Dư luận đánh giá cao kết quả Hội nghị Trung ương 6
Trong 7 ngày làm việc, Hội nghị Trung ương 6 khóa XII đã thảo luận, cho ý kiến về tình hình kinh tế- xã hội, đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; công tác thi hành kỷ luật Đảng…
Hội nghị Trung ương 6 khóa XII (Ảnh: Vietnamnet) |
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, tất cả đều là những vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm, có tác động trực tiếp đến đời sống của người dân, đông đảo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cả nước. Dư luận cán bộ đảng viên và nhân dân bày tỏ đồng tình và cho rằng đây là những việc làm cần thiết nhằm tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng.
Đại tá, Tiến sỹ, Nhà giáo ưu tú Châu Nam Long cho rằng, Hội nghị Trung ương 6 đã giải quyết đúng và trúng nhu cầu của thực tiễn, đáp ứng mong mỏi của cán bộ Đảng viên và nhân dân trong tình hình hiện nay. Bởi thực tế, bộ máy của Đảng và nhà nước ta rất cồng kềnh. Đảng có Ban, Ngành nào thì Nhà nước có Ban ngành đó, như thế không cần thiết. Do đó, Đảng cần tinh giản và gọn nhẹ để tập trung trí tuệ giúp cho Đảng có tầm nhìn bao quát và có khả năng chỉ đạo vĩ mô. Nếu bộ máy cồng kềnh sẽ không chọn được người tài để tập trung xử lý công việc.
“Hướng chung Đảng nên tinh gọn bộ máy của mình. Nhà nước thì có những bộ phận đang phình ra, ảnh hưởng đến chất lượng công việc và chế độ chính sách cho đội ngũ cán bộ. Phình to lương cũng tăng theo vì thế không thể tăng lương cho cán bộ. Do đó, dứt khoát phải tinh giản để đảm bảo bộ máy gọn nhẹ, điều hành có chất lượng, mặt khác đồng lương cán bộ cũng được đảm bảo”, ông Long nêu ý kiến.
Một số ý kiến cũng cho rằng, việc đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập là hết sức cần thiết, có ý nghĩa chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, góp phần vào sự nghiệp phát triển đất nước.
Ông Lê Công Nhường, Ủy viên Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội mong muốn, việc đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập được tiến hành nhanh hơn để giảm áp lực chi ngân sách cũng như góp phần minh bạch hóa công việc cho người dân.
“Việc đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập sẽ tạo động lực cho người làm cũng như người dân được tiếp cận dịch vụ nhanh chóng hơn, không bị cản trở từ phía người thực thi công việc của nhà nước. Đồng thời, làm công việc nhanh hơn, từ đó dùng tiền giải quyết lương cho viên chức. Như vậy giảm áp lực ngân sách nhà nước. Hiện nay ngân sách nhà nước chi gần 70% cho thường xuyên, nếu giảm được thì sẽ dành nguồn chi cho đầu tư phát triển, như vậy sẽ góp phần phát triển kinh tế xã hội”, ông Nhường nêu quan điểm.
Dư luận cũng đồng tình với quyết định của Trung ương trong việc thi hành kỷ luật ông Nguyễn Xuân Anh, bằng hình thức cách chức Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng, Uỷ viên Ban Thường vụ, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015 - 2020; và cho thôi giữ chức Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII.
Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng: cán bộ là Ủy viên Trung ương mà tham quyền, lộng quyền, vi phạm nguyên tắc, vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm cả pháp luật thì rất đáng tiếc.
“Làm sao để nâng cao sức chiến đấu của Đảng trong tình hình hiện nay là vấn đề nhân dân và đảng viên quan tâm. Hội nghị Trung ương đã giải quyết trúng nhu cầu bức xúc của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tình hình hiện nay. Nếu không nâng cao sức chiến đấu của Đảng mà trong đó nâng cao trách nhiệm phẩm chất, đạo đức của Đảng viên, đặc biệt là những đảng viên có chức, có quyền cấp cao thì chúng ta khó củng cố niềm tin của nhân dân với sự lãnh đạo của Đảng./.