Đừng cố “giải nhiệt” bằng mọi cách
Nhiệt độ cao ở TP HCM những ngày qua khiến không ít người cảm thấy khó chịu. Với chị Ng.C.A (29 tuổi, nhân viên văn phòng), mùa nóng còn khiến da mặt chị nổi khá nhiều mụn. Chị cùng vài người bạn “cùng cảnh ngộ” đã tìm lời hướng dẫn của một hội trên mạng rồi ra chợ mua ít hoa cúc và vài loại lá khác về nấu một loại trà “thanh lọc cơ thể” để uống. Mụn chưa kịp lặn, cả nhóm lại nháo nhào vì ngay chiều hôm đó, chị A. bất ngờ… xỉu.
Đề phòng tụt huyết áp
Chị A. được các bạn đưa đến Bệnh viện (BV) Nhân dân 115 (TP HCM) để kiểm tra và chọn một vị bác sĩ (BS) có phòng mạch gần nhà chị khám giúp. Vị BS cho biết chị A. vốn có huyết áp khá thấp, chỉ khoảng 10/7 và đã nhiều lần bị tụt huyết áp đột ngột. Loại nước uống “thanh lọc, giải nhiệt” mà chị và các bạn xem trên mạng rồi pha chế theo lại có tác dụng… giảm huyết áp rất tốt. Vì vậy, khi uống cả bình lớn với hy vọng mau hết mụn, chị đã bị tụt huyết áp, gây ngất. Lúc đó, vài người trong nhóm bạn chị A. cũng thừa nhận cảm thấy hơi mệt mỏi sau khi uống khá nhiều nước này.
Ông Ng.V.M (47 tuổi, một giáo viên) cũng gặp tình huống dở khóc dở cười. Nghe lời mách nước của bạn bè, ông pha chế một loại nước uống “thanh lọc cơ thể” có tác dụng mát gan, lợi tiểu và uống thay nước bình thường. Trong chuyến du lịch cùng gia đình cuối tuần qua, những bình nước “thanh lọc” khiến ông mệt mỏi vì… phải đi tìm nhà vệ sinh liên tục, đồng thời lúc nào cũng có cảm giác khát nước, choáng váng dù đã uống khá nhiều.
“Chúng tôi đi viếng chùa ở Tây Ninh, lên vài cây số bậc thang thôi nhưng đây là lần đầu tôi thấy mình xuống sức đến vậy. Đến lưng chừng, vợ con vẫn đi một cách bình thản còn tôi thì đã cảm thấy cổ họng khô rát và mệt đứt hơi” - ông M. nhớ lại.
Loại nước uống giải nhiệt tốt nhất vẫn là nước lọc Ảnh: TẤN THẠNH |
Có bệnh, coi chừng
BS Trương Quang Anh Vũ, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp BV Thống Nhất (TP HCM), khuyên trong mùa nóng, ai cũng muốn tìm cách gì đó để cơ thể cảm thấy thoải mái hơn nhưng hãy cẩn trọng, đặc biệt là khi có ý định sử dụng nhiều loại thức ăn, đồ uống, thuốc bổ, thực phẩm chức năng… nào đó mà chưa hiểu cặn kẽ về công dụng của chúng.
Ví dụ, người lớn tuổi hay bị cao huyết áp nhưng một số người không bị, thậm chí huyết áp lại thấp. Nếu dùng nhiều một loại thực phẩm nào đó khiến huyết áp bị tụt sẽ cảm thấy choáng váng, mệt mỏi; nặng hơn là gây thiếu máu não, nhồi máu não và đột quỵ, nguy hiểm không thua gì cơn tăng huyết áp. Nên lưu ý rằng không chỉ người có huyết áp thấp mà người bị cao huyết áp nếu sử dụng quá liều cũng có thể gây tụt huyết áp bất ngờ. Còn nếu lạm dụng thuốc, đồ uống gây lợi tiểu thì có thể dẫn đến rối loạn tuần hoàn, thiếu hụt một số chất điện giải…
Tốt nhất, người đang có bệnh lý nội khoa nên tuân thủ những thứ thuốc đã được BS kê toa. Đó mới là cách hữu hiệu nhất để đối phó nguy cơ bệnh chuyển biến xấu do thời tiết chứ không nên lạm dụng thuốc bổ, thực phẩm chức năng hay các loại nước uống pha chế từ các vị thuốc đông y mà không có chỉ định của thầy thuốc chuyên khoa.
Tốt nhất vẫn là… nước
Lương y Đinh Công Bảy, Tổng Thư ký Hội Dược liệu TP HCM, khuyên rằng để thực sự giải nhiệt cho cơ thể, việc chọn loại nước phù hợp là rất quan trọng. Dùng các loại nước lợi tiểu (như rễ tranh, mã đề…) nhiều là không nên, nhất là nếu dùng thay nước lọc có thể khiến cơ thể thêm mất nước, sẽ rất bất lợi khi thời tiết nắng nóng như hiện nay. Một số loại thức uống khác cũng có tác dụng làm mát cơ thể như rau má, atisô… nhưng không gây lợi tiểu sẽ là lựa chọn tốt hơn. Tuy nhiên, những người có cơ địa huyết áp thấp không nên dùng những thức uống này vì chúng đồng thời làm giảm huyết áp.
Lương y Đinh Công Bảy và BS Trương Quang Anh Vũ cùng khẳng định: Loại nước uống giúp giải nhiệt mùa hè tốt nhất vẫn là nước lọc, nước đun sôi để nguội. Chỉ cần uống nhiều nước để bù lại việc mất nước do thời tiết, đổ nhiều mồ hôi, cơ thể sẽ cảm thấy dễ chịu hơn, đồng thời tăng sức chống chọi với các nguy cơ bệnh tật. Ngoài ra, thỉnh thoảng uống thêm nước trái cây cũng là lựa chọn hợp lý, đồng thời giúp cơ thể bổ sung các vitamin, tăng sức đề kháng.
Đau mỏi vì giải nhiệt
Nhiều người sau khi uống các loại nước có tác dụng làm mát, lợi tiểu thì gặp phải tình trạng đau, mỏi nhừ khắp cơ thể, giống như các quý ông sau một mùa lễ, Tết sử dụng quá nhiều bia.
“Đó là do bia hay các thứ nước lợi tiểu sẽ khiến người dùng đi tiểu quá nhiều, làm giảm sút hàm lượng một số vi chất trong cơ thể, nhất là kali. Hạ kali máu có thể làm yếu các cơ, dẫn đến cảm giác đau, mỏi” - BS Đỗ Trọng Ánh, Giám đốc BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM, giải thích. Ông Ánh khuyên rằng nếu lỡ đã gặp phải tình huống đó, có thể khắc phục bằng cách bổ sung kali qua thực phẩm (nhiều nhất là chuối) hay dùng thêm thuốc bổ sung kali.