theo học tại các trường Mầm non, Tiểu học, THCS.
Cụ thể: Trường Mầm non: 13 cháu, Tiểu học 31 học sinh, THCS 17 học sinh (trong đó ở bán trú 13 em còn 4 em thuộc Bản Chà Coong cũ vận động từ năm học 2016-2017 nhưng gia đình không đồng ý vào ở bán trú mà có nguyện vọng muốn làm lán ở ngoài để tiện gia đình đến chăm sóc cùng với các em Mầm non, Tiểu học khác). Hiện các hộ dân đã gần hoàn thành lán ở tập trung cho 48 em cả 3 bậc.
Trong chuyến công tác vừa rồi, Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cũng đã cho phòng Kinh tế hạ tầng khảo sát địa điểm để tìm phương án xây dựng nhà bán trú cho các em học sinh ở đây.